Lớp A0 – Khóa 9

They came, they saw and they ….

Câu chuyện cuộc sống V.2 (version 2)


Tiếp theo những chuyện cực ngắn được Minh Phương sưu tầm dưới tên gọi Câu chuyện cuộc sống mình xin giới thiệu Câu chuyện cuộc sống V.2 (version 2) gồm những chuyện có đủ đầu đuôi, đủ cả mắm muối và đủ gợi cho ta nhiều suy nghĩ. Những chuyện này đương nhiên là hư cấu nhưng đều dựa trên những chuyện có thật (based on true stories). Vậy nên các bạn có thể bắt gặp ở đây những nhân vật có thật ngoài đời, thậm chí có thể gặp chính mình trong đó.
Ngày xuân có lẽ nên nói chuyện vui, cho nên xin bắt đầu bằng một câu chuyện tình đẹp, một câu chuyện kết thúc có hậu.

Cổ tích Phương Đông

Hà hất mái tóc dài ra phía sau, chủ yếu để nghiêng người khoe dáng. Cô mặc chiếc đầm mầu đỏ ôm sát người, dài đến mắt cá chân, hướng mắt nhìn người người tấp nập qua lại ngắm nghía hàng hóa tại sảnh của khu thương mại sang trọng ở trung tâm Singapore. Mấy hôm nay cái sảnh này được biến thành nơi bán đồ thủ công mỹ nghệ của nhiều nước nhằm góp quỹ từ thiện và tăng cường sinh họat cộng đồng.

Hà cười tươi mời chào khách xem hàng từ gian hàng Việt Nam của cô. Bạn bè thường nói cô có khuôn mặt của Angelina Jolie và nụ cười của Julia Robert, tòan minh tinh nặng ký của Hollywood. Hà nháy mắt cự lại, “Người ta bảo đàn bà miệng rộng tan hoang của nhà mà miệng Hà rộng thế lỡ tan vỡ gia đình thì sao. Mà Angie đi giựt chồng người ta không giống Hà”. Tụi bạn cười hắc hắc nói Hà chảnh vừa thôi.

Hà nói thực lòng. Cô có đủ thứ, kể cả phong cách ăn mặc và dáng người đẹp, khuôn mặt đẹp trời cho nên cô không cần giống ai nữa hết. Cô đi bán hàng mà vui như đi dự tiệc. Vậy nên cô chọn bộ đồ thiệt đẹp và trang điểm kỹ lưỡng, rồi cười nói rổn rảng suốt buổi.

Một đòan du khách Việt nam đi qua gian hàng của Hà, dẫn đầu là một anh hướng dẫn du lịch với cây cờ phất phất trên tay để làm dấu cho khỏi lạc. Kể ra ngôn ngữ cũng làm biến đổi sự tự tin của con người khi vất ta ra chốn xa lạ nói gì cũng không hiểu khiến ta cứ nhớn nhác bám lấy sợi dây duy nhất có thể giải cứu mình khỏi bất đồng giao tiếp.

Hà chào hỏi đám du khách như tìm cớ để được nói tiếng Việt rồi nói như thông cảm:
– Cô bác sang đây chơi chắc chẳng mua đồ Việt Nam làm gì. Xung quanh đây có nhiều đồ của các nước khác, cô bác ngó qua xem có mua được món nào không.

Đám khách ngó một hồi rồi kéo nhau sang hàng khác. Một anh vẫn tần ngần nấn ná như muốn chờ đứa con gái đang ngắm nghía các lọai hàng đủ màu sắc xung quanh. Hà đang lúi húi cúi xuống xắp xếp lại gian hàng, khi ngẩng lên nhận ra người quen vội reo lên:
– Ủa, anh Ba, anh đưa gia đình đi du lịch hả?
Ba lúng búng:
– Ờ…
Hà cười tươi rói hỏi thăm đủ thứ, xoa đầu đứa con gái nhỏ khen nó dễ thương. Cô dỗ nó:
– Con thích gì cô cho nhưng chỉ được một thứ thôi nha.
Con bé cũng chọn được một món và ôm chặt bằng một tay, tay kia nắm lấy tay bố.

Có tiếng í ới gọi bố con Ba để theo nhóm tiếp tục hành trình tham quan. Họ chỉ được nửa tiếng ở mỗi nơi. Ba dắt con chậm bước rời gian hàng. Hà nói với theo giòn tan:
– Anh Ba đi mạnh giỏi nha.

Thái độ thiếu tự nhiên của Ba khiến cặp mắt của mấy cô bạn xung quanh chứa đầy dấu hỏi. Hà quay qua nói ngay:
– Mối tình đầu của Hà đó. Hồi chia tay Hà đau khổ lắm nhưng giờ chỉ như gặp lại một người bạn cũ thôi.
Lũ bạn không khỏi phì cười liên tưởng cô gái đỏm dáng như ngôi sao Hollywood này với người đàn ông trẻ đi lẫn trong đám đàn bà con nít líu díu trong biển người đủ màu sắc trước mặt.

Cũng đã lâu rồi nhưng cũng chẳng xa xôi lắm…

*

Học xong lớp 12, con bé Hà cao kều khẳng khiu ước mong lên Sài Gòn học. Nó chỉ đỗ cao đẳng nhưng rắp tâm học lên được đại học. Cùng một cái túi đồ nhẹ hều, Hà đi xe đò lên Sài Gòn nhập học. Nó thích ngay môi trường mới này.

Một buổi chiều mấy tháng sau Hà cảm nhận rõ rằng, tiền ăn, tiền ở và tiền học vượt quá hòan cảnh eo hẹp của gia đình. Hà lang thang vẩn vơ quanh sân trường, mắt mở to nhìn khắp nơi, dường như làm vậy thì sẽ tìm được cách nào đó giải thóat mình khỏi khốn khó. Đầu Hà ong ong với câu hỏi, “Làm sao bây giờ, làm sao bây giờ?”. Cảm giác tủi chưa đến với nó, đơn giản là nó còn phải nghĩ xem tuần tới, tháng tới nó sẽ sống thế nào.

Hà dựa cột điện và nhìn vào bảng thông báo bên cạnh. Ở đấy chi chit quảng cáo dạy thêm. Nó ngao ngán nghĩ, “giá mình học giỏi để có thể đi dạy kèm thêm”. Mình làm được cái gì nhỉ, nó tự vấn. Nó chỉ có hai bàn tay khéo làm việc nhà và sức khỏe dẻo dai. Chả lẽ đi làm giúp việc nhà. Ừ nhỉ, tại sao không. Chỉ còn cách đó thôi nếu muốn ở lại Sài Gòn.

Có lẽ chỉ có Hà biết mình đi ở vì nó được ở nhà người chị họ xa và được đi học khi đã hòan tất công việc nội trợ. Chiếc xe đạp Hà vác trên vai lên xuống bốn tầng cầu thang sáng chiều có lẽ nhẹ hơn nhiều cái gánh nặng lo ăn ở. Hà lại cười tươi rói và nói chuyện lanh lảnh với bạn bè.

Mối tình học trò từ thị xã dưới miền Tây cũng theo Hà lên thành phố. Mối tình đẹp hay nền nếp gia giáo của gia đình đã khiến Hà miễn dịch với phong trào “đại gia, chân dài” khi Hà trổ mã và được bạn bè khuyến khích tham gia diễn thời trang kiếm cho đủ tiền học lên đại học? Hà chỉ lờ mờ biết rằng cái giá cho sự sa ngã là rất lớn. Cô chỉ dám tham gia diễn thời trang sinh viên thôi. Cô biết cám dỗ có thể thò tay ra từ bất cứ góc nào và sẽ túm chặt lấy mình nếu để nó chạm vào. Hà hớn hở khoan khóai đi diễn với háo hức về món tiền khiêm tốn sẽ nhận được để trang trải cuộc sống sinh viên ở cái thành phố sầm uất nầy. Diễn xong, cô vội vã thay đồ rồi hộc tốc đạp xe về nhà, vác chiếc xe đó lên căn hộ tầng bốn. Hà giải thích, phải thay đồ không mồ hôi ra hư hết đồ đi diễn.

Chàng Ba lúc nào cũng bên cạnh, si tình như chàng Romeo của Juliet. Có lẽ trên đời, gánh nặng tâm tư mới thực sự nặng.

*

Bố Hà bịnh rất nặng. Ông ra đi mà gia đình Hà chấp nhận như số phận đã sắp đặt như thế, chẳng hề hờn tủi, ”giá nhà mình có đủ tiền…”.

Má của Ba cũng đến dự đám tang. Bà đi lên đi xuống nhà trên nhà dưới nhìn trống huếch trống hóac vì chẳng có đồ gì đáng kể. Bà trầm ngâm ưu tư. Lúc ra về bà nắm tay Hà an ủi:
– Con ráng giữ sức khỏe. Đời còn khó khăn nhiều con ạ.
Hà quệt nước mắt nói ngẹn ngào:
– Dạ. Con cám ơn bác.
Bà ngoắc Ba ra về cùng. Số phận mối tình đầu đã được quyết định.
Ba nhận được chỉ thị của gia đình là nhà Hà nghèo quá, không môn đăng hậu đối với gia đình giàu có biết làm ăn của Ba. Hà biết chuyện bèn an ủi:
– Mình có hai bàn tay, có đầu óc. Ráng cùng nhau làm ăn rồi cũng sẽ khá thôi.
Ba thấy cũng có lý.

Gì chứ cái duyên số là chúa chơi khăm người ta. Ba bị thua nợ. Gia đình mừng húm vì có cớ để ép buộc Ba. Hà cố níu kéo:
– Em và anh sẽ cố làm để trả nợ này.
Ba thấy chông chênh quá. Một cô dâu khác đã sẵn sàng với món nợ được trả ngay sau cái gật đầu của Ba.

Hà như người đang từ từ tụt xuống vực mà chỉ nắm được một gốc cây trên miệng vực và nhìn thấy các rễ của gốc cây đó đang dần dần bị lôi lên trên mặt đất. Hà khóc nhiều, nhiều lắm. Cảm giác tủi cũng chưa đến vì Hà còn bận luyến tiếc bảy năm yêu và cái quyết tâm sống đời ở kiếp với nhau.
Mẹ nói với Hà:
– Con về thị xã sống với gia đình cho khuây khỏa đi con.
Hà nghe đâu đó câu nói xưa như trái đất, “người ta hay không phải không bao giờ vấp ngã mà hay khi biết đứng dậy sau
mỗi lần vấp ngã”. Thì đây, Hà chịu khổ mãi sao? Hà rắn rỏi:
– Ở Sài gòn mới có cơ hội kiếm tiền. Con về với mẹ thì nhà mình chẳng bao giờ hết khó khăn. Đã học xong rồi, chỉ còn việc làm nữa thôi mà.

Hà rất mê thời trang mặc dù cô học sư phạm. Hà lang thang không mỏi mệt qua các dãy phố có các hàng thời trang nối đuôi nhau. Cô thường tưởng tượng sẽ may mỗi kiểu thời trang với lọai vải nào mà cô nhìn thấy ngòai chợ. Cô say sưa ngắm các người đẹp đi qua với kiểu phục trang lạ. Cô không thể hình dung ra cuộc sống của mình thiếu vắng các tiệm thời trang.

Cái duyên với thời trang đã định vị Hà vào một trong những tiệm mà Hà đã lượn lờ qua hàng trăm lần để giờ đây hàng ngày Hà được ngắm và tìm hiểu về các kiểu quần áo, giày dép và túi xách. Thật là như cá gặp nước, như nắng hạn gặp mưa.

*

Rời văn phòng, Tuấn tắp đại vào một hàng thời trang trên đường Hai Bà Trưng để mua cái ví đầm cho bà chị mới đậu cao học. Các cô bạn ở công ty bảo anh cứ lên đó, mắc chút nhưng đảm bảo, lại được phục vụ tốt.

Tuấn thấy lòng mát rượi, thầm cám ơn các cô bạn đồng nghiệp khi nhìn thấy nụ cười tươi rói của Hà. Hà hỏi anh mua ví cho dịp nào và dự trù tiêu bao nhiêu, cô sẽ tư vẫn anh tối ưu. Cái giọng thánh thót hồn nhiên làm anh thấy tin cậy. Còn nụ cười của cô thì bắt chặt luôn ánh mắt của anh rồi.
Hà dí dỏm:
– Anh không khai đúng đối tượng em tư vấn sai anh ráng chịu nghe.
Tuấn chỉ cười. Anh tìm cớ nấn ná nói chuyện thêm để được nghe giọng nói trong veo của Hà. Cầm gói đồ được gói khéo léo anh hỏi:
– Chắc em là sinh viên đi làm thêm?
Hà cười dòn tan:
– Em nhìn trẻ dữ vậy sao? Em ra trường rồi. Đây là việc chính thức của em đó.
– Em cho anh số liên lạc để lúc cần hỏi ý kiến anh nhờ em được không?
– Được chứ, nghề của em mà. Anh giới thiệu bạn bè đến thêm nhá. Em không lấy mắc tụi anh đâu. Thiệt đó.
Tuấn vẫn có cảm giác Hà chỉ giống một cô sinh viên muốn tăng thu nhập và chỉ bán hàng tạm thời kiếm chút tiền xài thôi. Anh bỏ lại danh thiếp rồi ra về với cảm giác lâng lâng tràn ngập trong lòng.

Buổi đi uống cà phê được sắp xếp nhanh chóng sau bữa đó. Tuấn đón Hà vào một chiều thứ bảy và hỏi ngay khi nhìn thấy Hà:
– Em muốn đi đâu bây giờ?
– Em không biết đâu. Anh dân Sài Gòn phải biết hơn em chứ. Em dễ lắm.
Hà hồn nhiên quá, mỏng manh quá, mà cũng tự tin quá. Anh đưa Hà vào quán gần Nhà Văn hóa Thanh niên. Anh muốn khẳng định, trong mắt anh Hà vẫn là cô sinh viên đi làm thêm thôi. Anh linh cảm một chân trời lãng mạn bình yên đang vẫy tay phía trước.

Tuấn nhấp môi uống từ từ ly cà phê và lắng nghe Hà nói chuyện. Hà say sưa nói về tình yêu thời trang của cô và ước muốn có cửa hàng thời trang của riêng mình. Hà coi việc đi dạy cấp ba và việc đứng bán hàng thời trang chỉ khác nhau là cô thích bán hàng hơn. Có khập khiễng không nhỉ, anh thích thú tự hỏi và cũng thích thú nhận ra mình rất thích triết lý “kiểu Hà”.

Đã lâu rồi, mà có lẽ chưa bao giờ Tuấn gặp người con gái đẹp mà lại hồn nhiên, chân thật và dễ hiểu như Hà. Một luồng gió mát lịm thổi qua tâm can Tuấn. Các cô bạn khó hiểu khó chiều bỗng biến mất khỏi đầu anh và chỉ nhường chỗ cho Hà.

*

Cú ngã ở mối tình đầu không làm Hà mất niềm tin. Cô cũng không khát tiền để trả thù. Cô hiểu rõ tiền là con dao hai lưỡi nên luôn chọn cho mình hướng đứng tránh đầu dao để khỏi bị dao đâm. Cô cũng chứng kiến nhiều cảnh đại gia đưa bồ đi mua sắm đưa tiền không cần đếm. Dường như trong người cô có sẵn chất đề kháng cho bệnh ham tiền mu muội. Cô dửng dưng nhìn người ta mua sắm, chỉ biết tận tình tư vấn để bán được nhiều hàng nhằm lấy lòng tin của chủ. Và cô hoan hỷ khi nhận được tiền lương hay thưởng đủ để sắm cho mình bộ đồ vừa ý mà lại rẻ. Cứ thế đời trôi đi êm ả sau những ngày ôm gối khóc than cho mối tình bảy năm tan vỡ trong ngắn ngủi. Vả chăng cô thấy đời cũng trả giá khi được tin cô vợ môn đăng hậu đối của Ba cũng chê mà bỏ Ba.

Hà chưa dám nhận lời yêu Tuấn vì cô muốn chắc chắn. Cô sợ bị phản bội, sợ lắm. Cô cũng không nghĩ Ba phản mình mà chỉ vì má anh ép uổng quá đáng. Có lẽ nghĩ vậy mà cô vẫn còn lòng tin.

Hà đã thu xếp cho mình có được vài bộ đồ “củ”, mua được lúc hạ giá từ gía gốc. Cô hân hoan muốn trưng ra với bạn trai mới. Nhìn phong cách sành điệu của Hà, Tuấn tự nhủ phải đưa Hà vào mấy chỗ sang trọng trong mấy tòa nhà hiện đại ở trung tâm Sài Gòn. Để lấy le với đám thanh niên đồng lứa, cũng để Hà thấy mình được yêu chiều như thế nào. Họ còn trẻ mà, đâu thể sống khác các bạn trẻ khác được.
Khi Tuấn đưa Hà vô Sài Gòn Tower cho cô thưởng thức cà phê kiểu Ý, cô lần chần hỏi:
– Lương anh được bao nhiêu mà đưa em vô mấy chỗ mắc tiền vậy?
Anh nháy mắt đùa đùa:
– Ờ, thì cũng chỉ thỉnh thỏang mới vô thì cũng chịu được.

Hôm ấy, Hà kể chuyện mình cho Tuấn nghe. Cô cho biết nhà mình nghèo và cô trọng tình cảm hơn hết. Cô tự trọng và tự lập, không muốn lạm dụng ai. Tuấn chợt tưởng tượng ra một buổi sáng sớm chạy bộ ngòai công viên, anh vô tình nhặt được chuỗi kim cương một quí cô nào đó làm rơi khi mải hôn say đắm người yêu vào đêm hôm trước. Anh mỉm cười nhớ đến bài học đạo đức hồi còn nhỏ, “nhặt được của rơi, đem trả người đánh mất”. Nhưng anh lại tự lý luận, người chủ đâu biết mình mất của ở đâu mà tìm và mình thì lại càng chẳng biết ai đã đánh mất nó để trả. Chỉ biết ta cứ phải giữ chặt trong tay của báu này.

Tuấn vượt thử thách quá dễ dàng. Từ tình bạn qua tình yêu chỉ là bản van du dương êm ái.

Tuấn không phải công tử nhà giàu nhưng anh giàu kiến thức và nghị lực đủ để có công việc sang trọng, thu nhập cao. Anh có thể đưa Hà đi chơi khắp nơi trên thế giới.

Hà bước vào cuộc sống mới nhẹ nhàng, thuần thục như cô vốn sinh ra từ thế giới đó. Cô cũng mang vào đó những thói quen cũ như chúng vốn tồn tại ở thế giới đó từ lâu rồi. Cũng như khi người ta thêm một từ hiện đại vào bộ tự điển lâu đời ấy, chỉ cần nó hội tụ những điều kiện cần và đủ để được coi là một từ mới có ý nghĩa.

Cơn khát thời trang của Hà cũng được một trường thời trang ở Ý thỏa mãn. Một cửa hàng thời trang như ước muốn thủa nào được Hà tô vẽ, tính tóan với cái mỉm cười bao dung của Tuấn.
Tuấn luôn phì cười khi Hà so sánh một ly cà phê ở Paris bằng mấy chục tô phở ở thị xã nhà cô. Tuấn bảo:
– Em sẽ có cả cà phê lẫn phở, cứ thưởng thức cà phê đi.
Hà cười hồn nhiên:
– Em chỉ so sánh thôi mà.

Thực ra với Tuấn, một bàn tay khéo léo đảm đang việc nhà cùng hai đứa con tình cảm dễ thương đủ để anh đưa hết tiền lương cho vợ mà vẫn thấy chưa đủ. Anh lấy làm hãnh diện nhìn Hà chẳng khác gì các minh tinh màn bạc mà anh vẫn từng chiêm ngưỡng mỗi khi cô đi dự tiệc cùng anh.

Hà vẫn thường nói đùa, “chuyện của em như câu chuyện cổ tích ấy”.
Ai cũng biết truyện cổ tích phương Đông thường kết thúc có hậu.

Tháng Hai 17, 2013 - Posted by | Tản văn

1 bình luận »

  1. >”Ai cũng biết truyện cổ tích phương Đông thường kết thúc có hậu”
    Có thế thì các quí bà quí cô mới đọc chứ ! Để ai cũng mong một kết thúc có hậu như thế cho mình. 🙂

    Bình luận bởi phuongnguyentm | Tháng Hai 23, 2013 | Trả lời


Bình luận về bài viết này