Lớp A0 – Khóa 9

They came, they saw and they ….

Ivan Kramskoi


Chân dung tự họa của Ivan Kramskoi, 1867.

Ivan Nikolaevich Kramskoi (8/6/1837 – 6/4/1887) là một họa sĩ và nhà phê bình nghệ thuật Nga. Ông là lãnh tụ uyên bác của Trào lưu nghệ thuật dân chủ Nga giai đoạn 1860-1880.

Cuộc đời

Kramskoi xuất thân từ một gia đình thư lại nhỏ tại thành phố Ostrogozsk, tỉnh Voronhezh. Từ 1857 tới 1863 ông theo học tại Viện Hàn lâm Nghệ thuật St. Petersburg. Ông đã phản đối nền nghệ thuật hàn lâm và là người khởi xướng cho sự kiện có tên gọi “Cuộc phản loạn của 14 người”, kết thúc bằng quyết định trục xuất một nhóm sinh viên tốt nghiệp ra khỏi Viện Hàn lâm vì họ đã phản đối vẽ tranh theo yêu cầu của đề thi. Những người này đã tổ chức ra Hiệp hội Họa sĩ St-Peterburg (“Артель художников”).

Tư tưởng nghệ thuật

Chịu ảnh hưởng bởi ý tưởng của các nhà dân chủ cách mạng Nga, Kramskoi đã khẳng định trách nhiệm cao cả của người nghệ sĩ đối với công chúng, các nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực, cùng thực chất đạo đức và tính dân tộc của nghệ thuật.. Ông đã trở thành một trong những nhà sáng lập và nhà tư tưởng chính của Công ty Triển lãm Nghệ thuật Lưu động. Trong những năm 1863–1868, Ông dạy học tại trường vẽ dành cho tầng lớp thượng lưu để quảng bá cho các nghệ thuật ứng dụng. Ông đã lập nên phòng tranh trưng bày chân dung của các nhà văn, nhà khoa học, nghệ sĩ và các nhân vật nổi tiếng quan trọng của Nga (Lev Nikolaevich Tolstoy, 1873, Ivan Shishkin, 1873, Pavel Mikhailovich Tretyakov, 1876, Mikhail Saltykov-Shchedrin, 1879, Sergei Botkin, 1880), trong đó sự giản dị truyền cảm của bố cục và sự rõ ràng của họa thuật làm nổi bật các yếu tố tâm lý sâu sắc của nhân vật. Các hình mẫu dân chủ lý tưởng của Kramskoi đã có được sự thể hiện sáng ngời nhất của mình trong những bức chân dung ông vẽ những người nông dân. Những tác phẩm này đã mô tả sinh động sự phong phú của các chi tiết tính cách trong các đại diện cho những con người bình thường.

Tác phẩm tiêu biểu

 Trong một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Kramskoi, Đức Chúa Jesu trên sa mạc (1872, Bảo tàng nghệ thuật Tretyakov), ông đã tiếp tục truyền thống nhân văn của Alexander Ivanov bằng cách xử lý một chủ đề tôn giáo dưới dạng đạo đức-tâm lý. Ông đã thấm đẫm hình ảnh Đức Christ của mình bằng các kỹ năng đầy ấn tượng trong sự thể hiện tâm lý và sinh động sâu sắc, gợi nên mẫu mực lý tưởng về sự tự hy sinh anh hùng Chúa.

Đức Chúa Jesu trên sa mạc, 1872

Cùng với khao khát mở rộng tính diễn cảm mang ý thức hệ cho các hình ảnh của mình thể hiện, Kramskoi đã sáng tạo ra nền nghệ thuật tồn tại trên đỉnh cao của hội họa chân dung và mô tả cảnh sinh hoạt đời thường (“Nekrasov trong giai đoạn ‘Những bài hát cuối cùng,'” 1877–78; “Người đàn bà xa lạ” 1883; “Nỗi buồn khôn nguôi” 1884; tất cả đều được trưng bày tại Phòng trưng bày nghệ thuật Tretyakov). Những bức họa này lột tả sự phức tạp của các nhân vật cùng với những tình cảm chân thành, tính cách và số phận của họ. Khuynh hướng dân chủ trong nghệ thuật của Kramskoi, các phê phán sắc bén của Ông về nó, và sự tìm kiếm bền bỉ các tiêu chí khách quan chung của Ông cho việc đánh giá nghệ thuật đã gây một ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển của nền nghệ thuật và thẩm mỹ dân chủ tại Nga trong 1/3 sau cùng của thế kỷ 19.

“Người đàn bà xa lạ” 

 “Người đàn bà xa lạ”, 1883

 Có lẽ đây là tác phẩm ấn tượng nhất của  Ivan Kramskoi đối với nhiều người Việt nam. Từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, những bản sao, hoặc ảnh chụp của “Người đàn bà xa lạ” được treo ở nơi trang trọng nhất của các gia đình Hà nội có người thân đã từng du học ở nước Nga. Hình như đằng sau vẻ mặt kiêu sa, đài các với ánh mắt hững hờ của cô tiểu thư kia vẫn ẩn dấu vài nét hoang dã, hồn nhiên và táo bạo của một cô thôn nữ vùng ngoại Kavkaz, do số phận run rủi mà phải cố hòa đồng với cuộc sống thành thị xa lạ! Tự nhiên có sự liên tưởng đến người đẹp Bella trong tác phẩm “Anh hùng thời đại” của thi hào Nga Mikhail Yuryevich Lermontov !

 

Bác sĩ Rauhphus – Chân dung vẽ dở , 1887   

Ivan Kramskoi mất ngày 6 tháng 4 năm 1887 trong khi đang vẽ chân dung của Bác sĩ Rauhphus  với cây cọ vẽ vẫn trên tay. Các tác phẩm của Ông là hiện thân cho những ý tưởng đạo đức và xã hội cao cả của thời đại mình. Đối với Ông, chân lý và vẻ đẹp nghệ thuật, các giá trị đạo đức và thẩm mỹ là không thể tách rời. Các tác phẩm của Ông có ảnh hưởng to lớn lên ý thức hệ của những người đương thời với Ông. Cho tới ngày nay chúng vẫn làm người ta xúc động, vì quan điểm của người nghệ sĩ đối với cuộc sống được dựa trên tình yêu và lòng tôn trọng con người, trên chính niềm tin của Ông vào chân lý và lẽ công bằng.

(Tổng hợp từ nhiều nguồn) 

Băng Tâm, tháng 5, 2011 

Tháng Năm 22, 2011 - Posted by | Danh nhân |

37 bình luận »

  1. Kramskoi vẽ bức tranh “Người đàn bà xa lạ” (1883) khi Ông đã ở đỉnh cao của sự nghiệp và đây là một tác phẩm tuyệt vời rồi. Tuy nhiên, nhân vật trong tranh lại gây ra biết bao bình luận và chỉ trích sôi nổi ngay từ khi mới được đưa ra công chúng (mặc dù cho tới bây giờ cũng chưa ai biết về xuất thân của người mẫu này). Theo bình luận chung thì cái nhìn của nhân vật là “cái nhìn thẳng thắn”. Cũng có ý kiến cho là cái nhìn mang khoái cảm và có phần nhạo báng”. Nhận xét rằng cô ta có cái nhìn “hờ hững” là điều sáng tạo của BBT mình đấy.

    Riêng ở VN đã từ lâu vẫn có “tin đồn” rằng ai treo bức tranh này cũng gặp rắc rối. Vậy Blog mình có nên “treo” nó lên không nhỉ ???

    Bình luận bởi Nguyễn Băng Tâm | Tháng Năm 22, 2011 | Trả lời

  2. Cám ơn Băng Tâm và Ivan Nikolaevich đã “mở hàng” chuyên mục “Danh nhân” của Blog. Chúng tôi muốn tiếp tục duy trì Chuyên mục này với các bài viết mới hàng tháng! Nghe đồn, B.Tâm đang “âm thầm” thu vén một loạt bài về chủ đề “Các họa sỹ Nga cổ điển”! Một lần nữa, cám ơn nhiệt huyết của B.Tâm!!!
    Xin phép tiết lộ công việc “bếp núc” của BBT.
    Hầu hết các ảnh minh họa trong các bài viết là “công việc chán ngắt” của BBT và chúng tôi đã quen được tác giả cũng như bạn đọc “chiếu cố” với cái nhìn “hờ hững”! 😀 😀 😀
    Đây là lần đầu tiên, tác giả bài viết có “phản ứng mạnh mẽ” với công tác biên tập!
    Vậy theo các bạn, “Người đàn bà xa lạ” này có cái nhìn kiểu gì?
    Chúng ta có dám “đối đầu” với những “điềm gở” mà bức tranh này thường mang lại, theo như lời cảnh báo của B.Tâm ?
    Chúng tôi muốn trao quyền quyết định cho các bạn đọc!
    TM Ban Biên tập Blog.

    Bình luận bởi V. Thành | Tháng Năm 22, 2011 | Trả lời

  3. Tâm nói tớ mới nhớ ra là đã nghe cái “điềm” này từ lâu, thậm chí chứng kiến chuyện thực. Nhưng bọn mình có “treo” nó đâu mà chỉ “kẹp vào hồ sơ” về Kramskoi thôi. Vậy kg phải sợ gì hết!

    Người ta bảo cô gái này có vẻ kiêu sa nhưng vẫn có nét của thôn nữ (ở cái chân mày). Cái từ “hờ hững” rõ là sáng tạo, nhưng tớ thấy cũng “đung đúng” (!)

    Tớ đang định tán em Th. Anh lấy cái tranh này làm avatar, Tâm nói vậy chắc em chạy!

    Bình luận bởi chausatran | Tháng Năm 23, 2011 | Trả lời

  4. @ Tâm: Tâm mà chứng minh dc cái “ánh mắt hững hờ” kia là phát kiến “sáng tạo” của Blog thì chúng ta nên đăng ký bản quyền ngay! Có khi ai đó đã nói ra trước rồi mà bọn mình chưa tìm thấy thôi! Giống như trường hợp của bản dich “Hãy về với em” của bác Ngân Xuyên ấy, rõ ràng Thụy Anh đã đi trước chúng ta lâu rồi! 😀
    Cái mà tớ chờ đợi phản biện của Tâm là, BBT đã “võ đoán” về “nguồn gốc ngoại Kavkaz” của cô tiểu thư kia kìa! Cái này mới là “phát kiến mới” đấy! Với kinh nghiệm sống hơn 5 năm chính ở vùng “ngoại Kavkaz” (Baku ấy), Tâm có ý kiến gì ko?

    Bình luận bởi V. Thành | Tháng Năm 23, 2011 | Trả lời

  5. * Mình thấy ” Người phụ nữ không quen biết” này có vẻ có ánh mắt nhìn hơi chán chường, hờ hững vì cảm thấy cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt, vừa có cái vẻ háo hức khám phá cuộc sống, ( chưa biết hết) và lại hơi có vẻ ” khiêu khích” gì đó… tuy nhiên, ” có vẻ gì ” thì cũng là do cảm nhận của mỗi người, nhiều khi do suy diễn chủ quan của người xem tranh thôi. Thậm chí chúng ta tưởng tượng ra những điều mà ngay hoạ sỹ vẽ tranh này cũng thấy bất ngờ khi biết nhân vật của mình lại có nhiều biểu cảm phong phú đến thế…Thế cũng là thường mà, phải không các bạn. Người thưởng thức tác phẩm chính là người sáng tạo thứ hai mà.!!!

    Bình luận bởi L Quang | Tháng Năm 24, 2011 | Trả lời

  6. @V.Thành : V. Thành ‘tinh mắt’ đấy. Trông nhân vật này cũng giống nhiều cô gái Bacu mà tớ vẫn gặp: từ dáng vẻ, nét mặt, mầu tóc và kiểu trang phục… Nếu V.Thành biết cách claim bản quyền cho nhận xét này cùng nhận xét ‘cái nhìn hững hờ’ thì cứ … go ahead. (Nếu Authority ‘bác’ lại thì biết ngay là có ai đã từng nhận xét như thế rồi.)

    @Quang : Nhận xét của Quang rất gần với nhận xét của các chuyên gia đấy. Họ cho rằng đây là “cái nhìn thẳng thắn” (tớ đoán có ý là không e lệ như các tiểu thư đương thời)của cặp mắt lười biếng, thêm một chút khiêu khích (mà tớ đã dịch thiếu chuẩn xác thành “nhạo báng”).

    Bình luận bởi Nguyễn Băng Tâm | Tháng Năm 25, 2011 | Trả lời

  7. @Quang: Quang gọi tên bức tranh là ” Người phụ nữ không quen biết” thì rất gần với nguyên tác “Неизвестная”.
    Còn B.Tâm trích dẫn tên gọi “Người đàn bà xa lạ” có lẽ từ tên tiếng Anh của bức tranh này chăng?
    Tớ còn nhớ hồi xưa, có người còn gọi bức tranh này là “Незнакомка”!
    Kính mời anh Bằng và em Thụy Anh cho lời dịch hay hơn nhé! 😀 😀 😀
    Tớ tra trong ru.wikipedia.org biết thêm 1 chi tiết: khung cảnh được vẽ trong tranh là cây cầu “Аничков мост” nằm trên đại lộ Nevsky ở Saint-Peterburg! C.Thành và Thao coi kỹ lại nhé!
    Ngoài ra, Kramskoi còn có một vài bức phác thảo (etude) trước khi hoàn thiện bức tranh, các bạn có thể xem ở đây:
    http://art.liim.ru/galleries_hr/hr09m/hr09m-09-75.html

    Bình luận bởi V. Thành | Tháng Năm 25, 2011 | Trả lời

  8. @Băng Tâm: bạn thấy cả trang phục cũng quen thì quả là bức tranh có ấn tượng mạnh mẽ thật! Các chuyên gia trang phục phân tích trang phục của người PN trong tranh cực kỳ “à la mode” cho những năm đầu thập niên 188x. Nếu đúng như BT nhận xét thì mode của Bacu những năm 198x có vòng lặp “sâu” thật 😀 😀

    @All: theo tớ nghĩ, trong cộng đồng ảnh hưởng bởi văn học, nghệ thuật Nga thì tranh luận và đồn đại quanh bức tranh này cũng nhiều không kém bức Mona Liza của LV. Và cái nhìn của “Unknown woman” cũng bí ẩn và nổi tiếng ngang với nụ cười của Mona Liza.

    Trên trang http://www.kramskoy.info có khá nhiều thông tin thú vị về tác phẩm này của IK.

    Tên chính thức của bức tranh, như VT nói là “Неизвестная”, còn “Незнакомка” là tên dân dã, một phần ảnh hưởng bởi bài thơ cùng tên Незнакомка của Александр Блок.

    Người ta đã gắn nhân vật trong tranh với Nataxia Philonovna trong Thằng Ngốc của Dostoevsky, rồi Anna Karenina của Tolstoy, rồi nhân vật trong bài thơ của Блок như đã nói. Nhưng tranh luận chưa ngã ngũ tới tận bây giờ.

    Một số phác thảo mà VT nói, nằm trong bộ sưu tập cá nhân của BS. Praha, thể hiện rõ hơn thân phận (nguồn gốc) của nhân vật, điều mà họa sỹ đã cố tình giấu đi trong tranh. Điều thú vị là, có nhà phê bình, không được xem phác thảo, nhưng cũng giải mã được điều này qua phân tích phục sức rất đắt tiền và rất “chuẩn mốt” của nhân vật. Có quy tắc bất thành văn của giới thượng lưu thời đó là, phục sức quá đài các, quá “chuẩn mốt” lại không phải là “sành điệu”, mà thường là của những ai đang muốn được coi, muốn trở thành thượng lưu, có thể chủ ý, có thể do số phận đưa đẩy. Có lẽ điều này giải thích cho cái nhìn vừa “xa vắng”/”hững hờ”, vừa “kiêu kỳ” (“xù lông nhím”), vừa chút “khiêu khích” của nhân vật chăng?

    Bình luận bởi tobavan | Tháng Năm 25, 2011 | Trả lời

  9. @ Văn: Bravo!!! Văn “googling” ác thật! Té ra “Незнакомка” là tác phẩm của Александр Блок, chắc vì đọc nhiều Блок mà mấy cậu tây cùng phòng với mình hồi sinh viên mới gọi nhầm tên bức tranh của IK !
    Tớ vô ru.wikipedia.org, thấy họ bình về cái nhìn của “Unknown woman” là ” Взгляд царственный, таинственный и немного грустный”.
    Nếu dịch “царственный” là “quí phái” có vẻ chưa thoát hết nghĩa?
    @ Tâm: Tớ đang chờ Tâm cho vài dẫn chứng về cái “điểm gở” liên quan đến bức tranh này! Tớ muốn biết mức độ “nguy hiểm” ra sao để còn liệu trước!
    Theo như bạn Hoa Sim viết, Blog mình đã “tai qua, nạn khỏi” rồi cơ mà! Nếu vậy, trong trường hợp này, “điềm gở” lại đến sau “sự cố” mấy ngày thôi! 😀 😀 😀

    Bình luận bởi V. Thành | Tháng Năm 26, 2011 | Trả lời

  10. * BTâm: Thật vậy sao!!! Mình chỉ noí lên cảm nghĩ thật của mình thôi. Cảm ơn BT đã có bài giới thiệu về I. Kramxkoi, đó là HS Nga mà mình thích xem, cùng với Levitan và Tsiskin.
    * VThành: Mình nhớ mang máng ( vì đã quá lâu) là đã xem bức tranh này, nhưng là phiên bản, có chú thích bằng tiếng Nga hình như là ” Nheisvietelnhixia Djevuska” chứ không phải ” nheisvestnaia…” Nếu mình nhớ sai thì xin cáo lỗi, Thành thử check lại xem?

    Bình luận bởi L Quang | Tháng Năm 26, 2011 | Trả lời

  11. @Quang: Cậu vào theo link của Văn ( http://www.kramskoy.info/content/blogcategory/50/30/), tìm trong Danh mục những tác phẩm nổi tiếng sẽ thấy tên bức tranh ấy đúng như tớ đã viết.

    Bình luận bởi V. Thành | Tháng Năm 27, 2011 | Trả lời

  12. @ Văn: Nhận xét của Văn liên quan tới trang phục của người mẫu cũng gần với ý của tớ. Tớ đề cập tới “kiểu/cách trang phục” chứ không phải chính bộ quần áo ấy. Cũng như ý của Văn, cách trang phục của phụ nữ Bacu hồi tớ học ở đó cũng hơi giống như vậy : “quá đúng mốt, quá đắt tiền”, nhưng kém phần thanh nhã. Đã có người nhận xét rằng : “Cái gì ‘quá’ cũng không tốt, chỉ ngoại trừ “May quá !” là tốt thôi !

    @V.Thành: Đúng ra là tớ chỉ thấy người ta cứ ‘đồn’ là “gở” thôi, chứ nào đã thấy ai dẫn chứng được gì đâu ! Có lẽ mọi người nghi ngại xuất xứ của người mẫu mà nói thế.
    Riêng tớ không thích ngắm bức tranh này (dù thừa nhận thiên tài trong sự thể hiện và bố cục). Có lẽ vì không thấy ấn tượng với kiểu đẹp này.

    @Quang: Quang được đọc bài giới thiệu về họa sĩ yêu thích của mình cũng là nhờ công sức tìm tòi của C.Sa và V. Thành đấy. Tớ chỉ ‘chuyển ngữ’ theo đơn đặt hàng của BBT rồi được BBT “lăng xê” luôn thành ‘tác giả’ ! Giờ Quang cảm ơn, tớ chẳng dám “nhận xằng” đâu.

    Bình luận bởi Nguyễn Băng Tâm | Tháng Năm 27, 2011 | Trả lời

  13. @ V.Thành ơi, sửa lại com giúp tớ như sau với . Vôi quá nên viết lung tung cả.

    “@ Văn: Nhận xét của Văn liên quan tới trang phục của người mẫu cũng gần với ý của tớ. Tớ đề cập tới “kiểu/cách trang phục” chứ không phải chính bộ quần áo ấy. Cũng như ý của Văn, cách trang phục của phụ nữ Bacu hồi tớ học ở đó cũng hơi giống như vậy : “quá đúng mốt, quá đắt tiền”, nhưng kém phần thanh nhã. Đã có người nhận xét rằng : “Cái gì ‘quá’ cũng không tốt, chỉ ngoại trừ “May quá !” là tốt thôi !)

    Bình luận bởi Nguyễn Băng Tâm | Tháng Năm 27, 2011 | Trả lời

  14. Tên Tâm này làm “hư bột hư đường” hết trơn. Đã thế tớ khai luôn, Tâm vừa là nhà biên dịch có tài lại còn rất say mê công việc đó nữa. Đúng là niềm say mê tạo nên tài năng nhỉ.

    Cô gái Nga này tớ muốn đẩy đi xa hơn. Nếu thay cái mũ quí tộc bằng cái khăn Muslim thì cô sẽ trở thành cô gái Arab xinh đẹp (Iran chẳng hạn).

    Còn về phục sức thì tớ nghĩ Áo choàng mùa đông không thay đổi mấy qua thời gian. Nó cũng chỉ chục kiểu và người ta buộc phải dùng hầu hết các kiểu đó, chưa nói đến việc mốt chỉ là sự xoay vòng các kiểu cũ!

    “Đúng mốt và đôi khi đắt tiền” thật ra cũng cần nếu có đ/k nhưng chỉ trong vài buổi tiệc đặc biệt thôi (VD đám cưới con bọn mình!).

    Bình luận bởi chausatran | Tháng Năm 28, 2011 | Trả lời

  15. @ V. Thành : Trong trường hợp này có thể dịch “Царственный взгляд” là “cái nhìn ngạo mạn”, “cái nhìn cao ngạo’ or “cái nhìn khinh miệt” được không ?

    @C.Sa: Cảm ơn C.Sa đã có những “lời khai” rất “có cánh” dành cho tớ ! C.Sa ắt hẳn ‘tâm phục’ sự thật thà của tớ thôi, vì Sa đã sống bao nhiêu năm trong những nền văn minh coi trọng transparency rồi mà.

    Phát kiến thay mũ của “nàng” bằng khăn choàng của Sa quả là tuyệt vời ! Khăn choàng cực kỳ phù hợp và ‘nàng’ sẽ trở nên đẹp mê hồn cho mà xem Sa à. Tớ đã có thể tưởng tượng ra vẻ đẹp huyền bí và mãnh liệt thấp thoáng sau tấm khăn choàng rồi đấy.
    Nhưng “nàng” này chẳng phải cô gái Nga cô gái Nga mà trùm hụp cái khăn choàng thì khó đẹp lắm!). “Nàng” trông giống người vùng Ngoại Kavkaz (như V.Thành đã phát hiện) hoặc Trung Đông. Có đúng không ?

    Bình luận bởi Nguyễn Băng Tâm | Tháng Năm 28, 2011 | Trả lời

  16. @ Tâm: Đúng là cô tiểu thư kia có vẻ “ngạo mạn”, “khinh khỉnh” như Tâm nhận xét.
    Tớ sẽ chọn “cái nhìn uy quyền” để dịch cụm từ “Царственный взгляд”.
    Theo tớ, tính từ “Царственный” có chung gốc với động từ “Царствовать” mang ý nghĩa cai trị, áp đặt quyền lực.
    Vậy khi dùng cụm từ “Царственный взгляд”, có lẽ tác giả muốn ám chỉ một cái nhìn mang “quyền năng áp đặt ý chí, sai khiến hành động người khác”. Khi bị cái nhìn kiểu này “chiếu vào”, “nạn nhân” sẽ tự biến mình thành “nô lệ” một cách tình nguyện vì ý thức được “số phận” của mình do ai quyết định!!! 😀 😀 😀

    Nếu vậy thì đa số chị em lớp mình có cái nhìn này, chẳng qua người ta chưa phát hiện ra mà thôi! 😀 😀 😀
    Chúc Tâm và tất cả nghỉ cuối tuần vui vẻ!!!

    Bình luận bởi V. Thành | Tháng Năm 28, 2011 | Trả lời

  17. * VThành: Sorry VT và các bạn, mình nhớ nhầm thì phải, tên cũa bức tranh đó không phải là ” Nheisnachelnhixia..: mà là ” Nheiznacomilxia Zdevuska” cơ, VT ạ.

    Bình luận bởi L Quang | Tháng Năm 30, 2011 | Trả lời

    • Híc! Quang viết tiếng “Nga” thế thì bằng đánh đố tớ! 😀 😀 😀
      Quang và các bạn chưa có bàn phím tiếng Nga trên PC thì dùng tạm cái tool này nhé:
      http://winrus.com/screen_e.htm
      Các bạn chỉ cần dùng chuột viết luôn trong cái “Layout” các chữ cái, câu tiếng Nga cần viết, sau đó:
      – Bôi đen (Select)
      – Copy từ “Layout” (2 phím Ctrl + C)
      – Paste vào comment (Chuyển chuột vào comment window,dùng 2 phím Ctrl + V)
      Quang thử viết lại xem sao!

      Bình luận bởi V. Thành | Tháng Năm 31, 2011 | Trả lời

  18. Gửi A0-9
    Tội nghiệp cho “nàng” vì bị “soi” và bị “nặng lời”. Xin góp nhận xét: “Đẹp mà kiêu sa”
    Rất vinh dự được TBT V.Thành “mời” dịch. Xin mạn phép dẫn thông tin từ nguyentrongtao.org:

    Ngô Anh Văn 14/03/2011

    Xa lạ mà không xa lạ
    (Bài thơ của Bác Tạo “hơi bị hay”)
    Người đàn bà trong tranh là Matriona Bestugieva phu nhân của Bestugiev (một sỹ quan Nga Hoàng). Cô này nguyên là một nàng hầu có tên Matriona Savvisna. Mê mẩn vì sắc đẹp của nàng khi gặp tại nhà một bà cô họ xa, chàng sỹ quan trẻ tuổi Bestugiev đã thuyết phục được cha mẹ cho cưới nàng và dạy cho nghi lễ, khiêu vũ và học chữ.
    I.N. Kramxkoi thỉnh thoảng có ghé thăm gia đình Bestugiev tại Sant-Peterburg. Ông vẽ bức tranh này năm 1883 trong một buổi chiều mùa đông lạnh giá, trong một hoàn cảnh đặc biệt tạo nguồn cảm hứng và ấn tượng không quên khi chứng kiến cảnh nữ chủ nhân gặp lại bà chủ cũ của mình, bà cô của Bestugiev. Nàng đã tỏ ra kiêu kỳ làm ra vẻ không nhận ra và không cần biết bà cô kia là ai (ta để ý: khuôn mặt đỏ ửng vì tức giận, ánh mắt trong tranh kiêu kỳ – chẳng “nhìn xuống đời anh nào sất”, đừng tưởng bở!)
    Trở thành nữ quý tộc, nàng nhanh chóng quên đi nguồn gốc, kênh kiệu về vẻ đẹp và sức quyến rũ trời cho. Ánh mắt của cô đã gây bao nhiêu rắc rối trong cuộc sống gia đình. Ông chồng mấy lần bị thách đấu súng (vì những “quan hệ” của vợ mình), nhưng may mà không bị kết cục bi ai như Pushkin và Lermontov.
    Quá nhiều rắc rối “vì một cô chân dài, ít học”, cuộc hôn nhân kéo dài không lâu. Bị sức ép gia đình, hôn ước bị nhà thờ hủy bỏ. Matriona Savvisna muốn trở về làng cũ sống với một người chị gái. Song trên đường trở lại quê hương nàng đã mắc bệnh và qua đời tại bệnh viện tế bần tại Phategiơ. Thi thể nàng được chôn tại nghĩa trang nhỏ tại làng Milenino gần bệnh viện.
    Là người sống tình nghĩa, họa sỹ Kramskoi đã đến Phategiơ viếng mộ Matriona Savvisna.
    Có lẽ do số phận bi ai của nhân vật mà nhiều người không “ưa” nàng dẫn đến truyền thuyết về “sự tan vỡ hạnh phúc” của các chủ nhân treo tranh trong nhà.

    Bùi Huy Bằng 20/03/2011

    K/g: Ông(Bà)N A Văn
    Rất cám ơn về thông tin lai lịch bức hoạ НЕИЗВЕСТНАЯ ЖЕНЩИНА
    “Xa lạ mà không xa lạ” – chính là điều nên xem lại cách dịch, bởi lẽ:
    – theo từ điển tiếng Nga của X. I. Ogiegov, từ НЕИЗВЕСТНАЯ có nhiều nghĩa, nhưng có chung nghĩa là chưa biết đến (ẩn danh, ẩn lai lịch)
    – Từ XA LẠ như trong từ điển tiếng Việt giải thích chỉ mới được một vế,nó còn gợi cho ta cảm giác không thân thiện, đáng xa lánh
    Vậy nên dịch là: NGƯỜI ĐÀN BÀ CHƯA QUEN BIẾT, ngay từ ĐÀN BÀ cũng không ổn bằng từ PHỤ NỮ. Nhưng như vậy thì lại “không kêu” và “không mùi mẫn”.

    Cũng xin nói thêm, dân dã thường có câu “người đàn bà lăng loàn” hoặc “…đàng điếm” chứ mấy ai dùng từ “phụ nữ” và tại sao không gọi là HỘI ĐÀN BÀ?

    Bình luận bởi Bùi Huy Bằng | Tháng Năm 30, 2011 | Trả lời

    • @ Anh Bằng,
      Anh có thông tin rất thú vị về thân phận người mẫu cho bức tranh kia.
      Em nghĩ rằng anh( chị) Ngô Anh Văn lấy tư liệu đó từ nguồn này:
      http://www.old.kurskcity.ru/events/kram-n.html
      Nếu chỉ nhìn hình dạng bên ngoài thì theo em, nên gọi là “cô gái” (nghe rất dân dã)hoặc “thiếu phụ” (nghe hơi cổ điển). Ngoài ra, trong tiếng Việt mình, “chưa quen biết” khác với “không quen biết”. Chẳng nhẽ lại dịch là “Thiếu phụ không quen” à? 😀 😀 😀
      Em chỉ hơi ngạc nhiên khi anh gọi tên bức tranh kia là “НЕИЗВЕСТНАЯ ЖЕНЩИНА”. Chắc chắn là tên chính thức của nó ko có từ ” ЖЕНЩИНА” đâu ạ!

      Bình luận bởi V. Thành | Tháng Năm 31, 2011 | Trả lời

  19. – yêu cầu tưởng đơn giản mà lại rất “xương”. Tiếng V khó tìm được cách dịch sát nghĩa như tiếng A, dù TA cũng đã phải dùng tới 2 từ (“Unknown Woman”). Từ “unknown” và “Неизвестная” gần như ánh xạ 1:1, rất đúng với sắc thái của từ gốc t.Nga.

    – “Неизвестная” đúng là có nghĩa đen gốc như bác Bằng tra: chưa biết đến (ẩn danh, ẩn lai lịch). Nhưng nghĩa đen “thông dụng” hơn lại là không nổi tiếng, không hoặc chưa có tiếng tăm, (dù lai lịch, tên tuổi không còn là “ẩn” nữa).

    – Danh họa quả là “cao tay ấn” khi không dùng danh từ nào mà chỉ dùng tính từ đặt tên cho bức tranh (và nhân vật). Người xem tùy theo cảm nhận để gán “cô gái”, “thiếu phụ”, “phụ nữ” hay “đàn bà” etc… Hơn nữa, cái unknown ở đây cũng rất mở: danh phận? địa vị? giá trị (thật/ảo, sắc/hạnh)? tâm nguyện?… của nhân vật!

    – Kết luận: Tiếng V được coi là rất phong phú và tinh tế về diễn tả sắc thái, cấp độ… nhưng chắc phải chịu thua Kramskoy. Vị nào dịch nổi tên bức tranh tôi xin chiêu đãi chầu cafe Sky View tại SG 😀 😀

    Bình luận bởi tobavan | Tháng Năm 31, 2011 | Trả lời

  20. Gửi VT và TBV
    Phía sau bức tranh “hàng chợ” mua ở Len. có dán tem vẫn còn chữ ЖЕНЩИНА, có thể người ta thêm vào. Tôi xem ở Ermitag lâu rồi chẳng con ấn tượng gì. Nếu các ban đã tận mắt xem tranh gốc thì xin chịu.
    Tôi cho là “Thiếu phụ chưa quen biết” (Tôi đã dịch “chưa quen biết” khá phù hợp, nhưng cần xét thêm lứa tuổi.
    Như đã nói từ Неизвестная có nhiều nghĩa, tôi dịch là theo ngữ cảnh và đối chiếu trực tiếp Việt – Nga. Còn bạn V treo giải e rằng phai lập ban kiểm phiếu, hơn nữa vào TP HCM để thưởng thức “chầu cafe Sky View tại SG” thì trả giá qua đắt.
    Vui một chút. Chào các bạn.

    Bình luận bởi Bùi Huy Bằng | Tháng Sáu 1, 2011 | Trả lời

  21. Em chào anh Bằng,
    Em biết khá rõ là bức tranh này thuộc sở hữu của “Третьяковская Галерия” ở Moscow. Em đến đó khoảng hơn chục lần thôi. Không phải vì em ham hiểu biết hội họa đâu, mà chẳng qua là khi các bạn ở thành phố khác hay nước khác đến Moscow là em lại có trách nhiệm đưa đi thăm Moscow. Sau khi đi 1 vòng qua ВДНХ, ГУМ, ЦУМ là bao giờ cũng đến “Третьяковская”, vì ở đó có ghế ngồi cho đỡ mỏi chân!!! 😀 😀 😀
    Trong các đợt Triển lãm lưu diễn (“гастроль”), bức tranh gốc cũng được mang đi các bảo tàng khác. Có lẽ bức tranh anh thấy ở Ermitag thuộc trường hợp này, hoặc cũng có thể đấy chỉ là bản copy.
    Anh có thể tham khảo ở đây:
    http://www.tretyakovgallery.ru/ru/collection/_show/image/_id/193
    Như ở còm trước, em đã nhận xét cụm từ “chưa quen biết” trong tiếng Việt có ngữ nghĩa hơi khác với cụm từ “không quen biết”. Vì “chưa quen biết” có hàm ý “sẽ quen biết” trong tương lai hơi gần, còn “không quen biết” thì tuyệt đối không có ám chỉ gì là “sẽ quen” cả!
    Cả hai trường hợp “Chưa quen…” hay “không quen…” trong tiếng Việt sẽ gần với từ “незнакомый” hơn là “Неизвестный” trong tiếng Nga.
    Em thấy Văn có lý khi diễn giải “Неизвестный” với ý nghĩa “không được biết đến, không có tiếng tăm,…”. Nếu áp đặt vào hoàn cảnh của tác giả, có thể giải thích như sau: Nhân vật nữ kia có quen biết với tác giả, tuy vậy, cô ta là một người vô danh, không ai biết đến tên tuổi, thân thế và sự nghiệp!
    Vậy thì dịch là “Thiếu phụ vô danh” có được ko ạ? 😀 😀 😀
    Nếu Văn chấp nhận phương án bất kỳ, thì anh em ta cứ ra quán Cafe của Ca sỹ Thanh Hoa (ở đường Trần Hưng Đạo, HN) để nghỉ ngơi, Văn sẽ trả tiền! 😀 😀 😀

    Bình luận bởi V. Thành | Tháng Sáu 1, 2011 | Trả lời

  22. Gửi VT
    “vô danh” không ổn, tên nàng là Matriona Bestugieva. “Liệt sĩ vô danh”? Không xong, chẳng qua họ chưa được ” trả lại tên cho em”
    незнакомый – có nghĩa trong phạm vi hẹp
    Неизвестный – có nghĩa trong phạm vi rộng
    Tôi vẫn nghĩ sứ dụng giải thích 1) của Неизвестный trong TĐ Ogiegov là phù hợp nhất, trong đó có một ví dụ “phương trình có nhiều ẩn số”(máy vừa mất đánh tiếng Nga)
    còn với ý nghĩa “không được biết đến, không có tiếng tăm,…” thuộc giải thích 2) thì không hợp ngữ cảnh, chẳng lẽ cảm xúc của Kramxkoi lại theo mạch suy tư này? Từ “quen” chẳng qua chỉ là từ ghép cho “mượt” (tiếng Việt thường cứ phải ghép đôi), như vậy phải dịch là “chua biết dến”, thế thì “chướng”, có lẽ quay lại “ẩn danh” chăng?
    vậy “đồng tác giả” sẽ là THIẾU PHỤ ẨN DANH. Liệu có kiếm được cốc cà phê Thanh Hoa không?
    Chào

    Bình luận bởi Bùi Huy Bằng | Tháng Sáu 1, 2011 | Trả lời

    • @ Văn, V.Thành và Anh Bằng ,

      Đáp án THIẾU PHỤ ẨN DANH nghe hay quá. Tớ ủng hộ đấy Văn ạ, dù chẳng phải thành viên ban giám khảo.

      Bình luận bởi Nguyễn Băng Tâm | Tháng Sáu 1, 2011 | Trả lời

      • @BT: tớ đồng ý với BT phương án của bác B cho tới thời điểm này là khả dĩ hơn cả. Tuy vậy so với tên tiếng Nga tớ vẫn thấy “lứng bứng”.

        “Ẩn danh” thường mang ý chủ định giấu… Còn nhân vật hiện mang danh (họ) quý tộc của chồng nên ngược lại muốn khoe ra. Cái mà nàng cần “ẩn”, có thể là gốc gác (“nhũ danh” 😀 :D), thân phận, học thức… chẳng hạn. Những mâu thuẫn, xung đột nội tâm của nhân vật mới chính là “unknown” (“ẩn số”) mà họa sĩ muốn thách đố người xem tranh.

        PA của Thành cũng diễn tả rất đúng một ngụ ý khác: “vô danh tiểu tốt”. Để “Vô danh” không thì khó liên tưởng, thậm chí dễ bị hiểu sai. Để cả 4 chữ thì dài quá và nhất là “lộ quá” 😀 😀

        Ngay cả khi không có đề xuất hay hơn và không có giải chính thức. Bác B và VT vẫn xứng đáng cùng chia giải “an ủi” tại CF Thanh Hoa 😀 😀 😀

        Bình luận bởi tobavan | Tháng Sáu 2, 2011

  23. @ Văn : Tớ nhât trí là ẨN DANH chưa chuyển tải được hết các nghĩa như Văn đã “mổ xẻ”.

    Tuy nhiên, ẨN DANH nói chung đạt được nghĩa chính của cả 2 chữ “Неизвестная” và “Unknown” vì :
    Theo tớ “danh” không hẳn là tên, mà còn là “danh phận”, “danh tính” (cũng gần như “thân phận”, “lai lịch”…)

    Chữ “ẩn” ở đây không thiên về nghĩa là nhân vật “chủ động dấu diếm”. Chữ này do chính tác giả lựa chọn, nên nó mang nghĩa là “tác giả cố tình giấu” danh tính nhân vật của mình thôi.

    Trước khi biết đáp án này, tớ còn có ý định dịch tạm là “Thiếu phụ không ai biết”, chỉ cố cho sát nghĩa chứ nghe cứ thiếu thiếu gì đó và chẳng hay tí nào.

    Bình luận bởi Nguyễn Băng Tâm | Tháng Sáu 2, 2011 | Trả lời

  24. @ Tâm: chữ “danh” theo Từ điển Hán-Việt của Thiều Chửu có vài nghĩa khác nhau:
    1. Như danh từ:
    – Tên gọi người, sự vật, sự việc. Ví dụ: quí danh, địa danh,..
    – Tiếng tăm. Ví dụ “Hữu danh vô thực”- Có tiếng mà ko có miếng, “Danh bất hư truyền”-Tiếng tăm lan truyền ko sai.
    2. Như tính từ:
    – Nổi tiếng. Ví dụ : Danh nhân-Người nổi tiếng.
    – Giỏi, xuất sắc. Ví dụ Danh tướng-tướng giỏi

    2 cụm từ “Ẩn danh” và “Vô danh” có cấu trúc ngữ pháp khác nhau!
    – “Ẩn danh” : với “ẩn” là động từ “dấu diếm”, “danh” là danh từ với nghĩa “tên gọi”.
    – “Vô danh” : “Vô” là phó từ còn “danh” vừa có thể là danh từ mang nghĩa tên gọi, vừa có thể là “tính từ” mang nghĩa “nổi tiếng”.
    Nếu theo đúng cấu trúc ngữ pháp Hán-Việt, 2 phương án tên gọi bức tranh phải viết như sau:
    – P.án #1 : “Thiếu phụ ẩn danh”. Đây là 1 câu đầy đủ chủ-vị.
    – P.án #2: “Vô danh thiếu phụ”! Đây ko phải là 1 câu chỉ là 1 cụm từ dùng làm tiêu đề!

    Đôi khi sử dụng cụm từ Hán-Việt trong cấu trúc ngữ pháp nửa Việt nửa Hán-Việt hay gây ra hiểu lầm, nhưng dân Việt ta quen tùy tiện lâu rồi, chẳng thấy bị sao cả! 😀 😀 😀

    Bình luận bởi V. Thành | Tháng Sáu 2, 2011 | Trả lời

  25. Anh Bằng & các bạn,
    Qua thông tin của A Bằng mình có nhận xét khác hẳn.
    1. Nói về giá trị bức tranh: nó rất ấn tượng vì cô gái trong tranh rất đẹp. Hơn nữa Kramskoy đã lột tả rất sinh động cô gái, đặc biệt là khuôn mặt và điểm nhấn là đôi mắt- cặp mắt biết nói. Chính cặp mắt biểu cảm đó đã tạo nên tranh cãi không hồi kết cho cái tên đầy tính ẩn dụ mà Kramskoy đặt cho bức tranh.
    2. Thông điệp nào của IK qua bức tranh đó, đặc biệt qua cặp mắt, ánh nhìn? Cái nhìn của cô đúng là “thẳng thắn” với nghĩa là cô không giấu diếm cảm nghĩ hay chính bản thân qua cái nhìn này. Có thể gán cho nó các lọai từ như kiêu sa, kiêu kỳ, kiêu ngạo,ngạomạn, khinh thường, nhạo báng, khiêu khích,chán chường,…nhưng quyết không phải cái nhìn quí phái, thánh thiện. Nên ví nàng này với Anna Karenina thì hơi tội cho Anna quá!
    Kramskoy không ghét nàng, cũng không xa lạ gì với nàng, và nàng cũng có vị trí nhất định trong cuộc đời. Cái chi tiết về cuộc gặp mặt với bà cô chồng, là chủ cũ nói lên rằng cái từ unknown không phải nói về nàng mà về đối tượng của cái nhìn “đặc biệt” của nàng. Nàng coi những người quí tộc mà cụ thể là bà cô xa lạ với nàng, và nàng lạc lõng trong giới đó. Unknown rõ ràng để chỉ mối tương tác qua lại giữa nàng và những người xung quanh (giới quí tộc).
    Vậy tên bức tranh nên để nguyên chỉ là tính từ như Kramskoy đã viết: XA LẠ.

    Bình luận bởi chausatran | Tháng Sáu 3, 2011 | Trả lời

  26. @ V.Thành: Cảm ơn V.Thành đã cho những giải thích căn kẽ mà tớ chưa được biết. Tuy nhiên, tớ vẫn thấy chữ “danh” gợi lên nghĩa (có thể chỉ là nghĩa bóng hay ám chỉ) danh tính, thân phận như một danh từ.

    Sau nữa, “ẩn danh” vẫn chỉ là tính từ thôi, để chỉ danh tính đang ‘tàng hình’. Vì thế “Thiếu phụ ẩn danh” vẫn rất ổn đấy chứ.

    @ C.Sa: Sa phân tích rất chính xác. Nhưng riêng điểm cuối cùng thì tớ chưa nhất trí.

    Thể nhưng tên gọi Unknown của bức tranh không thể dùng để chỉ thứ gì khác ngoài chính ‘nàng’, Sa à. Nàng là chủ thể, là linh hồn,… là tất cả của bức tranh mà. Tên gọi nguyên gốc của bức tranh cũng được IK để ở giống cái. Chính là dành cho ‘nàng’ đấy !

    Giờ thì tớ giải thích được vì sao lại không thích ‘nàng’ này (như từ đầu tớ đã nói), mà cứ cảm thấy vẻ đẹp này có gì đó ‘cứng cứng’, chẳng gợi nên cảm tình nào ngoài nét mặt hoàn hảo. Chủ yếu do cái nhìn+vẻ mặt không ‘thánh thiện’ (như Sa đã nói) và kém nhân hậu mà ra.

    Bình luận bởi Nguyễn Băng Tâm | Tháng Sáu 3, 2011 | Trả lời

  27. @ Tâm: Trong còm trên, Tâm có nói đến chữ “danh” gợi lên nghĩa của “danh tính”.

    Theo tớ hiểu, trong tiếng Việt và cả Hán-Việt, rất phổ biến cách tạo từ ghép từ 2 từ đẳng lập. Khi đó, từ ghép mới được tạo thành thường mang nghĩa khái quát hoặc “nghĩa bóng” của các từ thành phần.
    Ví dụ:
    – “Nhà cửa”: khái quát hóa khái niệm “chỗ ở” có liên quan đến các vật cụ thể là “nhà” và “cửa”.
    – “Ăn uống”: khái niệm chung về nuôi dưỡng cơ thể…

    Cụm từ “danh tính” mà Tâm đã dùng cũng có tính chất ấy!
    -“Danh” là “tên” (danh từ).
    -“Tính” là “họ” (danh từ)! Chắc Tâm có biết chuyện Nguyễn Trãi là công thần nhà Lê đã từng được ban “Quốc tính” (Họ của Vua) và trở thành Lê Trãi!
    “Danh” và “tính” là 2 từ đẳng lập (bình đẳng nhau về ngữ pháp và có thể đứng độc lập dc). Khi ghép vào nhau, “danh tính” có nghĩa đen là “họ và tên” nhưng nghĩa thực của nó lại là khái quát hóa các thông tin về “thân phận, danh phận” của một con người!
    Vậy thì “ẩn danh” chỉ có nghĩa là “dấu tên” thôi, còn “ẩn danh tính” mới có nghĩa là “dấu thân phận, danh phận”!
    Trong các từ Hán-Việt có thành ngữ này rất gần ý nghĩa trên: “Mai danh ẩn tính”. Nhiều người hay nói “Mai danh, ẩn tích” là nói nhầm đấy!

    Bình luận bởi V. Thành | Tháng Sáu 3, 2011 | Trả lời

  28. Đề xuất của CS rất hay, sát với từ gốc nhưng theo tớ cũng mới thể hiện được 1/2. “Xa lạ” là đã chốt rồi, khẳng định rồi, không còn yếu tố mở, không còn “ẩn số” mà theo thiển ý của tớ, đó mới là điều IK muốn đánh đố. Nếu chỉ gói lại “Xa lạ” với nội dung như CS bình thì dường như IK, với tư tưởng dân chủ, đã đứng hẳn về phía nhân vật. Nhưng nếu hoàn cảnh và cảm hứng cho bức tranh đúng như thông tin bác Bằng tìm ra thì chắc chắn IK không bênh “người đẹp” quá giá trị thực mà nàng có đâu!

    Người ta nói, nghệ thuật thường đa nghĩa, đa tầng. Với tác phẩm này, tầng “lộ” nhất chính là phân tích của BT, rằng tính từ unknown giống cái chính là “nàng”. “Soi” thêm những tầng khác, như những gì các bạn khác đã cảm nhận và còm, ta có thể ghép bất cứ danh từ giống cái nào để hoàn chỉnh bức chân dung, cả sắc đẹp bên ngoài và nội tâm (không đơn giản) của nhân vật này. Lại phải dẫn tới hoàn cảnh ra đời bức tranh, trạng thái nhân vật mà họa sĩ chứng kiến. Đó có thể là riêng rẽ hay tổ hợp của giá trị (величина), sự thù ghét (ненависть), sự xa cách, tách biệt (отчужденность), khát vọng hay tham vọng (страсть), niềm tin (вера), số phận (судьба). Tớ liên tưởng tạm mấy món như vậy, tất cả đều là giống cái… Đây chính là ưu thế của tiếng Nga mà ngay tiếng Anh cũng không thể hiện được và IK cố tình dùng để chơi chữ. Có lẽ mỗi người phải từ cảm nhận của mình để tìm lời giải.

    Nếu áp dụng “liệu pháp shock” – ngược với truyền thống “làm mượt” của tiếng V – thì tớ sẽ dịch tên bức trang là “ẨN SỐ (GIỐNG CÁI)”. Có lẽ GS Toán LAV sẽ ủng hộ tớ 😀 😀

    Bình luận bởi tobavan | Tháng Sáu 3, 2011 | Trả lời

  29. Tớ cũng nghĩ như Tâm, nàng chính là tâm điểm của câu chuyện (thông qua bức tranh). Tớ cũng nhận thấy từ “xa lạ” là giống cái nhưng như Văn nói đâu chỉ nàng là giống cái, có thể là bà quí tộc đứng trước nàng hay những sự trừu tượng khác.
    Các bạn chú ý là tên bức tranh bao giờ cũng là thông điệp mà tác giả muốn nói qua đó. Nàng cụ thể chỉ là một nửa câu chuyện thôi. Vậy Kramskoy muốn nói gì?
    1. Nàng trang phục quá sang trọng, nàng có vẻ nằm trong giới quí tộc (thực chất nàng đang mang họ quí tộc). Nhưng rõ là không sành điệu với giới quí tộc và cái nhìn không phải của các quí bà (Lady). Vậy nàng xa lạ với giới quí tộc. Đấy là nửa của nàng.
    2. Cái nhìn của nàng nói lên câu chuyện khác nữa. Cái nhìn như muốn nói, “các người là xa lạ với tôi, I don’t care who you are” (câu chuyện bà cô xác nhận ý này). Nàng không cam chịu. Nàng có tiền, có địa vị, có sắc đẹp chinh phục được các quí ông, và nàng không che dấu (qua “cái nhìn thẳng thắn”) những thứ đó để “chiến đấu” lại cái “xa lạ” giữa nàng và giới quí tộc.
    Đáp án của Văn không phải thông điệp của IK. XA LẠ chính là điều ông muốn nói. Ông không quá “quan điểm”, chỉ diễn tả chính xác cái gì đang diễn ra thôi. Cũng có thể thấy rõ chút cảm thông ông dành cho nàng qua bức tranh (và câu chuyện viếng mộ nàng).
    Kết cục là nàng đã thất bại trong cuộc chiến nhưng các bạn thử bàn xem nàng thua trận đánh (battle) hay thua tòan cuộc (war).
    Giải thích thêm vì sao bức tranh lại quá phổ biến ở VN. Có lẽ không phải vì nó nổi tiếng và của một họa sỹ nổi tiếng (thiếu gì cái nổi tiếng tương tự). Cái này phải nói xấu giới PN một tý. Ai cũng thích “vẻ đẹp kiêu sa” (kiểu cô gái ném dưa của Nga ấy!). Và bức tranh đẹp này “có vẻ” diễn tả cái đẹp kiêu sa và quí phái. Do tâm lý bầy đàn (hay đua đòi), mọi người đua nhau trưng nó để thể hiện “quan điểm” của mình. Một thời mình cũng hâm mộ nó lắm, còn hơn cả bức Mona Lisa. Nhưng khi nhìn kỹ cái nhìn của cô gái, mình nghĩ khác hẳn. Tuy nhiên, phải công nhận đây thực sự là một tuyệt tác nghệ thuật (cả họa sỹ lẫn người mẫu)!

    Bình luận bởi chausatran | Tháng Sáu 4, 2011 | Trả lời

  30. XA LẠ như phân tích của CS thì trong tiếng Nga có tính từ ЧУЖАЯ mới chính xác. НЕИЗВЕСТНАЯ không diễn tả được ý đó.

    Tớ vẫn nghiêng về đáp án XX Plus 😀 :D. “Nàng là ai” (НЕИЗВЕСТНАЯ) ở thế giới nội tâm mới chính là “câu hỏi mãi buông lơi” của IK, nếu không danh họa đã chẳng ngại gì mà không thêm danh từ женщина hay дама vào sau tính từ trong tên bức tranh 😀 😀

    Chúc tất cả weekend vui vẻ!!

    Bình luận bởi tobavan | Tháng Sáu 4, 2011 | Trả lời

  31. Bravo Văn (còm#28) và C.Sa (còm #29)!
    Sáng nay, tớ mở máy ra chỉ kịp voted cho 2 vị 2 phiếu, rồi phải đi công tác ngay! Các bạn “làm biếng” viết còm cứ nên bắt chước tớ, ko cần comment, chỉ cần thumb-up comment nào thấy hay hay!!!

    Tối về,có time, tớ xin phép “diễn giải” chút ít!
    @ còm #28: Đề xuất của Văn về “ẩn số” và một loạt danh từ giống cái có thể là đối tượng mô tả của tính từ “НЕИЗВЕСТНАЯ” làm tớ liên tưởng đến Galois! Ngày xưa, chính Galois là người đầu tiên đưa ra khái niệm “số ảo” và từ đó có ý tưởng về “mở rộng đại số” của trường số thực thành trường số phức cho phép mọi phương trình đại số bậc N có đủ N nghiệm!
    Ý tưởng “lãng mạn toán học” của Văn cho phép ta “mở rộng đại số” khái niệm “phụ nữ” với một loạt tính chất (thuộc tính) nghe rất có lý: giá trị (величина), sự thù ghét (ненависть), sự xa cách, tách biệt (отчужденность), khát vọng hay tham vọng (страсть), niềm tin (вера), số phận (судьба)!!! 😀 😀 😀 . Bravo Văn again!!!
    @ C.Sa (còm #29): Sa được bravo vì tinh thần “đại nghĩa diệt thân”! Nếu Văn ham “mở rộng” thì Sa lại chuyên về “đào sâu”! Chỉ có phụ nữ mới nói về giới của mình chính xác như vậy, nhất là khi dám “hy sinh” cả quyền lợi của “đồng giới” ! 😀 😀 😀
    Tớ rất thích cách lập luận của Sa, nhưng càng bám theo mạch suy nghĩ ấy, tớ lại thấy cái từ “XA LẠ” trở nên không diễn đạt hết cái sự “bí ẩn”, cái “unknowning” mà Kramskoy muốn ám chỉ!
    Ơ hơ! Tự nhiên thấy cái từ “bí ẩn” có vẻ xài được! Các bạn thấy sao? 😀 😀 😀

    Bình luận bởi V. Thành | Tháng Sáu 4, 2011 | Trả lời

  32. @ Văn: Văn tài thật ! Tới giờ vẫn nhớ được nhiều từ trong t’Nga quá !

    Nghe các Bạn phân tích thấy ‘sáng’ ra nhiều điều. Cứ theo ý của Văn thì unknown có thể ám chỉ nhiều thứ, cả hữu hình và vô hình. Hay là bỏ hẳn chữ “thiếu phụ” trong tên tranh đi nhỉ. Mình cũng chỉ đặt tên kiểu … bâng quơ, ví dụ như “Không ai rõ” (???!!!) Nhưng khổ nỗi sang t’Việt thì lại mất yếu tố “giống cái’ rồi, cũng như mất một phần “hồn” của tên gốc rồi. Khó quá !

    Bình luận bởi Nguyễn Băng Tâm | Tháng Sáu 6, 2011 | Trả lời

  33. Đúng rồi Tâm à! BT nhận xét rất xác đáng về phần “hồn” (đang “ẩn”) của tên gốc. Thêm bất cứ danh từ nào vào sau tính từ là “bó” (lock) lại “nội hàm” của nó.

    Theo mạch logic này, có lẽ đề xuất “BÍ ẨN” của VT là hay hơn cả. Dù vẫn có vẻ hơi “lộ hàng”, chưa đạt được mức chơi chữ một cách “bâng quơ” như IK.

    Lại nữa, trong rất nhiều trường hợp, tên gọi, ngay cả thuật ngữ chuyên ngành, ban đầu dùng không được chuẩn, thậm chí nhầm lẫn,nhưng theo thời gian, khi đã thành thói quen, thì rất khó thay đổi. Tớ lấy ví dụ. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tiếng V dùng “thương hiệu” để chỉ “brand name”, “nhãn hiệu” để chỉ “trade mark”. Trong khi “trade mark” phải được chuyển là “thương hiệu” (trade = thương mại, thương mãi), còn “brand name” nên dùng là “bản (bổn) hiệu” mới đúng.

    Chúng ta brain storming để enjoy là chính. Dù có tìm được tên sát với chủ ý của IK bao nhiêu đi nữa, chắc cũng phải xin lỗi ông vì bức tranh đã gắn chết tên “Người đàn bà xa lạ” mất rồi!

    Bình luận bởi tobavan | Tháng Sáu 6, 2011 | Trả lời


Gửi phản hồi cho Bùi Huy Bằng Hủy trả lời