Lớp A0 – Khóa 9

They came, they saw and they ….

Chính khách và ngôn ngữ cử chỉ


Lời dẫn: BBT nhận được mail của Nguyễn Hùng Thao, trong đó có đoạn sau:

<<

 Chào Văn Thành.

Cậu khỏe không? Chắc cậu bận lắm, không thấy viết cho Blog của lớp.
………
Thấy trên Blog có vài bài thông tin một chiều về Putin, vì vậy mình muốn viết về một chiều khác, nhưng vì khả năng diễn giải của mình không được sắc bén lắm, và không muốn mọi người nghĩ là mình không khách quan nên mình muốn cậu xem bản dịch một bài bào trên báo Thanh niên Nga do một người dịch ra trên diễn đàn “nuocnga.net“. Nếu cậu cảm thấy ổn thì cậu hãy cho đăng. Mình đã viết thư xin phép người dịch và nhận được sự đồng ý.
Cám ơn,
Thao 
>>
BBT chỉ đặt lại tiêu đề và đăng lại toàn văn bài viết  trên. Mời các bạn cùng tham gia đánh giá, phản biện với Thao nhé!
 ————————————————————

Bài này do bạn Đan Thi dịch từ báo Thanh niên Nga (nguồn: http://kp.ru/daily/25863.3/2829558/).

Bài dịch: http://diendan.nuocnga.net/showthread.php?p=107478#post107478

Putin, Obama và những chính khách nổi tiếng dưới cái nhìn ngôn ngữ cử chỉ

Đan Thi Moscow dịch theo báo NgaChuyên gia tâm lý học uyên bác Allan Pease nhận xét rằng “Putin hoàn toàn tự tin về mình, còn Obama có khả năng thuyết phục giống như Hitler”.
Trên thế giới người ta gọi Allan Pease là “quí ngài đọc ngôn ngữ cơ thể”. Các thám tử cầu cứu ông để nhờ phát giác bọn tội phạm, còn các chính trị gia, doanh nhân và người dẫn chương trình truyền hình tìm đến Allan Pease để tư vấn xây dựng hình ảnh hoặc đơn giản là học cách giữ bình tĩnh trước công chúng và ống kính.

Nhà báo nêu câu hỏi truyền thống:
– Ông đến Saint-Peterburg lần đầu tiên à?
Và câu trả lời bất ngờ:
– Lần thứ hai. Lần đầu là năm 1991, tôi được mời đến điện Smolnyi để tiến hành khóa học cơ bản cho các chính trị gia, dạy họ biểu đạt môt cách vững vàng trước truyền hình phương Tây. Hội thảo do Thị trưởng Anatoly Sobchak triệu tập. Còn người phó của ông ấy là Vladimir Putin.
Tôi nhớ rất rõ là khi Putin bước vào khán phòng, tất cả đều im bặt. Họ biết rằng Putin từng làm việc trong KGB.
– Thế còn ông?
– Tôi cũng hiểu. Các tình báo viên có sự đào tạo đặc biệt. Nhưng sau đó tôi nhìn thấy ở ông không chỉ một sĩ quan KGB, mà còn là một con người chân chính.
Tôi kể cho bạn mẩu chuyện Giáng Sinh nhé. Hồi đầu những năm 2000, gia đình tôi quây quần ăn mừng Giáng Sinh. Bỗng trên chương trình truyền hình chiếu cảnh có Putin. Tôi hỏi cha vợ: “Bố có nhớ ông này không?” Cha vợ tôi điềm nhiên gật đầu: “Nhớ chứ, ông này đã chỉ cho tôi toilet ở đâu”. Tất cả đều kinh ngạc. Vợ tôi thốt lên: “Đây là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới, mà bố nói chuyện toilet gì chứ!?”. Ông bố vợ từ tốn: “Thì sao nào, đây là con người có trái tim lớn”. Hóa ra khi tôi và vợ rời đi để chuẩn bị cho lớp học trong Smolnyi, cha vợ tôi loay hoay kiếm nhà vệ sinh. Ông cụ vừa trải qua cơn nhồi máu, và cứ khỏang 1 giờ lại cần ra WC…Bố vợ tôi lạc lối trong những dãy hành lang mênh mông của điện Smolnyi, và có một người đàn ông đến gần, hỏi xem có cần giúp đỡ, rồi dắt cụ đến chỗ đang tìm. Chẳng phải vị quan chức nào cũng xếp mọi chuyện để chạy đến giúp đỡ một người bệnh!
– Bây giờ Putin có thay đổi gì chăng?
– Có lẽ là không … Ấn tượng trước công chúng vẫn giống như hồi đó.
– Ông đã dạy ông ấy điều gì ở khóa học cơ bản?
Alan áp những ngón của bàn tay này đỡ lấy ngón của bàn tay kia.
– Cử chỉ này, theo qui luật ngôn ngữ cơ thể, là của những người tự tin. Và ông ấy hay sử dụng. Tạo ra cho những người khác ấn tượng rằng bạn biết chính xác những gì mình đang nói, những gì bạn đang làm và toàn quyền kiểm soát tình hình. Thậm chí ngay cả khi trên thực tế bạn không có chút ý tưởng nào về việc cần phải làm gì.
– Ông đã gặp Tổng thống Nga đầu tiên Boris Yeltsin bao giờ chưa?
– Năm 1991, chúng tôi đã tiến hành hội đàm để xây dựng hình ảnh của ông ấy. Phái viên của tôi đã đến điện Kremlin và thông báo rằng Yeltsin không có khả năng học ngôn ngữ cử chỉ. Nói chung, rất khó để dạy ông ấy cái gì. Thế nhưng người của tôi cũng báo tin là có ông Sobchak quan tâm đến dịch vụ của chúng tôi. Để làm gì và tiếp theo ra sao thì tôi đã kể rồi đấy.

Allan Pease còn nhớ cả cô con gái của Sobchak là Ksenia. Ông đã gặp cô trong một chương trình giao lưu.
– Tôi được mời đến như một chuyên gia để xác định xem liệu cô bảo mẫu bị tình nghi hay đánh trẻ có nói dối không. Trong phòng có cả Ksenia. Nhưng lúc đó chúng tôi không chuyện trò gì.
– Ksenia cũng sử dụng dịch vụ của chuyên gia ngôn ngữ cử chỉ?
– Ồ, cô ấy là diễn viên và rất thạo ngôn ngữ ký hiệu. Rất khó để nói khi nào cô ấy là con người thực còn khi nào thì cô ấy diễn. Cô gái có thể nói dối, thế nhưng khán giả sẽ cảm thấy rằng mỗi lời cô ấy đều là sự thật.
– Lần này ông sang Nga là để tư vấn cho các nhà hoạch định chính sách ư?
– Không. Chuyến đi dành cho các độc giả. Với các chính trị gia, kẻ giết người, khủng bố hay buôn lậu ma túy, tôi không làm việc nữa. Bởi có những mối đe dọa nhắm đến gia đình tôi.

Sự kết hợp linh họat của tay, môi và mắt

Dưới nhãn quan ngôn ngữ cử chỉ, Allan Pease bình luận về hành vi của các chính trị gia nổi tiếng khi xuất hiện trước công chúng.
Putin: Cử chỉ của sự tự tin và kiểm soát tình hình. Cho người đối thoại biết về bản thân ông và sự đào tạo tình báo chuyên nghiệp. Putin biết làm chủ bản thân và kiểm soát mỗi động tác cơ thể.


Obama là diễn giả giỏi. Hành vi của ông ta trước công chúng có sức thuyết phục như của Hitler trước đây. Nhưng ở Obama những chuyển động uyển chuyển hơn nhiều. Với cử chỉ này, ông phô trương với khán giả rằng: “Tôi yêu mến các bạn”, – và mọi người tin ông ta.


Khi ở trước đối tác, chính khách và cả doanh nhân nữa, nên tránh những cử động từ cằm trở lên. Yeltsin nói một đằng, nhưng biểu đạt cử chỉ lại hòan tòan khác. Kết quả là người ta không thể hiểu ông ấy. Cử chỉ của Yeltsin, xin lỗi, giống như động tác của một người chuyếnh choáng hơi men.


Bush cũng giống Yeltsin, là người không biết xử sự đúng mực trước công chúng. Đặc tính cử chỉ như những người xuất thân từ lớp thấp nhất. Trước khán giả, Bush gợi lên ấn tượng về một con người thiển cận và không thông minh.


Về hành vi trước công chúng thì Clinton tương tự như Obama. Ông có những chuyển động rất đẹp, cuốn hút khán giả. Và thậm chí trong vụ bê bối với Monica Lewinsky, người ta vẫn tin rằng phần lỗi thuộc về cô gái chứ không phải là Tổng thống. Giả sử Bush ở vào vị trí của Clinton trong câu chuyện tình ái này thì tôi nghĩ hẳn ông ấy sẽ bị ngồi sau song sắt.

Mỗi cử chỉ của Hitler đều khẳng định lời nói. Diễn từ của Hitler có thể sánh với bước quân hành trong tiếng nhạc, còn cử chỉ giống như nhịp trống. Khán giả biết được Hitler định hướng tới đâu và ông ta muốn gì. Và bởi thế những tuyên ngôn của Hitler khiến người ta tin.

——-//——-


Allan Pease sinh năm 1952 tại Australia. Là thành viên Cộng đồng Nghệ thuật Hoàng gia, Viện Quản lý Australia và Hiệp hội nhà văn. Cuốn sách đầu tiên “Ngôn ngữ cử chỉ cơ thể” được bán khắp thế giới với hàng triệu bản. Allan Pease là tác giả của 12 tập sách. Tiến hành các seminar hội thảo tại 30 quốc gia, trong số khách hàng của ông có IBM, McDonalds, BBC, Mazda, Suzuki và v.v… 

Tháng Tư 13, 2012 - Posted by | Danh nhân

12 bình luận »

  1. Cám ơn VThành đã giúp mình đưa bài lên. Mình là một trong những người đi bỏ phiếu cho Putin cả nhiệm kỳ trước lẫn nhiệm kỳ này, điều đó đã thể hiện quan điểm của mình.
    – Khi đọc trên báo chí các bài chỉ trích Putin mình nhận thấy có rất nhều động cơ chính trị trong đó. Điều đó cũng dễ hiểu. Vì nước Nga với nguồn tài nguyên vô tận của nó là con mồi mà nhiều cường quốc thèm muốn. Vì vậy họ cần một nước Nga yếu ớt, một nguyên thủ dễ dàng điều khiển. Putin là một trong những nhân vật phá hỏng ước mơ đó. Đây là chủ đề chính trị rộng lớn mà khuôn khổ bài này khó có thể đề cập đến.
    – Nếu ta bỏ qua khía cạnh chính trị, trong đời thường khi ai đó có tài và nổi tiếng, ngay lập tức sẽ có rất nhiều sự ghen tị, rèm pha. Tôi nghĩ có rất ít chính trị gia có thể thể hiện sự phát triển toàn diện về trí thức, thể lực và tố chất mạnh mẽ như Putin. Nếu ông không phải là nguyên thủ quốc gia thì cũng làm ta phải thán phục.
    – Có một số ý kiến cho rằng ông ta quá tham quyền cố vị: tôi đã chứng kiến sự trị vì của các nhà lãnh đạo Nga: Breznev, Andropov, Chernhenko, Gorbachov, Yeltsin, Putin và thấy hiện chưa có nhà lãnh đạo nào đủ tố chất và uy tín hơn Putin để lãnh đạo đất nước. Vì vậy thời thế bắt buộc thôi. Những gì mà đại đa số dân Nga (công nhân, trí thức, công chức nhà nước, hưu trí…) nhận được trong 12 năm qua, vị thế ra tăng của nước Nga, thu nhập bình quân đầu người 18000 đô/năm – vào loại đứng đầu các nước thuộc LX cũ… là những thứ mà người Nga không muốn mất đi. Vậy cớ gì họ phải tin vào các chính trị gia khác, nhất là những người đã vào Đại sứ quán Hoa kỳ họp kín trước thềm bầu cử Tổng thống vừa qua.

    Bình luận bởi Hùng Thao | Tháng Tư 13, 2012 | Trả lời

    • Cám ơn Thao có bài sưu tầm rất thú vị.
      Té ra chính Thao là người đã đi bầu cho Mr Putin những 2 lần! Tớ và có khi 100% anh em A0 còn lại chẳng nhớ mình đã bầu cho ai. Sẽ hơi oan nếu bảo bọn tớ “vô trách nhiệm” với xã hội, với cộng đồng, vì thực tế ở VN cho thấy những chuyện bầu cử chỉ là hình thức mà thôi, mọi chuyện đã an bài trước đó lâu rồi.
      Quay lại nhận xét của Thao về “cái nhìn một chiều” của một số bài đã đăng trong BLog về ông Putin. Tớ thấy có 2-3 bài có liên quan chút ít tới Putin thôi. Tớ đọc kỹ lại, thấy ít nhất có 2 “chiều không gian” đã đề cập tới:
      – Putin như một con người
      – Putin như một chính khách

      Ở trong các thể chế dân chủ-pháp quyền, một khi bạn đã là chính khách, thì nghề chính của bạn là “diễn cho tròn vai”. Phải công nhận, các vị như Putin, Clinton hay Obama là các nghệ sỹ đại tài. Còn rất nhiều chính khách khác có “diễn xuất kém” thì Allan Pease mới có việc làm chứ! Tuy vậy, thông qua các hành vi của chính khách mà đánh giá con người thật của ông ta là một việc bất khả thi, vì ko biết khi ông ta “thật”, khi nào ông ta “diễn”. Chính khách càng lớn thì càng “diễn” là chính! Chính khách “dở” thì dễ bị lộ con người thật của ông ta!
      Còn ở các thể chế độc tài, các chính khách tự biến mình thành “lãnh tụ của dân tộc”, ông ta tự cho phép mình “tạo ra luật chơi” và ông ta “thích gì thì làm đấy”, ông ta ko cần phải diễn! Mao trạch đông, Gaddafi,.. đúng là những “con người tự do tuyệt đối”!

      Trong bài viết trên, Allan Pease hoàn toàn có ý đồ khi so sánh Putin với Hitler! Nước Nga ngày nay với nước Đức Quốc xã hồi ấy rất khác nhau, nhưng có 1 điểm chung là: xuất phát từ một thể chế nhà nước dân chủ-pháp quyền nhưng lại muốn chuyển sang giai đoạn thu tóm quyền lực để tiến tới chế độ độc tài-toàn trị! Cả Hitler và Putin đều có nhiều bạn bè-đồng chí “theo thời vụ” và phải chia sẻ quyền lực với họ! Với vai diễn rất xuất sắc, cả Putin lẫn Hitler đã chiếm được cảm tình của đông đảo quần chúng. Đấy chính là đối trọng rất lớn để họ đủ sức tiêu diệt các đối thủ chính trị tiềm tàng ngay trong đám “đồng chí” của mình! Mao trạch đông đã làm như vậy với các Lưu thiếu Kỳ, Bành đức Hoài, Lâm Bưu,…

      Câu hỏi dành cho người Nga, trong đó có Thao, là : khi có quyền lựa chọn, các bạn chọn cái gì:
      – Nhà nước độc tài toàn trị với đời sống kinh tế-xã hội khá ổn định như 12 năm qua ? Hay là
      – Thể chế dân chủ-pháp quyền có thể kèm theo những biến động, rủi do về kinh tế-xã hội nhưng cơ hội thể hiện năng lực cá nhân của mỗi người sẽ bình đẳng hơn ?

      Bình luận bởi V.Thành | Tháng Tư 14, 2012 | Trả lời

      • mình không muốn trả lời câu hỏi cuối cùng của Thành, vì hình như nó có vẻ khiêu khích, dựa trên cơ sở Thành cho là mặc nhiên (Nga là nhà nước độc tài), để dẫn đến câu trả lời như ý muốn. Mình đã sống qua giai đoạn những năm 90 bên Nga và được trải nghiệm nền “dân chủ” quá thái cho một xã hội chưa đủ trình độ tiếp thu nó. Hồi đó mạnh ai người đó vơ, và khi dân chúng hồ hởi đón nền dân chủ mới lạ từ phương tây, đã xuất hiện nhóm tài phiệt thâu tóm nền kinh tế. Họ tự tạo ra tình huống làm phá sản các nhà máy để mua lại với giá rẻ. Bây giờ khi phải trả giá thì chạy sang phương tây và kêu gọi phục hồi nền “dân chủ” đã mất. Phần lớn người Nga hoàn toàn không muốn quay lại nền độc tài Stalin cũng như nền “dân chủ” Elsin.

        Bình luận bởi Nguyễn Hùng Thao | Tháng Năm 9, 2012

      • Hi Thao. Có lẽ Thao có cái nhìn hơi khắt khe mà nghĩ rằng tớ muốn “khiêu khích” ai đó! 😀 😀 😀
        Tớ thử diễn đạt lại thật nghiêm túc nhé?
        Theo cảm nhận của tớ, nước Nga bây giờ chưa thể coi là đang được quản lý bằng một thể chế dân chủ!
        Thời của B. Elxin là hỗn loạn vô chính phủ chứ không hề “dân chủ” dù chỉ trong ngặc kép như Thao đã viết.
        Như hầu hết anh, em đã từng có thời ăn “bánh mỳ và muối” của nước Nga, tớ rất có cảm tình với ông V.Putin. Công lớn nhất của Putin, theo tớ là đã chèo lái con thuyền nước Nga vượt qua giai đoạn vô chính phủ một cách thành công mà không cần các biện pháp hồi tố, trừng phạt nặng nề đối với những kẻ thủ phạm-trong đó có “Gia đình” của chính ông Elxin!
        Đúng như Thao đã nhấn mạnh, kết quả cuộc bầu cử vừa qua đã khẳng định, người Nga đã chọn Putin. Và đấy là sự lựa chọn tốt nhất trong các khả năng cho phép. Qua các hẹ thống truyền thông chính thống, người Nga có vẻ đang quen dần với việc tôn vinh Putin lên một tầm cao mới, đang biến ông ấy, hoặc chính ông ấy muốn như vậy, từ một chính khách xuất sắc thành một lãnh tụ kiểu mới! Tại sao nước Nga vĩ đại lại vẫn cần lãnh tụ đến như vậy? Người Nga đang tin rằng, V.Putin là không thể thay thế à? Với một lãnh tụ chính trị cộng với quyền lực tuyệt đối, như Putin hiện đang có, thì nếu một nhà độc tài kiểu mới có xuất hiện cũng chẳng làm tớ ngạc nhiên!
        Tớ không muốn khẳng định thể chế chính trị hiện hành của Nga là Nhà nước độc tài, nhưng tương lai của Nga sau 2 nhiệm kỳ tổng thống mới (12 năm ?) hoàn toàn có thể là một chế độ độc tài (kiểu mới ?) !
        Tớ vẫn rất tôn trọng ông V.Putin như một con người, một nhân cách.
        Tớ đã coi ông ấy là một chính khách lỗi lạc, có công rất lớn với nước Nga.
        Nhưng khi V.Putin- D.Mevedev chơi trò “xáo bài” vài lần: hết tổng thống-thủ tướng lại thủ tướng-tổng thống rồi lại như cũ …để duy trì vị trí quyền lực thì tớ đã thất vọng nhiều!
        Rất nhiều người khác coi đó là “trò hề”.
        Chẳng nhẽ người Nga không thấy đang bị nhạo báng?
        Hoặc, tại sao người Nga không còn sự lựa chọn nào khác?
        Thao có thể nói rằng, Nga đang xây dựng mô hình “dân chủ kiểu Nga”.
        Người Tàu cũng nói họ đang có “mô hình XHCN mang màu sắc TQ”
        Còn VN thì đang “xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”…
        Có gì đó rất tương đồng một cách khả nghi!!!!

        Bình luận bởi V. Thành | Tháng Năm 11, 2012

      • Hi Thành và Thao: Mình “cung cấp” thêm 1 kiến thức của các nhà Xã hội học trên thế giới (tạm xếp họ thuộc trường phái gọi là phi mác-xít) phân loại các nước XHCN ngày xưa là thuộc hình thức CNXH nhà nước (CNXH toàn trị). Sở dĩ họ phân loại như vậy, bởi vì họ dựa trên lý thuyết về Phân tầng xã hội. Chắc là sự phân loại như vậy vẫn còn đúng cho đến hiện nay (?), dù cho các nước XHCN có “biến đổi”, nhưng “ý thức hệ” chắc vẫn còn dai dẳng và “kiên định”!

        Bình luận bởi Đỗ Thiên Kính | Tháng Năm 11, 2012

  2. Tôi thấy rất ấn tượng khi xem Putin vừa chơi dương cầm vừa hát bài ” Tổ quốc bắt nguồn từ đâu ” rất nổi tiếng trong bộ phim tình báo thời Xô Viết cũng rất nổi tiếng là “Thanh kiếm và lá chắn” :

    http://www.telegraph.co.uk/telegraph/template/utils/ooyala/telegraph_player.swf

    Trong bài hát này lòng yêu nước được thể hiện rất đơn giản, rất cụ thể song cũng rất sâu sắc ! Thật ý nghĩa khi Putin hát bài này tới 2 lần.

    Bình luận bởi phuongnguyentm | Tháng Tư 16, 2012 | Trả lời

    • Chào Minh Phưowng,
      Rất tiếc, cái Blog-Server này chỉ chấp nhận video-clip theo format của Youtube, còn đường link của M.Phương đã dẫn lại bị lỗi phía server nên rất khó download. Tôi đã cố tìm trên Youtube clip về buổi biểu diễn quyên góp từ thiện có V.Putin tham gia với màn biểu diễn như M.Phương mô tả.
      Tôi mới tìm được mỗi đoạn này, hình như chưa được ấn tượng lắm, mời các bạn xem thử:

      Bình luận bởi V. Thành | Tháng Tư 19, 2012 | Trả lời

      • Cám ơn Văn Thành. Tôi thấy xem Putin biểu diễn trong video bạn đưa lên là ấn tượng rồi .
        Lần thứ 2 Putin chơi đàn và hát bài này khi đi thăm Nhà hát Lớn Moscow lúc Nhà hát này sắp mở cửa trở lại sau nhều năm đóng cửa để đại trùng tu (tháng 12/2011).

        Bình luận bởi phuongnguyentm | Tháng Tư 19, 2012

  3. Trước hết xin có lời chào bạn Minh Phương mà mình đã được nghe nói đến từ trước. Chắc mình phải phạt mấy bạn ở Hà Nội vì tội dấu MP hơi lâu, giờ mới chịu thò ra. MP vô đây chia lửa với mình chứ bọn nữ chúng nó bỏ rơi mình đơn thương độc mã, chỉ được cái xem xong cười hinh híc với mình mới tức chứ. Hy vọng được gặp MP một ngày rất rất gần khi mình ghé HN.

    Mình xin góp ý là bàiviết của mình về Putin hòan tòan không có ý gì phản biện với bài viết trên. Ngược lại nó lại rất đồng thuận. Hãy xem lại bài viết của mình. Mình đã viết rằng Putin là người tự tin (và hơn nữa), là niềm tự hào của người Nga. Ông cũng được thế giới đánh giá là chính khách có uy tín nhất nước Nga và khả năng quay lại chính trường là rất lớn (thực tế đã chứng minh). Nếu là người Nga rất có thể mình cũng sẽ bầu Putin vì có lẽ không có lựa chọn khác tốt hơn.

    Chỉ có điều, mục đích bài viết của mình nhắm đến điểm xa hơn cái việc chỉ nói về con người Putin .

    Mình rất thông cảm với các bạn đã từng học ở LX cũ về tình cảm dành cho nước Nga nói chung và cho Putin nói riêng. Mình cũng đã có những tình cảm đó dù chưa ở nước Nga ngày nào. Nhưng thế giới thay đổi từng ngày và đừng giữ khư khư cái gì của ngày hôm qua nếu ngày hôm nay đòi hỏi nhiều điều tốt đẹp hơn.

    Các bạn nhìn nhận Putin qua 2 điểm sau:
    1. Phương diện con người (mình hòan toàn đồng ý với ý kiến của các bạn). Còn về phương diện đàn ông của Putin thì… miễn bàn. Nhiều chị em mơ, ước gì Putin cũng “thỏai mái” như Clinton!
    2. Trong bối cảnh của nước Nga (mình cũng hòan toàn đồng ý với ý kiến của các bạn)

    Còn mình nhìn nhận Putin cũng qua 2 điểm:
    1. Phương diện chính khách (các bạn chưa chứng minh được ý của mình là sai)
    2. Trong bối cảnh tòan cầu (các bạn chưa làm việc này, mình nhặt ra sơ sơ ở đây hai ngài mũi tẹt là Đặng TB & Lý Quang Diệu để các bạn thử so sánh)

    Cho nên ở đây bọn mình đang nói chuyện “cam và táo”. Tức là 2 điều mình đặt ra chưa được ai trả lời:
    1. Putin không phải chính khách xứng với tầm cỡ của nước Nga (dù ông là đỉnh cao chưa ai vượt qua ở nước Nga).
    2. Nước Nga không có ai hơn Putin hay xã hội chưa (không) cho người hơn Putin xuất hiện?

    Để bác bỏ ý 1 bạn phải giải thích được nếu Putin tầm cỡ lớn thì tại sao nước Nga đầy tiềm năng lại đỳ đẹt sau bọn mũi tẹt hàng xóm dù đổi mới đã 20 năm?

    Lịch sử để lại nước Nga có chân trong Hội đồng bảo an LHQ nên quyểt định của Nga có ảnh hưởng đến thế giới là chuyện hiển nhiên (nhưng sử dụng ưu thế đó như thế nào mới là chuyện đáng bàn). Còn sức mạnh quân sự làm nước khác phải sợ thì Bắc Triều Tiên cũng làm khối đế quốc phải e dè.

    Mình cho rằng nước Nga khá dân chủ nên không nên đặt v/đ độc tài hay dân chủ ở đây mà là v/đ chính sách. Nếu mình không đánh giá cao nước Nga thì mình đã hài lòng với Putin như Thao thôi (cũng như TG lý luận rằng VN còn hơn chán vạn các nước châu Phi).

    Mình nghĩ phê phán Putin không phải do “diễn biến hòa bình” hay GATO. Hồi năm 2000 bầu cử ở Mỹ, có bạn SV theo đảng Dân chủ bầu cho Al Gore nhưng vẫn nói với mình rằng Bush là người “kind, caring, thoughtful” (tử tế, biết quan tâm đến người khác, sâu sắc). Ông Bush còn ký viện trợ việc chống AIDS cho Việt Nam. Còn chê ông Bush thì… “vô tư đi”.

    Bình luận bởi chausatran | Tháng Tư 17, 2012 | Trả lời

    • Thật ra mình cũng nghi rằng Putin có thể trở thành độc tài, nếu không có phanh là phe đối lập. Rất may nước Nga ngày nay không còn như 20 năm trước và người Nga đã biết phân biệt đâu là dân chủ, và đâu chỉ là đội lốt dân chủ. Sau 6 năm nữa chắc gì Putin còn uy tín để tranh cử.
      Mình chỉ thấy ngày càng có nhiều người cả tin vào những chiến dịch tuyên truyền mà không hề nghĩ rằng có động cơ nào trong đó.
      Tôi lấy ví dụ (từ cả các phía ta và địch): hồi bé khi Mỹ ném bom miền Bắc tôi nghe nói đừng nhặt đồ chơi do địch ném xuống vì nguy hiểm cháy nổ hay độc hại. Hồi đó tôi đã tin là thật. Nhưng khi lớn lên tôi chỉ tự cười mình, không phải vì tôi tin Mỹ không độc ác (việc dùng bom napan, bom bi hay chất độc hóa học, hành động mà ngoài Mỹ hay phát xít Đức – Nhật ra tôi chưa thấy ai dùng, là chuyện không thể chối cãi). Tôi nghĩ điều đó không mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ. Hay trong Nam nhiều người tin là 7 anh Việt cộng đu được trên một cành đu đủ.
      Thời đó con người còn ngây thơ, thiếu thông tin. Nhưng bây giờ vẫn không ít người tin là cách mạng ở Libya là hoàn toàn do nhân dân Libya mong muốn. Hay xâm lược Iraq là để cứu loài người khỏi thảm họa hạt nhân hay vũ khí hóa-sinh học. Để gây dư luận xã hội cho cuộc chiến, người ta quay trên TV chuyện của một cô bé 15 tuổi chạy thoát khỏi Kuwait kể về sự tàn ác của lính Iraq. Nhưng sau này sự thật đã bị lật tẩy, cô bé chẳng qua là con gái ngài lãnh sự Kuwait tại Mỹ, khi chiến tranh xẩy ra cô bé ở Mỹ và không thể chứng kiến những gì đã kể. Cũng như người ta không tìm được các loại vũ khí mong muốn sau khi xâm lược Iraq.
      Tất cả những dẫn chứng vòng vo đó tôi muốn minh chứng rằng đằng sau tất cả những trò tuyên truyền đó đều phục vụ cho mục đích của một số thế lực. Các chính trị gia có hùa theo cũng chỉ để nhận được lợi ích về chính trị hay kinh tế. Còn ta được gì từ những màn kịch đó. Nếu không ta phải nhìn bằng thông tin đa chiều. Và chiến dịch hạ uy tín của Putin cũng là một trong những kịch bản như vậy.

      Bình luận bởi Hùng Thao | Tháng Năm 7, 2012 | Trả lời

  4. Tản mạn về Bill Clinton :

    1. Bill Clinton thổi kèn sacxophone rất hay. Tôi thấy rất ấn tượng khi xem Bill thổi kèn trong dàn nhạc của Nhà thờ khi đã trở thành Tổng thống Mỹ. Trong một lần trả lời phỏng vấn Bill cho biết khi trẻ đã từng có ý định trở thành nghệ sĩ chơi kén sacxophone song với tham vọng muốn tác động nhiều hơn tới thế giới Bill đã chọn con đường làm chính trị và trở thành Tổng thống Mỹ.

    2. Cuối năm 2000 khi đã sắp hết nhiệm kỳ thứ 2 Bill Clinton sang thăm Việt Nam. Ông ta đã có một bài phát biểu quan trọng trước sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, đề cập tới lịch sử quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và triển vọng trong tương lai cũng như mối quan hệ và sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa , giáo dục, về xu thế toàn cầu hóa trên toàn thế giới. Chắc nhiều bạn đã theo dõi bài phát biểu này ? Bài phát biểu này được kết thúc rất ấn tượng khi Bill lẩy hai câu Kiều bằng tiếng Việt khá sõi :
    ‘ Sen tàn cúc lại nở hoa
    Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân !”
    Thật xứng danh chính khách đã đi vào lịch sử của Nước Mỹ và thế giới !

    Bình luận bởi phuongnguyentm | Tháng Tư 22, 2012 | Trả lời

  5. Muốn tham gia còm bài này từ sớm mà giờ mới làm được.

    Hôm thứ Bảy trước ngày bầu cử TT Nga, mình có rủ Thao đi Lộc An, Bà Rịa chơi tiện thể coi đất đai (thời xuống giá) cho chương trình “hậu chiến”, Thao nói không đi được vì bầu cử. Mình nửa đùa nửa thật với Th: nhớ đừng bầu cho Putin nhé! Nay thì đã biết quan điểm của bạn và mình khác nhau.

    Niềm tin trong sáng và chân thành của Th với Putin quả đáng trân trọng. Có lẽ nhờ vào những lá phiếu như vậy mà P đắc cử và sẽ làm TT Nga, như giới phân tích dự đoán, trong cả 12 năm tới.

    Mình không muốn phân tích hay phê phán quan điểm của Thao và các bạn khác – sẽ rất dài — mà chỉ muốn có vài ý thế này, có thể coi là suy ngẫm cá nhân từ những gì tai nghe mắt thấy (và “miệng đọc” hic hic) những năm qua.

    – Về “công lao” của Putin với nước Nga: với tài nguyên thiên nhiên và những gì mà trí tuệ Nga đã làm được trong khoa học kỹ thuật, văn chương, nghệ thuật… ngay từ thế kỷ 19, thì nguyên thủ, hay thể chế, của nước Nga phải rất giỏi (phá) mới có thể làm cho nước Nga không, hay chậm phát triển, hay phát triển không hiệu quả, không bền vững. The USSR là một ví dụ minh họa rõ nhất, mọi người biết rồi.

    – Hãy đặt Putin cạnh Nelson Mandela, các bạn sẽ thấy hai nhân cách hoàn toàn khác nhau trong cách ứng xử với quyền lực. Sắp tới, có lẽ trong rất nhiều vấn đề của thế giới, nước Nga của P sẽ đối lập (không phải đối đầu hay đối trọng nhé) với nước Mỹ. Đơn giản, đó là cách dễ dàng nhất để dung dưỡng tinh thần tự tôn dân tộc của dân Nga, để khẳng định hình ảnh “Strong Leader” của P. Còn thực trạng của nước Nga ư? Liên quan tới khoa học, mình xin được trích một câu trong thư mình mới nhận được từ ông thầy Nga đầu tháng 5 vừa rồi (ông vẫn đang làm việc tại trường): “С наукой в России творится что-то непонятное. Куда все катится знают все. Что с этим делать не знает никто.”

    Nhận xét này chắc cũng không sai khi nói về đời sống xã hội và chính trị của Nga. Nước Nga tiếp tục chảy máu chất xám – trường hợp của chính Thao cũng là một ví dụ hùng hồn. Và người Nga ở thế kỷ 21 lại tiếp tục mắc căn bệnh thông thường của các nước chậm phát triển: người dân không không cần thấy có tư duy, suy nghĩ độc lập mà hoàn hoàn phó thác cho một “minh chủ”, “lãnh tụ tối cao” bla bla…

    Tâm sự thêm với Thao, năm tới 2013 sẽ là tròn 20 năm mình không có dịp nào quay lại nước Nga. Tuy vậy nước Nga luôn ở vị trí đặc biệt trong tâm khảm mình và mình quan tâm tới mọi thứ diễn ra với nước Nga. Không biết còn có được cảm xúc để làm thơ về nước Nga như bạn Thụy Anh nữa không. Nhưng nếu có, chắc chắn mình sẽ có câu này:

    “Ôi nước Nga, vĩ đại chiến công, vĩ đại những sai lầm…”

    Bình luận bởi tobavan | Tháng Năm 19, 2012 | Trả lời


Bình luận về bài viết này