Lớp A0 – Khóa 9

They came, they saw and they ….

Hiệp sỹ – Nàng là ai?


Nhân ngày 8/3 xin gửi đến các bạn bài viết tuy cũ nhưng luôn mới với tất cả chúng ta. Khi nào có thời gian xin tặng một bài khác dài hơn về các bạn gái của tôi.

Hiệp sỹ – Nàng là ai?

Buổi nhập trường là buổi khám sức khỏe tổng thể.

Khen ai khéo sắp xếp thật khoa học. Các sinh viên được gọi tên theo vần nên cứ theo vần mà xếp hàng. Tuần tự từ phòng này qua phòng khác. Bởi thế mà khỏang sáu bảy trăm em tuổi mười tám đôi mươi tụ tập ở sân trường không nháo nhào như cái chợ vỡ.

Đứng trước tôi mấy hàng là một cậu khổng lồ. Khi cậu ta bước lên cân, đám con trai đứng quanh vỗ tay ầm ỹ, “Cố lên! Cố lên!”. Vừa đẹp, 100 kg!

Đến lượt tôi bước lên cân, quả cân chúc hẳn xuống! Có 36 kg. Sau này bọn bạn bảo, “Mi nhẹ nhất trường!”

Hôm đó thấy bọn con trai trong trường kéo theo cậu khổng lồ cười đùa rất vui vẻ. Bọn lớp tôi cũng bàn tán về nhân vật bất thường đó và được biết cậu có tên mới là Ông Địa, ngòai chuyện trông cậu giống ông Địa, giống đến cả kiểu cười ra cậu còn học khoa Địa chất.

Khoa Địa chất nằm trên Thủ Đức, còn chúng tôi học ở Sài gòn nên tôi chỉ gặp lại Ông Địa vào dịp học quân sự tòan trường.

*

Năm thứ 2, ngẫu nhiên mà Ông Địa được phân công áp tải tôi trong buổi thi bắn đạn thật (chứng tỏ cậu đã đạt thành tích giỏi trong đợt học quân sự đó, được chọn đi thi bắn trước và được kèm các học sinh khác thi bắn chính thức ). Đấy là bài thi bắn bia di động, vừa chạy vừa bắn 6 phát vào cái bia di chuyển trong cái hào ở đằng xa phía trước mặt. Tôi sợ lắm, lần bắn đạn thật năm trước tôi vẫn còn nhớ cảm giác ghê người khi báng súng trường thúc vào vai, mãi mới cắn răng bắn tiếp cho hết 3 viên (thế nhưng vẫn đạt 3 điểm 9!).

Lần này tôi vừa chạy vừa run, chân cứ khụyu xuống. Khẩu AK trên tay run bần bật, cứ chúc xuống đất, không nhắc lên nổi. Ông Địa chạy vòng quanh tôi đầy bối rối. Sau đó cậu cố nặn ra những câu động viên, “ráng đi, chút xíu là xong thôi hà”. Cậu ta lặp đi lặp lại, “ráng chút xíu nữa nha,…”. Dù sợ, tôi cũng ngạc nhiên vì giọng nói ngọt ngào khác thường, trái ngược hẳn với vóc dáng đồ sộ của Ông Địa. Rốt cuộc, tôi cũng nhắm mắt bắn hết 6 viên và trúng 5, đạt điểm giỏi.

Rời trường bắn, tôi quên ngay cảm giác sợ hãi. Bọn tôi nháo nhác tìm bạn và chúi vào nhau tán dóc. Bất cứ chuyện gì cũng được kể đến chi tiết nhỏ và tìm được lý do để cười. Trên chuyến xe bus đưa bọn tôi từ trường bắn về lại ký túc xá, đám sinh viên nói chuyện như chợ vỡ. Bỗng một cậu lớp tôi oang oang, “Ê, tụi bây biết hôm nay Ông Địa kèm nhỏ nào lớp mình ở trường bắn không?”. Cả bọn quay nhìn tôi cười hắc hắc. Bức tranh người khổng lồ và cô tí hon cũng đủ gợi hài hước cho đám sinh viên vui nhộn này. Tôi vui vẻ kể cho đám con gái ngồi cạnh Ông Địa đã an ủi tôi như thể nào. Một cô lên giọng triết lý, “đàn ông thường có máu hiệp sỹ, khi cần là thể hiện”.

*

Về đến ký túc xá, việc đầu tiên là tắm rửa để đi ăn cơm. Tôi bận chút việc nên đi sau các bạn. Bọn nó đã tắm xong và đi nhận phần cơm trước.

Thật là tai hại khi ta cô đơn giữa đám xếp hàng dài bất tận. Các cô văn khoa đang chiếm lĩnh mặt trận, đẩy tôi lùi dần đến cuối hàng. Mà các cô xinh xắn điệu đà này tắm rất kỹ. Tình hình này chắc đến mùa quýt mới đến lượt tôi.

Bỗng một cô xăm xăm đi tới trước mặt, nắm tay tôi kéo đi tuồn tuột. Tôi líu díu đi theo cô và nghe cô oang oang, “Bồ theo tôi. Bồ cứ đi theo tôi. Bồ còn đứng đây đến bao giờ!” (các cô gái Sài gòn gọi bạn gái là bồ). Đến trước cửa buồng tắm, cô gái dúi tôi vào trong và bảo, “Để cho nhỏ này tắm trước. Nó đứng đây cả tiếng rồi”. Các cô gái xinh đẹp lúc trước đành hanh thế mà lúc này im như thóc, có lẽ vì sững sờ chưa hiểu chuyện gì mới xảy ra. Lúc hòan hồn thì tôi đã ở bên trong và nghe láo nháo bên ngòai. Không hiểu có cãi nhau gì vì tôi không.

Khi bước ra, tôi không thấy cô gái kia nữa. Và tôi không còn biết cô là ai trong hàng trăm nữ sinh ở khu ký túc xá đó. Tuổi vô tư, tôi cũng không băn khoăn tìm kiếm cô nhưng vẫn ghi lòng câu chuyện nhỏ này.

Tối hôm đó, sau bữa ăn, chúng tôi có cuộc họp các nữ sinh của dãy nhà. Tôi đến muộn nên không còn nghế và đứng tựa tường. Một cô gái cắt tóc “con trai” đứng ngay dậy, kéo nghế mời tôi, dáng rất ga lăng và nói ân cần, “Bồ ngồi xuống đây đi. Tui đứng được”. Tôi ngạc nhiên vì cái giọng êm ái rất nữ tính của cô. Nếu không ta có thể đóan già đóan non cô là “ngược tính”.
Hai cô gái xa lạ tôi không gặp lại lần nào nữa. Không ai bình phẩm “máu hiệp sỹ” của các cô. Nhưng rõ ràng trong ngày hôm đó, tôi đã gặp tới ba hiệp sỹ.

*

Người ta thường gọi “chàng hiệp sỹ”. Cái cụm từ “nàng hiệp sỹ” không có trong tự điển. Nhưng trong đời, tôi nhiều lần phải phân vân: Hiệp sỹ, nàng là ai?

Các chàng hiệp sỹ tôi cũng gặp rất nhiều. Nhưng gặp nhiều hơn trong đời lại là các nàng hiệp sỹ. Tôi được các nàng bao bọc quyết liệt, chăm sóc ân cần và đối xử ưu ái. Tôi sung sướng nép bóng các nàng. Tôi tin cậy các nàng hơn vì có ai hiểu mình hơn bạn gái. Thương cho những ai không có được sự bảo vệ của họ.

Chân dung các Nữ hiệp sỹ của tôi? Phong phú lắm: từ xấu đến xinh đẹp, từ đanh đá đến hiền dịu, từ trình độ cao đến thấp học, từ khéo đến vụng. Chỉ cần họ có tấm lòng là có thể thành hiệp sỹ. Thời nay đến nam hiệp sỹ cũng không cưỡi ngựa tuốt gươm nữa rồi.

Một cô gái đanh đá ư? Cô có thể là một hiệp sỹ tiềm năng. Đanh đá chỉ xấu khi đi kèm ích kỷ, nhỏ nhen, thủ đọan thôi. Nên nhiều cô vẫn được yêu và có hạnh phúc. Tôi đây cũng yêu họ lắm khi họ đanh đá để giúp người.

Hiệp sỹ – nàng là ai? Là sứ giả của lẽ phải dưới bộ mặt mà ta có thể gặp bất cứ đâu trong đời.

Tháng Ba 8, 2013 - Posted by | Tản văn

1 bình luận »

  1. Chào C.Sa! Nhân Ngày của chị em, tán chiện tếu táo cho vui thui nhé!
    Theo tớ, khái niệm “hiệp sĩ” xuất phát từ Âu châu thời Thập tự chinh và kết thúc ở cái “Cối xay gió” của Cervantes.
    Ở Á đông ta, cái việc “Hành hiệp trượng nghĩa” theo như Kim Dung thì đâu có phân biệt giới tính? Trong đám đông các hiệp khách có cả các “Nữ hiệp mặt hoa da phấn” sánh vai cùng các “Đại hiệp râu hùm hàm én” đấy thôi! 😀
    Phải chăng khi làm cùng một “việc nghĩa” như nhau, hầu hết các “Đại hiệp” kiểu như Ông Địa kia sẽ mất ít công sức hơn so với các “đồng nghiệp chân yếu tay mềm” , cho nên hành vi “trượng nghĩa” của họ có bị giảm giá trị đi đôi chút?
    Đã thành ước lệ, phàm là “Đại nghĩa” thì phải vô tư và cấm được kể công!
    Lỡ có gặp hoạn nạn mà được ai đó ra tay giúp thì quá may rùi, cần gì phân biệt giới tính của “hiệp khách”!
    Tuy vậy, nếu xui xẻo, gặp phải một “nữ hiệp” hơi “đanh đá” thì nạn nhân khi định cám ơn còn bị mắng xơi xơi và câu chuyện “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” sẽ được “buôn dưa lê” trong khắp xóm! Đúng là họa vô đơn chí! 😀 😀 😀

    Bình luận bởi V. Thành | Tháng Ba 9, 2013 | Trả lời


Bình luận về bài viết này