Lớp A0 – Khóa 9

They came, they saw and they ….

Em sẽ là một nhà giáo bận rộn, không ngày nào nhàn!


Sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11  xin gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới thầy Việt và các thầy cô của A0khoa9 chúng ta, cũng như tới tất cả các bạn đã và đang làm thầy cô giáo, Khôi, Nam Mai, Thiều Hoa, Trí, Hùng, Hà,…

Best wishesTranh thủ đưa lên đây mẩu chuyện đọc được từ facebook của học trò của mình.

%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%

Chiều hôm qua, cô ghé nhà em chơi. Cô nói với mẹ em: “Cho nó thi sư phạm đi, nhàn nhã, không nặng đầu óc, tha hồ có thời gian chăm sóc gia đình!”

Mười năm trước, chị gái em cũng được học lớp cô. Cô dạy không cần nhìn sách mà vẫn chuẩn từng dấu chấm, dấu phẩy. Những ví dụ, những liên hệ… chị Hà kể lại em thấy trùng khít, dù đã 10 năm! Trí nhớ của cô thật tuyệt vời! Nhưng cô ơi, thời chị em chưa có cừu Dolly, chưa có điện thoại di động. 30 năm qua Bill Gates đã làm thay đổi cả thế giới. Nhưng bài giảng của cô qua 30 năm qua hầu như không khác một từ. Cô cũng chưa từng lướt web, chưa từng thử đặt chân lên cái xa lộ thông tin vĩ đại Internet.

Và thật buồn khi cô không phải là số ít! Bởi vì trong các bài giảng Địa lý, chúng em chẳng bao giờ được nghe những ví dụ về sóng thần. Trong các tiết Lịch sử, không ai nhắc tới trùm khủng bố Osama Bin Laden. Trong giờ Vật lý không có chuyện công nghệ điện thoại di động, chuyện tàu Thần Châu 6 bay vào vũ trụ… Trường học biến thành một ốc đảo của sự lạc hậu.

Vậy thì cô ơi, nếu làm một giáo viên cập nhật tri thức thì đâu có nhàn!

Thấy em lên mạng, cô bảo em “chát chít nhảm nhí”. Tờ báo H2T  (Hoa Học Trò) có một bài em rất tâm đắc, đưa cho cô không đọc, cô bảo là “báo trẻ con”. Mỗi ngày, nếu cô bỏ chút thời gian để hiểu xem tụi trẻ con của mình đang làm gì, thích gì, đang nói như thế nào?

Hôm nọ bạn Hải chậm đóng học phí. Cô nhắc hai lần rồi cho loa phát thanh đọc tên bạn ấy trước toàn trường. Bạn ấy xấu hổ lắm. Nhưng nếu cô tới chơi nhà bạn ấy thì cô sẽ biết mẹ bạn ấy đang phải chạy thận nhân tạo mỗi tháng hết cả chục triệu.

Bạn Trà nhuộm tóc hoe hoe và không làm bài tập về nhà. Cô mắng bạn ấy gần hết 1 tiết toán. Bạn ấy càng im lặng, cô càng mắng dữ. Cô có biết đêm nào bạn ấy cũng khóc vì ba mẹ bạn ấy sắp bỏ nhau chưa?

Cô nhỉ, làm một giáo viên hiểu học sinh thì đâu có nhàn?

Trong tiết dạy thi giáo viên giỏi cô đã cho tụi em xem phim, đóng kịch, thảo luận nhóm. Tiết học vui quá trời. Bài học hôm đó chúng em vẫn còn nhớ như in. Nhưng cô bảo “mệt lắm”. Cô dạy chúng em rằng Truyện Kiều là một áng văn bất hủ, nhưng cô bỏ nhỏ với bạn bè là chưa đọc hết Truyện Kiều. Cô dạy về Victor Hugo nhưng cô chưa đọc hết Nhà Thờ Đức Bà Pari.

Cô ạ, làm một giáo viên có giờ dạy chất lượng cao thì đâu có nhàn?

Cô ạ, chị em làm bên quảng cáo, ngày nào cũng phải học, ngày nào cũng đọc sách, ngày nào cũng loay hoay tìm một cách diễn đạt mới. Cô nói đùa rằng nghề của chị em là nghề bán chất xám, cô cũng nói đùa rằng nghề giáo viên là nghề bán cháo phổi. Tại sao cháo phổi lại không kèm chất xám?

Có một câu nói rằng: Đào tạo một người đàn ông, chúng ta được một con người. Đào tạo một người phụ nữ chúng ta được một gia đình. Và đào tạo một giáo viên, chúng ta được cả một thế hệ.

Thưa cô, sang năm em vẫn thi sư phạm. Vì em yêu nghề này. Và em sẽ phấn đấu để là một nhà giáo bận rộn, không ngày nào nhàn!

Tháng Mười Một 17, 2012 - Posted by | Tổng hợp

19 bình luận »

  1. Mình có một câu hỏi muốn hỏi các bạn.

    Cô học trò này của mình, tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội, đã lấy bằng thạc sỹ ở Pháp, hiện đang là cán bộ của Viện Toán, đang làm nghiên cứu sinh, và là một Ph.D. student rất hứa hẹn.
    Mình có nên bằng mọi cách thuyết phục cô ấy ở lại Viện Toán (vì lâu nay không có mấy thanh niên giỏi muốn xin về Viện Toán làm việc) hay là giúp cô bé tìm việc giảng dạy tại một trường Đại học nào đó?
    Nhà xã hội học Thiên Kính có cao kiến gì không?

    Bình luận bởi nguyenvietdung | Tháng Mười Một 17, 2012 | Trả lời

    • Nên để cho cô học trò này tự chọn, chẳng nên khuyên gì đâu. Nếu cô bạn trẻ này thích ở lại Viện Toán thì tự cô ấy sẽ ở lại, nếu cô ấy không thích thì sẽ đi đến nơi cô ấy thích. Thế là tốt nhất cho cô ấy và tất cả mọi người.
      Cô bạn này còn rất trẻ. Cô ấy sẽ có nhiều trải nghiệm hơn qua thời gian. Rồi đến một lúc nào đó cô ấy sẽ thấy cảm thông hơn với các thầy cô giáo già của mình.
      Còn chẳng cứ gì nhà giáo, ai cũng cần học tập suốt đời, kể cả học ở đám con cháu mình.

      Bình luận bởi phuongnguyentm | Tháng Mười Một 17, 2012 | Trả lời

    • Chào V.Dũng và M.Phương. Mình có “cao kiến” như sau:
      1. Về “đại thể”, ý kiến của MPhương là hợp lý.
      2. Nhìn “tổng quát” hơn, lựa chọn hoặc làm ở V.Toán, hoặc giảng dạy ở trường ĐH nào đó thì cũng tương tự nhau về “địa vị xã hội” (tức là ở tầng lớp cao). Con người ta ai cũng có xu hướng vươn lên địa vị cao trong xã hội. Do vậy, yên tâm sự lựa chọn của cô ấy là hợp lý (lựa chọn 1 trong 2 khả năng trên đều tốt cả).
      3. Hơn nữa, hình như chỉ có VNam mới “tách rời” giữa nghiên cứu và giảng dạy? Nhiều nước họ “gắn liền” 2 hoạt động này ngay từ trong thiết chế của nhà trường và bản thân nội tại mỗi giáo sư và nhà nghiên cứu thường “đồng nhất” làm một?
      4. Từ điều trên, chắc là cô ấy “không muốn nhàn rỗi” thì dù cho cô ấy có lựa chọn về trường ĐH thì cô ấy cũng sẽ tự mình gắn vào V.Toán thôi (hoặc là cô ấy sẽ tự nghiên cứu/tìm hiểu trong thế giới phẳng). Sự lựa chọn của cô ấy như thế thì rõ ràng giới nghiên cứu (trong đó có thày Dũng) chẳng mất nhân sự đi đâu cả. Trái lại, xã hội lại được tầng lớp giáo viên khác hẳn ngày xưa là “nhàn rỗi và có thời gian chăm sóc gia đình”. Vừa “tương tác” với học trò và lại vừa nghiên cứu có khi mới “sôi động”, còn nghiên cứu chay có khi cũng chán? Có phải vì thế mà thanh niên trẻ có năng lực không thích về V.Toán?

      Bình luận bởi Đỗ Thiên Kính | Tháng Mười Một 17, 2012 | Trả lời

  2. Chào cả nhà,
    Nhân ngày Nhà giáo Việt nam 20-11, em xin chúc Thầy Việt, các thầy cô Ao sức khỏe dồi dào, gia đình , con cháu hạnh phúc và thành đạt!
    Quay lại bài viết rất hay của V.Dũng.
    Thay cho trả lời câu hỏi của V.Dũng, tớ muốn kể câu chuyện của cô út nhà tớ tên là Phương Ly, nick là “Sâu”.
    Sâu năm nay mới học lớp 3. Cô út này vốn ham chơi lười học, chỉ thích vào Internet để chơi trò trang điểm và vẫn ước mơ lớn lên sẽ làm người mẫu. Mấy hôm trước, cô út về nhà khoe với mẹ: “Lớn lên, con sẽ làm cô giáo”! Hóa ra, mấy tuần qua, Sâu và 1 bạn nữa vào giờ giải lao toàn chạy về lớp cô Oanh là cô giáo dạy hồi lớp 1 cũng ở trường ấy. Cũng tại “chị Sâu” lỡ lời chê các em lớp 1 viết xấu, cô Oanh liền nhờ “chị Sâu” lên bảng viết mẫu cho các em. Chắc kết quả cũng được, nên cuối giờ, cô nhờ Sâu ở lại thêm 30 phút để “luyện chữ đẹp” cho 4 em bé lớp 1. Sâu khen các em ấy ngoan lắm, toàn gọi “chị Sâu” là “cô giáo tí hon”. Sâu còn nhận xét thêm: lớp cô Oanh bây giờ có cả máy tính nối mạng. Sâu bảo: “Máy của cô Oanh chạy IE chậm lắm, con bảo cô chạy Chrome cho nhanh hơn mà cô không biết cách, bố ạ”!
    Sau này, lớn lên 1 chút, có lẽ Sâu sẽ phát hiện ra cô Oanh còn không biết gì về nhiều khái niệm mới của văn minh hiện đại: Sóng thần, Thị trường chứng khoán, các hạt quark và các “bạn” mezone, “Lỗ hổng đen” , “Vật liệu tối”,…
    Ngoài ra, có lẽ cô Oanh cũng chẳng biết, từ hôm được làm “cô giáo tí hon”, về nhà, Sâu đã tự gập quần áo và tưới cây cảnh cho mẹ…
    Vợ chồng mình vẫn thầm cám ơn cô Oanh.

    Bình luận bởi V. Thành | Tháng Mười Một 19, 2012 | Trả lời

    • Theo tôi hiệu quả nhất là sau khi gặp cô giáo lớp 1, làm “cô giáo tí hon” Công chúa của Văn Thành ” Sâu-Ly” về nhà biết tự gắp quần áo và tưới cây cảnh. Thế là công lao của cô giáo Oanh đã vĩ đại lắm lắm rồi ! Như thế là các “ông vua bà hoàng hậu” đã phải cám ơn cô lắm lắm rồi ! Vì ” ông vua Văn Thành ” ở nhà biết đủ cả “sóng thần”, “Skype”, “Chrome”, “lỗ đen”, nano, v.v…. và vô vàn thứ khác siêu siêu, cực siêu hơn nữa mà có làm cho “công chúa Sâu-Ly” biết tự gấp quần áo và tưới cây cảnh đâu ??? (Moi sự so sánh đều là khập khễnh, nếu tôi viết có gì không phải mong các bạn thông cảm và đừng giận. Các bạn có thể nghĩ là tôi luôn bênh các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô giáo già).

      Bình luận bởi phuongnguyentm | Tháng Mười Một 19, 2012 | Trả lời

  3. Thanks for your greetings 🙂

    Bình luận bởi LHK | Tháng Mười Một 20, 2012 | Trả lời

  4. Dù ngày thầy cô giáo của Nga khác với của mình, nhưng cũng vẫn mượn tạm bài hát này để tặng các thầy cô giáo của chúng ta, và trong chúng ta.

    Bình luận bởi nguyenvietdung | Tháng Mười Một 20, 2012 | Trả lời

  5. “Góp gạo chung” với V.Dũng đây nè:

    English Lyrics

    I love the way you changed my life
    You opened up my heart and mind
    You encouraged me to follow my dream (can be dreams if you like)
    I loved all those days (can be “I love those old days” )
    When you showed me the way
    To trust in myself
    And learn well each day
    How could I forget?
    The time that we shared
    You helped me grow up
    To an adult instead

    😀 😀 😀

    Bình luận bởi V. Thành | Tháng Mười Một 21, 2012 | Trả lời

  6. Chúng ta thường nói về thầy cô giáo, về nghề giáo một cách chung chung mà không để ý có 2 khía cạnh quan trọng khi nói về vấn đề này: dạy kiến thức và dạy cách làm người. Xa hơn nữa là có 2 lực lượng khác nhau trong giới giáo chức: GV phổ thông và GV hệ bậc cao (higher education, including undergraduation (đại học) and graduation (trên đại học)).

    GV phổ thông phải làm đủ cả 2 việc: dạy kiến thức cơ bản và dạy cách làm người. Tuy nhiên GV bậc càng thấp thì yêu cầu dạy làm người càng được đề cao. Ngược lại, ở bậc càng cao, nhất là cấp 3 thì yêu cầu kiến thức được nhấn mạnh đặc biệt. Cô học trò của VD đã là HS cấp 3, rất cần được trang bị đủ kiến thức để bước vào môi trường đại học đầy thách thức và vì vậy cô không thể hài lòng với cô giáo an phận kia, nói một cách phũ phàng là “vật cản cho sự phát triển của thế hệ trẻ”. Còn bé Sâu mới chỉ ở tiểu học thì cô Oanh là lý tưởng cho “hình thành nhân cách của trẻ mới lớn”. Cô giáo Oanh nếu được hoán vị với cô giáo thích nhàn kia thì địa vị có thể được hoán vị rất kịch tính: cô Oanh trở thành vật cản, còn cô kia có khi thành lý tưởng!

    Còn nói về GV bậc cao hơn thì dạy kiến thức là chủ yếu, nếu tiến xa hơn thì có thể dạy cách làm việc. Những người này có thể lạnh lùng, không quan tâm đến khía cạnh xã hội của các HS mà vẫn là những người thầy tốt, thậm chí giỏi.

    Chúng ta nên phán xét theo mô thức cung-cầu cho chính xác. Cầu nào thì phải có cung nấy, không được tréo ngoe.

    Lại nói về cô HS của VD. Nếu bài viết là suy nghĩ cho hòan cảnh thực của cô thì mình cho rằng cô có thể bị confusing về sự nghiệp. Một GV đại học thời hiện đại thường yêu nghề hàn lâm (academic field) chứ không phải yêu nghề dạy học. Họ dạy SV và cùng SV làm việc. Đó là quan hệ của người đi trước và đi sau trong cùng một lĩnh vực nghiên cứu. GV ĐH của VN bây giờ áp lực nghiên cứu là khá lớn. Hễ là PGS/GS mà không có công trình thì ê mặt. Mà ở ĐH không phấn đấu thành PGS/GS thì sẽ thành công dân hạng hai ngay. Còn ở các Viện nhu cầu có công trình cũng khá cao, nhưng muốn có vị thế thì phải phấn đấu PGS/GS và vẫn phải dạy. Tóm lại vẫn là dạy và nghiên cứu. Vậy thì ở đâu có đồng nghiệp tốt thì nên làm ở đó, Viện hay trường không quan trọng. Mình cho rằng trong tương lai các Viện sẽ nhập vô các ĐH như mô hình của đa số các nước trên TG.

    Mình và các bạn trong lớp có lẽ đa số là con của các thầy cô giáo, từ tiểu học đến ĐH, trong đó có những thầy nổi tiếng như thầy Lê Hải Châu bố của Khôi và thầy Nguyễn Đình Trí bố của V Dũng. Bọn mình đều tự hào và yêu nghề giáo vì ngoài cha mẹ ra cũng còn gặp biết bao thầy cô tuyệt vời, chẳng thể kể hết ra đây được.

    Để bổ sung cho bài viết của cô trò của VD mình kể về chuyện con mình. Lúc nó học c3 bọn mình dự đoán nó sẽ vô ĐH nghành Toán hoặc Kinh Tế. Nhưng năm lớp 11 & 12 có một cô giáo Sinh vật vừa trẻ, vừa năng động, vừa có bằng PHD về dạy trường nó (là điều hiếm vì GV phổ thông chỉ cần có Bachelor là đủ, cùng lắm là Master). Và quyết định cuối cùng của nó theo học ngành này thật bất ngờ với gia đình mình dù đây đang là ngành “hot” ở Mỹ. Chắc chắn cô giáo đó có ảnh hưởng lớn tới quyết định này.

    Lại nói về kiến thức, các bạn có biết là con mình tốt nghiệp phổ thông mà không học một giờ nào môn Vật lý không. Ở Mỹ họ gộp Hóa, Sinh, Vật Lý thành Science (Khoa học). Nó học các khoá cơ bản và nâng cao của Hóa và Sinh đủ tín chỉ nên không cần học Vật lý nữa. Khi nó học ĐH, chuyên ngành của nó là sự pha trộn của Hóa, Sinh, Lý. Chẳng hiểu sao không những ổn mà còn suất sắc nữa!

    Bình luận bởi chausatran | Tháng Mười Một 21, 2012 | Trả lời

    • Chào C.Sa.
      Cám ơn C.Sa đã có 1 bài tiểu luận rất khúc triết về nghề sư phạm và chức năng người thầy giáo.
      Theo tớ, nghề nào và người làm nghề gì đều có mặt nọ mặt kia thì cuộc sống mới đa dạng, phong phú như vậy.
      Trong Ngày Nhà giáo VN, tớ chỉ muốn tôn vinh những nét cao đẹp nhất của người thầy giáo qua câu chuyện nhỏ của bé Sâu. Đã qua ngày 20/11 khá lâu, tớ mới nói thêm, ngay cả cô Oanh, cô giáo lớp 1 của Sâu cũng không phải là một con người hoàn hảo. Cô ấy cũng bươn chải, kiếm sống bằng cách dạy thêm ở nhà. Trong 1 căn hộ bé xíu, cô cũng khéo léo “ép” 20-30 cháu học thêm 2-3 lần hàng tuần. Bé Sâu nghe lời bố, chẳng học thêm nếm gì thì toàn bị đẩy ra khỏi top10 của lớp mặc dù đi thi học sinh giỏi lần nào cũng có giải các kiểu! (Khoe con một tí nhé! 😀 😀 :D).
      Tuy vậy, dù muốn hay không, tớ vẫn cảm thấy cái gọi là “bản năng sư phạm” của cô Oanh, có một cái gì ấy hấp dẫn bọn trẻ con, làm cho cô út nhà mình thích đến thăm cô hơn hẳn so với các cô khác! Bọn trẻ con cảm nhận mà không cần tư duy nhiều, và không dễ đánh lừa chúng nó đâu!

      Tớ đánh giá rất cao bài viết của cô HS của V.Dũng. Cô bé này có tư duy độc lập, trình bày vấn đề rất rõ ràng, mạch lạc. Tớ nhận thấy, ham muốn trở thành cô giáo của cô HS này hình như không xuất phát từ “bản năng sư phạm” mà lại từ tính tự ái hơi trẻ con vì 1 câu nói (vô tình ?) của cô giáo cũ: “Cho nó thi sư phạm đi, nhàn nhã, không nặng đầu óc, tha hồ có thời gian chăm sóc gia đình!”

      Trên FB, cô bé viết cho cô giáo cũ thế này:
      “..Có một câu nói rằng: Đào tạo một người đàn ông, chúng ta được một con người. Đào tạo một người phụ nữ chúng ta được một gia đình. Và đào tạo một giáo viên, chúng ta được cả một thế hệ.

      Thưa cô, sang năm em vẫn thi sư phạm. Vì em yêu nghề này. Và em sẽ phấn đấu để là một nhà giáo bận rộn, không ngày nào nhàn!
      …”

      Tớ rất hy vọng, cô giáo “an phận” kia ko biết cách vào FB để khỏi bị học sinh cũ “chỉ giáo” như vậy!

      Nếu vẫn thích nghề sư phạm, thì theo tớ, cô HS kia chỉ nên đi dạy đại học thôi!

      Bình luận bởi V. Thành | Tháng Mười Một 27, 2012 | Trả lời

      • Như đã được phân tích ở còm trên, tớ kết luận rằng, nếu vẫn còn yêu nghề sư phạm, cô gái này nên dạy cấp 3 như cô giáo Sinh vật của con tớ. Vì dạy đại học không phải nghề sư phạm mà là nghề hàn lâm. Chắc VDũng và Khôi đồng ý với tớ vì đang “ở trong chăn”.

        Bình luận bởi chausatran | Tháng Mười Một 27, 2012

  7. Chào tất cả các bạn,
    1. Tôi thấy là chúng ta đã đọc bài này rất kỹ ! Thật đáng mừng vì ngành giáo dục và tư cách các thầy cô giáo luôn ở tâm điểm của xã hội được phản ánh ngay trong blog của chúng ta!
    2. “..Có một câu nói rằng: Đào tạo một người đàn ông, chúng ta được một con người. Đào tạo một người phụ nữ chúng ta được một gia đình.” – cô bạn này chắc chưa có gia đình nên không hiểu được là để có một gia đình rất cần có cả phụ nữ và đàn ông. Trong trường học và trường mấu giáo cũng vậy, tình hình thiếu các thầy giáo nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục kỹ năng sống cho cả học sinh nam và nữ.
    3. Chẳng ai là người hoàn hảo cả nên chúng ta cũng thông cảm với cô giáo Oanh của công chúa Sâu nhà Văn Thành. Còn nếu chỉ vì không đi học thêm ở nhà cô mà công chúa Sâu thưc chất học rất giỏi mà không được vào TOP 5 hay TOP 10 của lớp thì cũng có mặt tốt của nó là Sâu đã được rèn luyện “đối mặt” và “vượt qua tiêu cực ” ngay từ nhỏ lớn lên sẽ có bản lĩnh vững vàng (mấy hôm trước tôi đọc một bài là “Cần dạy trẻ em đối mặt với tiêu cực ” song quên mất đường link để ở đâu).
    4. Về “yêu” và “thích” tôi thấy cũng chỉ là tương đối, rất tương đối , nhiều khi “yêu thích” một đàng lại đi làm một nẻo vì trong cuộc sống còn rất rất nhiều điều khác chi phối chứ không phải chỉ có “yêu” với “thich” thôi. Vì thế nên để cô bạn trẻ kia tự quyết định là tốt nhất nếu cô ấy đang đứng trước sự lựa chọn.
    5 Chúng ta có nên cho cô bạn trẻ tác giả của bài viết ” Em sẽ là một nhà giáo bận rộn, ….” này biết các comments của chúng ta khi được đọc bài của cô ấy không ? Có thể có tác dụng tốt đối với cô ấy ?

    Bình luận bởi phuongnguyentm | Tháng Mười Một 27, 2012 | Trả lời

  8. Các comments của chúng ta đều rất hay. Mình xin thêm một ít thông tin.

    1. Theo mình hiểu bài đó không phải do cô học trò mình viết, nhưng là một bài mà cô bé ấy RẤT tâm đắc nên mới post lên fb vào đúng ngày 20/11.

    2. Mình đã chỉ cho cô bé xem blog của chúng ta ngay từ khi mình mới post bài viết đó để cô bé xem các cô, chú nghĩ gì, tranh luận gì về nghề giáo, và có lời khuyên gì.

    3. Cô bé vẫn đang là cán bộ Viện Toán và chắc sẽ tiếp tục là cán bộ Viện trong 5 năm tới. Đồng thời cô bé là TA của mình từ 2 năm nay rồi. Rất yêu sinh viên và rất được sinh viên yêu quý.

    4. Nếu sau này có chuyển làm giáo viên, cô bé sẽ làm giáo viên đại học thôi vì khả năng làm nghiên cứu của cô bé rất tốt. Nhưng personally, mình muốn giữ cô bé lại Viện Toán.

    Bình luận bởi nguyenvietdung | Tháng Mười Hai 1, 2012 | Trả lời

    • 1.> VD: Cô bạn trẻ này “Rất yêu sinh viên và rất được sinh viên yêu quý.”
      Tôi nghĩ rằng cô ấy cũng RẤT RẤT yêu thầy giáo của mình và RẤT được thầy giáo của mình yêu quí ! ??? 🙂
      Điều đó là rất tốt.
      2. Tôi vẫn cho là cô bạn sẽ tự chọn cho mình một nơi phù hợp là tốt nhất, song lại nghĩ rằng nếu cô bạn trẻ này của chúng ta RẤT RẤT TÂM HUYẾT VỚI NGHỀ GIÁO lại rất thông minh, nhạy cảm, nhiều sáng kiến, sáng tạo thì nên đi DẠY LƠP 1. Hình ảnh của cô sẽ mãi mãi ở trong tâm trí học trò của cô trong suốt cả cuộc đời vì “Bọn trẻ con cảm nhận mà không cần tư duy nhiều, và không dễ đánh lừa chúng nó đâu! ” (trich của Văn Thành ở comment trên, 100% đúng !).
      3. Tôi cũng rất muốn biết cô học trò này của Việt Dũng nghĩ gì khi đọc những comments của chúng ta ? Vì tôi rất muốn tham khảo suy nghĩ của thế hệ trẻ để làm mới mình, hoà nhập hơn với các bạn ấy. Cô ấy có thể viết thư cho bọn mình rôi tự đưa lên blog hay nhờ Thầy Việt Dũng chuyển tới bọn mình cũng được. Xin rất cám ơn cả hai thầy trò.

      Bình luận bởi phuongnguyentm | Tháng Mười Hai 1, 2012 | Trả lời

      • Chào MPhương: Tớ cũng đồng ý với MPhương là cô bé nên đi dạy lớp 1. Bởi vì tớ đã được nghe về GS Hồ Ngọc Đại khi cấp lãnh đạo hỏi ông thích chọn nghề gì thì ông trả lời là thích dạy lớp 1 😀 . Cuối cùng thì nguyện vọng của ông cũng được toại nguyện (trường thực nghiệm ra đời).

        Bình luận bởi Đỗ Thiên Kính | Tháng Mười Hai 2, 2012

  9. Chào cả nhà,
    Mình xin góp vui bằng một câu chuyện khác, có lẽ hơi lạc đề. Coi như cuối tuần, vui một tí, Nếu ai nghi ngờ tính xác thực của chuyện này thì mời đọc lại bài “Phi lộ” trên đầu trang!
    Một buổi tối, ngày… tháng… , như bao tối khác, mình được vợ sai đi đón con học thêm ở nhà cô giáo tại một khu đô thị khá hiện đại. Hôm ấy, cô giáo bận việc nhà nên lớp học bắt đầu muộn và kết thúc cũng muộn hơn 30 phút.
    Đã lỡ đến sớm, đành phải vô 1 cái quán cafe nhỏ gần nhà cô giáo để ngồi đợi con.
    Quán nhỏ, chỉ có 5-6 cái bàn. Trong góc có 1 đôi đang ngồi tâm sự… Một bản nhạc nhẹ rất quen của Paul Mauriat xen lẫm tiếng bàn phím gõ lách tách của ai đó… Thì ra, ở gần cửa sổ có 1 cô bé cỡ tuổi sinh viên, đang ngồi trước Laptop “Quả táo cắn dở”. Ánh sáng từ màn hình LCD hắt lên một khuôn mặt thanh tú với đôi mắt sáng ngời, lấp lánh đầy vẻ tinh quái! Bên cạnh cái laptop có 1 cái túi nhỏ, hiệu Luis Vutton, trong thấy thập thò mấy quyển sách có vẻ là toán cao cấp gì đó! Trang phục của cô bé trông rất quen, nếu không có mấy cuốn sách kia, có lẽ đã nghĩ ngay đến Victoria’s Secret!
    Lấy cớ đi mua thuốc lá, mình đi lướt qua và liếc vô màn hình. Cô SV này đang mở liền mấy trang Web. Trong 1 cái cửa số, mình đọc vội được dòng chữ “They came, they saw and they…”, dưới đó là bài “Em sẽ là một nhà giáo bận rộn…” !!! Híc! Té ra cái blog nhỏ xíu của bọn mình cũng có fan hâm mộ!
    Cô bé này lướt qua bài viết rất nhanh, có vẻ đã biết trước cần phải tìm kiếm cái gì rồi. Kéo chuột xuống mấy cái “còm”, cô ta bôi đen cả 1 vùng và gõ luôn Ctrl-C (copy). Lại thấy chuyển chuột sang 1 trang web khác, và gõ Ctrl-V (paste) luôn! Lần này thì đúng là FaceBook rồi!
    Mấy thao tác trên cô ấy như máy chứ không ê a như mình mô tả đâu!!!
    Chẳng kịp nhìn kỹ FB nick của cô bé, chỉ thấy mỗi cái avatar- logo này thôi:

    😀 😀 😀

    Bình luận bởi V. Thành | Tháng Mười Hai 1, 2012 | Trả lời

    • Ha ha. Quả là xứng danh TBT. Cám ơn VT nhiều. Mình vẫn chưa hết ám ảnh với cậu bé con của mình, và vẫn còn nhiều việc phải làm với gia đình cậu bé đó. Nhưng đọc cái còm này của VT nhẹ hết cả người. Chúc cả nhà một nice weekend.

      Bình luận bởi nguyenvietdung | Tháng Mười Hai 2, 2012 | Trả lời

      • Hi V.Dũng,
        Biết nhà cậu có chuyện không vui, thay cho lời phân ưu e rằng hơi khách sáo, tớ mới có cái “còm” trên. Rất mừng là cũng phần nào an ủi, chia sẻ với cậu. Chúc lành.

        Bình luận bởi V. Thành | Tháng Mười Hai 3, 2012

  10. Đọc ý kiến của bạn Kính về ý kiến của tôi là cô bạn trẻ trong cuộc thảo luận sôi nổi của chúng ta là nên đi dạy lớp 1 tôi thấy cần nói rõ là tôi chẳng có tư tưởng lớn gì giống như GS Hồ Ngọc Đại mà tôi chỉ đơn giản là rất thương mấy đứa trẻ bắt đầu đi học như hai trẻ nhà tôi. Bọn trẻ bắt đầu đi học rất khổ vì mọi thứ đều thay đổi, mọi thứ đều bỡ ngỡ, lúng túng. Nếu các cô giáo , thầy giáo hiểu biết tốt, thương yêu trẻ dạy dỗ bọn chúng thì bọn chúng sẽ không sợ đến trường, nảy sinh niềm ham mê học hỏi làm tiền đề cho sự phát triển cả đời và sẽ rất hạnh phúc.
    Mấy ngày gần đây có tin về sự thảm sát 20 học sinh cấp 1 và 6 người lớn ở một trường học ở Mỹ. Thật là đau xót khi mất đi cuộc sống của các cháu và các thầy cô giáo. Song hình ảnh và tấm gương dũng cảm tuyệt vời của Cô Hiệu trưởng và các thầy cô giáo trong thảm hoạ này làm chúng ta rất khâm phục. Cô Hiệu trưởng là một cô giáo yêu trẻ , thông minh, ham học hỏi, năng động sáng tạo đúng với những đức tính mà chúng ta mong muốn ở những người thầy giáo, cô giáo. Trong hoàn cảnh một sống một chết cô đã dũng cảm lấy thân mình che cho các em nhỏ và đã hy sinh. Không chỉ Nước Mỹ tự hào về Cô mà chúng ta ai cũng khâm phục một cô giáo như vậy. Đọc những thông tin về cuộc đời của cô tôi rất xúc động.

    Bình luận bởi phuongnguyentm | Tháng Mười Hai 25, 2012 | Trả lời


Bình luận về bài viết này