Lớp A0 – Khóa 9

They came, they saw and they ….

Còn gặp nhau…

Lời giới thiệu: Bạn Lê Diệu Ánh trước học ở Kishinev có gửi cho chúng tôi bài giới thiệu của GS Trần Văn Khê về nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương và bài thơ “Còn gặp nhau…” của thi sĩ này. Bài thơ rất hợp với suy nghĩ của đa số bọn mình, phải không?

Đọc thơ Tôn Nữ Hỷ Khương

Từ xưa đến nay có muôn ngàn câu thơ lưu luyến qua bao thế hệ. Nhưng có những câu thơ mà cứ đọc lên ai cũng cảm thấy lòng mình rung động, xao xuyến, êm ái, nhẹ nhàng, nghe rồi nhớ mãi không quên, vì thơ đã đi thẳng, đi sâu vào lòng người. Đó là trường hợp của thơ Tôn Nữ Hỷ Khương.
Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã nói lên được bằng vần điệu những tâm tư thầm kín của mọi người, cũng đã cho thấy rõ con người của tác giả, là luôn coi trọng chữ Tâm:
“Sống trên đời gắng giữ trọn chữ Tâm, Và nhất niệm báo ân – đừng báo oán”
Và cả đời đã sống vì tình, một thứ Tình Người rộng rãi bao la:
“Trước sau chỉ một chút tình, Thiết tha, trân trọng để dành cho nhau.”
Khi vui luôn có nhau trong tình tri kỷ. Lúc buồn cũng có nhau trong tình tương ái tương thân, nói với nhau những lời yêu thương dịu ngọt, cho nhau những nụ cười, những niềm vui, những ngọt bùi, để khi theo quy luật tự nhiên, luật vô thường, mọi vật đều có thể mất đi, thì “chỉ có Tình Thương để lại đời!”.
Trong thi phẩm của Tôn Nữ Hỷ Khương tôi tin rằng những bài thơ này sẽ lưu lại trong lòng mọi người nay và cả mai sau.

GS Trần Văn Khê


***


Còn gặp nhau…
 

Tôn Nữ Hỷ Khương

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi,
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời.

Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
Tình người muôn thuở vẫn còn vương,
Chắt chiu một chút tình thương ấy
Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.

Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi
Bao nhiêu thú vị ở trên đời,
Vui chơi trong ý tình cao nhã
Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời.

Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi
Cho hương thêm ngát, đời thêm vị
Cho đẹp lòng tất cả mọi người.

Còn gặp nhau thì hãy cứ chào
Giữa miền đất rộng với trời cao,
Vui câu nhân nghĩa, tròn sau trước
Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau.

Còn gặp nhau thì hãy cứ say
Say tình, say nghĩa bấy lâu nay
Say thơ, say nhạc, say bè bạn
Quên cả không gian lẫn tháng ngày.

Còn gặp nhau thì hãy cứ đi
Đi tìm chân lý – lẽ huyền vi
An nhiên tự tại – lòng thanh thản
Đời sống tâm linh thật diệu kỳ.

 

Tháng Năm 28, 2011 Posted by | Tổng hợp, Tản văn | 1 bình luận

Sau cơn mưa trời lại sáng

Lời BBT: Một bạn đọc ẩn danh tự nhận đã theo dõi Blog ta từ lâu, nay mới có dịp thể hiện tình cảm của mình qua những vần thơ mộc mạc nhưng bám rất sát các sự kiện đã diễn ra trên Blog. Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu với các bạn đọc bài viết mới nhất của tác giả “Hoa Sim”. 

SAU CƠN MƯA TRỜI LẠI SÁNG

Diễn đàn mới qua tuổi thôi nôi

Chập chững chung tay tạo sân chơi

Niềm vui, nỗi buồn cùng chia sẻ

Cùng suy, cùng ngẫm cái sự đời.

                           *

                       *       *

Diễn đàn đầu năm vui rộn ràng

Bao đôi được “sóp” quá mơ màng

Nam Mai, Bá Văn nhẩy tuyệt đẹp

Châu Sa – Khắc Quẩy lại rất sang.

                           *

                       *      *

Sáng kiến chàng Phó tổng họ Tô

Đề nghị trao giải “Còm” – Văn – Thơ

Anh Tổng trổ tài – nhà tổ chức

“Thần tượng” bầu bán rất “pờ rồ”.

                            *

                        *       *

Thế rồi lễ trao giải cuộc thi

Giải nào cũng có kẻ nhất, nhì

Nhất “nhòm” đồng hạng – vô thiên lủng

Anh Tổng quá “khiêm” chẳng giải gì.

                          *

                       *     *

Ngày Xuân Tân Mão rộn tiếng thơ

Bàn về câu đối hay quá cơ

Các tên “Sa”, “Thành” và “Thiên Kính”

Ghép ra câu đối hay bất ngờ.

                         *

                     *      *

Nổi hứng anh Tổng mở hội Tao

Đàn người tứ xứ liền xôn xao

“Còm” vào Diễn đàn nhiều như nấm

Nấm dại chẳng cho nấm thơm vào.

                          *

                      *      *

Bỗng mây đen phủ Diễn đàn ta

Cỏ dại tràn lan khắp vườn nhà

Dọn vườn – Văn Thành vì đại nghĩa

Vén mây để trời lại sáng ra.

                       *

                    *     *

Anh Tổng khéo khéo rủ Châu Sa

Nhuộm đỏ Diễn đàn bằng sắc hoa

Ty gôn trông dáng như tim vỡ

Tan vỡ luôn cả mối tình xa.

                     *

                 *      *

Lại mời bạn thăm Diễn đàn tôi

Cùng nhau dựng lại cái sân chơi

Chớp giật, mưa giông nay đã tạnh

Sau mưa trời lại sáng lên rồi.

Hoa Sim, tháng 5/2011.

Tháng Năm 22, 2011 Posted by | Tổng hợp, Tản văn | | 8 bình luận

Ivan Kramskoi

Chân dung tự họa của Ivan Kramskoi, 1867.

Ivan Nikolaevich Kramskoi (8/6/1837 – 6/4/1887) là một họa sĩ và nhà phê bình nghệ thuật Nga. Ông là lãnh tụ uyên bác của Trào lưu nghệ thuật dân chủ Nga giai đoạn 1860-1880.

Cuộc đời

Kramskoi xuất thân từ một gia đình thư lại nhỏ tại thành phố Ostrogozsk, tỉnh Voronhezh. Từ 1857 tới 1863 ông theo học tại Viện Hàn lâm Nghệ thuật St. Petersburg. Ông đã phản đối nền nghệ thuật hàn lâm và là người khởi xướng cho sự kiện có tên gọi “Cuộc phản loạn của 14 người”, kết thúc bằng quyết định trục xuất một nhóm sinh viên tốt nghiệp ra khỏi Viện Hàn lâm vì họ đã phản đối vẽ tranh theo yêu cầu của đề thi. Những người này đã tổ chức ra Hiệp hội Họa sĩ St-Peterburg (“Артель художников”).

Tư tưởng nghệ thuật

Chịu ảnh hưởng bởi ý tưởng của các nhà dân chủ cách mạng Nga, Kramskoi đã khẳng định trách nhiệm cao cả của người nghệ sĩ đối với công chúng, các nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực, cùng thực chất đạo đức và tính dân tộc của nghệ thuật.. Ông đã trở thành một trong những nhà sáng lập và nhà tư tưởng chính của Công ty Triển lãm Nghệ thuật Lưu động. Trong những năm 1863–1868, Ông dạy học tại trường vẽ dành cho tầng lớp thượng lưu để quảng bá cho các nghệ thuật ứng dụng. Ông đã lập nên phòng tranh trưng bày chân dung của các nhà văn, nhà khoa học, nghệ sĩ và các nhân vật nổi tiếng quan trọng của Nga (Lev Nikolaevich Tolstoy, 1873, Ivan Shishkin, 1873, Pavel Mikhailovich Tretyakov, 1876, Mikhail Saltykov-Shchedrin, 1879, Sergei Botkin, 1880), trong đó sự giản dị truyền cảm của bố cục và sự rõ ràng của họa thuật làm nổi bật các yếu tố tâm lý sâu sắc của nhân vật. Các hình mẫu dân chủ lý tưởng của Kramskoi đã có được sự thể hiện sáng ngời nhất của mình trong những bức chân dung ông vẽ những người nông dân. Những tác phẩm này đã mô tả sinh động sự phong phú của các chi tiết tính cách trong các đại diện cho những con người bình thường.

Tác phẩm tiêu biểu

 Trong một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của Kramskoi, Đức Chúa Jesu trên sa mạc (1872, Bảo tàng nghệ thuật Tretyakov), ông đã tiếp tục truyền thống nhân văn của Alexander Ivanov bằng cách xử lý một chủ đề tôn giáo dưới dạng đạo đức-tâm lý. Ông đã thấm đẫm hình ảnh Đức Christ của mình bằng các kỹ năng đầy ấn tượng trong sự thể hiện tâm lý và sinh động sâu sắc, gợi nên mẫu mực lý tưởng về sự tự hy sinh anh hùng Chúa.

Đức Chúa Jesu trên sa mạc, 1872

Cùng với khao khát mở rộng tính diễn cảm mang ý thức hệ cho các hình ảnh của mình thể hiện, Kramskoi đã sáng tạo ra nền nghệ thuật tồn tại trên đỉnh cao của hội họa chân dung và mô tả cảnh sinh hoạt đời thường (“Nekrasov trong giai đoạn ‘Những bài hát cuối cùng,'” 1877–78; “Người đàn bà xa lạ” 1883; “Nỗi buồn khôn nguôi” 1884; tất cả đều được trưng bày tại Phòng trưng bày nghệ thuật Tretyakov). Những bức họa này lột tả sự phức tạp của các nhân vật cùng với những tình cảm chân thành, tính cách và số phận của họ. Khuynh hướng dân chủ trong nghệ thuật của Kramskoi, các phê phán sắc bén của Ông về nó, và sự tìm kiếm bền bỉ các tiêu chí khách quan chung của Ông cho việc đánh giá nghệ thuật đã gây một ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển của nền nghệ thuật và thẩm mỹ dân chủ tại Nga trong 1/3 sau cùng của thế kỷ 19.

“Người đàn bà xa lạ” 

 “Người đàn bà xa lạ”, 1883

 Có lẽ đây là tác phẩm ấn tượng nhất của  Ivan Kramskoi đối với nhiều người Việt nam. Từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, những bản sao, hoặc ảnh chụp của “Người đàn bà xa lạ” được treo ở nơi trang trọng nhất của các gia đình Hà nội có người thân đã từng du học ở nước Nga. Hình như đằng sau vẻ mặt kiêu sa, đài các với ánh mắt hững hờ của cô tiểu thư kia vẫn ẩn dấu vài nét hoang dã, hồn nhiên và táo bạo của một cô thôn nữ vùng ngoại Kavkaz, do số phận run rủi mà phải cố hòa đồng với cuộc sống thành thị xa lạ! Tự nhiên có sự liên tưởng đến người đẹp Bella trong tác phẩm “Anh hùng thời đại” của thi hào Nga Mikhail Yuryevich Lermontov !

 

Bác sĩ Rauhphus – Chân dung vẽ dở , 1887   

Ivan Kramskoi mất ngày 6 tháng 4 năm 1887 trong khi đang vẽ chân dung của Bác sĩ Rauhphus  với cây cọ vẽ vẫn trên tay. Các tác phẩm của Ông là hiện thân cho những ý tưởng đạo đức và xã hội cao cả của thời đại mình. Đối với Ông, chân lý và vẻ đẹp nghệ thuật, các giá trị đạo đức và thẩm mỹ là không thể tách rời. Các tác phẩm của Ông có ảnh hưởng to lớn lên ý thức hệ của những người đương thời với Ông. Cho tới ngày nay chúng vẫn làm người ta xúc động, vì quan điểm của người nghệ sĩ đối với cuộc sống được dựa trên tình yêu và lòng tôn trọng con người, trên chính niềm tin của Ông vào chân lý và lẽ công bằng.

(Tổng hợp từ nhiều nguồn) 

Băng Tâm, tháng 5, 2011 

Tháng Năm 22, 2011 Posted by | Danh nhân | | 37 bình luận

Hãy bỏ phiếu cho Phạm Xuân Nguyên!

Các quí vị bạn đọc Blog A0K9 thân mến!

Ngày mai, 22/5/2011 cả nước đi bầu! Tôi kêu gọi các quí vị đang ở Hà nội, tại các quận Hai Bà Trưng, Ba đình, Đống đa, hãy bớt chút thời gian, rẽ qua khu vực bỏ phiếu để bầu cho bác Phạm Xuân Nguyên, ứng cử viên Đại biểu Hội đồng nhân dân Tp Hà nội!

Bản thân tôi không hề quen biết thậm chí chưa gặp mặt bác í lần nào!

Tôi chỉ được biết bác Nguyên là nhà phê bình văn học, dịch giả hiện đang công tác tại Viện Văn học.  Hình như vừa rồi, bác Nguyên được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Tp Hà nội.

Trên blog cá nhân, bác Nguyên có “treo” khẩu hiệu:

Viện Văn có một Phạm Xuân

Nguyên là cán bộ cử nhân phê bình…

Có dạo, tôi tính cờ vào Viện Văn chơi. Ở đấy toàn các “cây đa, cây đề” của nền Văn học Việt nam ta!  Tôi dạo qua một vòng và được mọi người giới thiệu thế này: nếu muốn hỏi về công tác tổ chức, tình hình nhân sự của Viện Văn thì tốt nhất ra hỏi bà bán nước chè ở ngoài cổng. Thế còn các công tác chuyên môn, nghiên cứu, phê bình, định hướng phát triển ,… thì hỏi “gã đầu bạc” Phạm Xuân Nguyên là ổn! Nghe nói, ở Viện Văn, giữa một rừng toàn các GS, TS chỉ có 2 người chưa có học vị TS là bác Nguyên và bà bán nước kia!

Lướt qua vài trang mạng, tôi thấy bác Nguyên có “cương lĩnh” vận động tranh cử khá độc đáo với khẩu hiệu :” Tôi muốn làm miệng & tai” !

Chưa biết bác í có làm được  không, cứ thấy nói được như vậy là hay lắm rồi!

Còn khối các ông nghị, bà nghị không nói được và cũng không làm được gì!

Mời các vị xem chi tiết tại đây.

Tuy chưa quen biết, nhưng bác Nguyên với cá nhân tôi và Blog này cũng có đôi chút “ân oán”! Số là có bài thơ dịch “Hãy về với em trong mơ” của dịch giả Ngân Xuyên theo nguyên tác của nữ thi sĩ Olga Berggoltz đã được đăng trong Blog này. Tôi đã  có vài lời  thiếu công bằng khi  phê phán dịch giả.  May là được bạn đọc nhắc nhở nên tôi đã kịp thời xin lỗi dịch giả Ngân Xuyên trên blog. Sau này, tôi mới được biết Ngân Xuyên là một bút danh của bác Phạm Xuân Nguyên.

Vậy thì nhân dịp bầu cử này, tôi xin ủng hộ thêm cho bác Nguyên một phiếu!

Các quí vị thấy có nên ủng hộ bác Phạm Xuân Nguyên không?

Nguyễn Văn Thành

Tháng Năm 21, 2011 Posted by | Tổng hợp, Tản văn | 3 bình luận

Tôi làm hết sức mình để “giải độc cho thế hệ trẻ”– Nguyễn Trần Bạt

Lời dẫn“Tuần sau, cả nước đi bầu… Tén ten tèn ten…”. Sự kiện lớn trong đời sống xã hội là dịp để mỗi người suy ngẫm về trách nhiệm công dân. Với thế hệ chúng ta, có một việc quan trọng và ý nghĩa nữa là làm sao để thế hệ trẻ của đất nước sáng suốt và mạnh mẽ hơn cha anh với trách nhiệm công dân của mình. Cũng nhân bài viết của Châu Sa về bầu cử tại Singapore, xin trân trọng giới thiệu với các bạn nội dung Tọa đàm giữa ông Nguyễn Trần Bạt và các cán bộ nghiên cứu  Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (Ngày 22/11/2008) về nhiều vấn đề liên quan tới tư duy và phát triển. Kết nối với một số thảo luận, tranh luận trước đây trên blog của lớp ta, tiêu đề cho bài này được chọn không trực tiếp nằm trong nội dung, mà là quan điểm của Tác giả khi viết sách, viết báo về các vấn đề xã hội. Tôi đã thử tìm cách rút gọn nội dung tọa đàm để phù hợp với khuôn khổ của Blog, nhưng các nội dung đề cập rất phong phú với cách tiếp cận của Tác giả rất mạnh mẽ, trực diện, rất mở cho suy ngẫm nên tôi quyết định giữ nguyên, chỉ trích ra để “highlight” một số câu tâm đắc. Thông tin về cá nhân  và các bài viết khác của Tác giả Nguyễn Trần Bạt có thể xem ở đây – TBV

Ông Phạm Ngọc Quang: Tôi xin giới thiệu anh Nguyễn Trần Bạt, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao công nghệ (INVEST CONSULT). Hiện nay, công ty anh Bạt có khoảng 300 nhân viên làm việc ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Công ty đã làm việc với rất nhiều dự án nước ngoài như Coca-Cola, IBM… Anh Bạt đã từng tiếp hàng nghìn người nước ngoài và là một người am hiểu nhiều vấn đề. Anh Bạt cũng đã đi rất nhiều nước, đến nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới thuyết trình và đã từng gặp gỡ, trao đổi với Tiến sĩ Henry Kissinger.

Tôi cũng xin giới thiệu với anh Bạt về thành phần đoàn của chúng tôi gồm:

–          Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương.

–          Phó giáo sư, Tiến sĩ Đàm Đức Vượng, Nguyên Chánh văn phòng Hội đồng Lý luận Trung ương.

–          Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Quang, Thường trực chuyên trách Hội đồng khoa học, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

–          Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoà, Vụ trưởng, Ban Tuyên giáo Trung ương.

–          Thạc sĩ Lê Đức Thắng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương.

–          Cử nhân Hoàng Thị Minh Ngọc.

Trong buổi làm việc hôm nay, chúng tôi đề nghị anh Bạt trao đổi về 2 vấn đề nhưng thực ra chỉ là một, đó là vấn đề dân chủ, đồng thuận, đoàn kết đối với doanh nhân và trí thức, bởi vì doanh nhân là một đặc thù trí thức. Làm thế nào để phát huy dân chủ, đoàn kết, đồng thuận xã hội đối với đội ngũ doanh nhân, làm thế nào sử dụng tốt đội ngũ doanh nhân để giải phóng khả năng phát triển và sáng tạo của họ, và trọng dụng doanh nhân như thế nào là hợp lý để phát huy sức mạnh của doanh nhân.

“Truyền hình trực tiếp (các Bộ trưởng trả lời chất vấn của Quốc hội) … là thông báo sự non kém của nội các với toàn thế giới”

Ông Nguyễn Trần Bạt: Thực ra, tôi không có bất kỳ một bài thuyết trình nào cụ thể về vấn đề này, nhưng tôi đã nghiên cứu gần như tất cả những vấn đề có liên quan đến khả năng sáng tạo và cảm hứng của sự sáng tạo trong đời sống nói chung. Tôi chưa nói đến đời sống trí thức vì tôi không đồng ý với khái niệm gọi là tầng lớp trí thức, tôi cho rằng trí thức có mặt trong mọi hoạt động, mọi hành vi hàng ngày của con người. Trước đây, khi anh Trần Hoàn còn là Phó ban Văn hoá Tư tưởng Trung ương, trong một buổi giao lưu với các nhà báo có sự tham gia của anh ấy, tôi có nói rằng, tôi không tin có nhà chính trị, có người trí thức, có nghệ sỹ, có nhà báo… mà đấy chỉ là những trạng thái khái nhau, quán xuyến những giai đoạn khác nhau trong đời sống của con người. Khi đặt bút viết quyển sách Cội nguồn cảm hứng vừa xuất bản, tôi có giải thích hầu hết những vấn đề liên quan đến đời sống tinh thần của con người. Trong quyển sách này, tôi phân chia Tự do ra làm hai không gian. Tự do có tính chất điều kiện, tức là nó liên quan đến việc xây dựng thể chế, tôi gọi là tự do bên ngoài, tự do khách quan. Còn không gian tự do bên trong chính là không gian tinh thần của con người, nó phải có những yếu tố tự do riêng. Và tự do nói chung được định nghĩa là: Sự dịch chuyển song song của ý nghĩ và hành vi. Ở chỗ nào ý nghĩ được biến thành hành động một cách tự nhiên thì ở đấy có tự do.

Trong buổi toạ đàm hôm nay với các anh, những nhà lý luận của Đảng, tôi không nói về tự do bên trong mà tôi muốn nói về tự do bên ngoài, tức là các điều kiện vĩ mô của đời sống con người. Nó liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó, có lẽ yếu tố chính trị là số một. Các nhà tiền bối của chúng ta nói rằng Chính trị là thống soái thì rất nhiều người hiểu thống soái là chỉ huy, nhưng tôi nghĩ rằng, chính trị chỉ chỉ huy ở một số điều kiện, cho nên, phải nói là chính trị hướng dẫn mới đúng. Nếu những yếu tố chính trị không tích cực thì rất khó để con người có điều kiện sáng tạo và phát triển.

Vấn đề thứ hai mà tôi muốn trao đổi với các anh là Quyền lực. Quyền lực tác động một cách khủng khiếp đến khả năng phát triển của con người. Quyền lực là nguồn gốc tạo ra nỗi sợ, và sự sợ hãi là yếu tố trực tiếp ngăn cản toàn bộ cảm hứng phát triển. Người ta hay nói đến sự sợ hãi gắn liền với cách mạng, chiến tranh, chết chóc… những tôi là một người lính đã từng ra trận, đã từng đối mặt với cái chết, tôi hầu như chưa thấy các biểu hiện sợ chết nào đó của người lính. Ở đấy người ta sẵn sàng rủ nhau hy sinh một cách rất tập thể. Tôi đã từng sống trong môi trường có hàng chục ngàn nữ thanh niên xung phong. Lúc bấy giờ cuộc sống khổ lắm, ngay cả cái quần lót, áo lót cũng thiếu, rồi bệnh ngoài da, bệnh sốt rét hành hạ nữa… Với tư cách là một anh trí thức ra trận, tôi quan sát họ nhưng tôi không nhìn thấy ở họ sự sợ chết, sợ khổ, sợ cô đơn cũng không. Còn bây giờ, nói chuyện với nhiều nhà cách mạng đã về hưu, những người ở tuổi 80 trở lên, tôi thấy trong họ bắt đầu tiềm ẩn những nỗi sợ. Vậy cái gì tạo ra nỗi sợ của những người cực kỳ dũng cảm như vậy ở giai đoạn hiện nay? Tôi cho rằng, đó là dấu hiệu của những tác động quyền lực.

Vấn đề thứ ba mà tôi muốn trao đổi là trí lực, trí tuệ. Ở vấn đề này, tôi muốn dẫn đến việc phân tích toàn bộ tiến trình phát triển của thế giới hiện nay, nhất là phân tích hiện tượng khủng hoảng kinh tế thế giới. Tôi có trao đổi vấn đề này với anh em Vietnamnet, sau đó họ đăng bài của tôi phân tích về hiện tượng Obama. Thực ra tôi lấy hiện tượng ấy để phân tích những quan điểm của tôi về khủng hoảng kinh tế thế giới. Khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, có rất nhiều quan điểm khác nhau phân tích hiện tượng này. Có người nói rằng, bây giờ chủ nghĩa tư bản sụp đổ rồi, chủ nghĩa xã hội đang quay lại và nước Mỹ sẽ là nước xã hội chủ nghĩa. Tôi đọc tất cả những bài phân tích như vậy và tôi thấy một nguy cơ có thể xảy ra là chúng ta sẽ xét lại toàn bộ quá trình Đổi nới và xây dựng nền kinh tế thị trường. Vì thế, tôi cho rằng cần phải phân tích toàn bộ hiện tượng Obama , phân tích toàn bộ hiện tượng kinh tế thế giới để nói đến một vấn đề mà hôm nay tôi nói với các anh là: sự sụp đổ của nền kinh tế thế giới hiện nay chính là kết quả của sự phát triển một cách đột biến của kinh tế tri thức, và nó vượt ra ngoài năng lực hiểu biết, năng lực quản lý của tất cả các chính phủ. Các anh biết rằng với khối lượng 500.000 tỷ đô la thì nó nằm bên ngoài năng lực kiểm soát của tất cả các chính phủ. Và chính những yếu tố như thế tạo ra sự khủng hoảng đến mức một người như Greenspan khi đến điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ ngớ người ra và ông ấy phải nói câu kết thúc rằng: “Ngay cả khi đã phân tích như thế này rồi, tôi vẫn không hiểu tại sao lại khủng hoảng”. Chúng ta đã nhìn vấn đề kinh tế tri thức một cách cực kỳ đơn giản. Khi đọc những bài viết của một số giáo sư ca ngợi nền kinh tế tri thức, tôi thấy nổi da gà, vì tôi biết rất rõ rằng nền kinh tế tri thức có thể mang lại những tai hoạ khủng khiếp như thế nào, tôi biết rất rõ rằng cái rủi ro thật sự của tất cả các chính phủ nằm ở đâu. Cái cảm hứng sáng tạo, nhất là trong khu vực doanh nhân, là một khái niệm hoàn toàn không lãng mạn, nó vừa là động lực của sự phát triển, vừa là nguy cơ của sự phát triển, bởi vì sự phát triển thái quá cũng là một nguy cơ. Trong cuốn sách Cội nguồn cảm hứng, tôi gọi hiện tượng thái quá là sự lộng hành của các khái niệm, của các mặt khác nhau của đời sống như vậy tạo ra những nguy cơ hết sức nghiêm trọng đối với tất cả các nhà cầm quyền. Mọi nhà cầm quyền đều rơi vào trạng thái bất ngờ trước sự phát triển có chất lượng đột biến của kinh tế tri thức. Nghe các quan chức nói trên ti vi, đài, báo đón quỹ này, đón quỹ kia, nhiều khi tôi thấy lo. Tôi là người khá có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, tôi không nói là hiểu biết vì hiểu biết của người Việt chúng ta về vấn đề này còn ít lắm, người tiên tiến nhất trong xã hội này cũng còn xa lắm mới đạt đến trạng thái làm chủ được loại hình hoạt động của nền kinh tế hiện đại. Tôi đã có 7 năm va chạm, nghe thấy, trông thấy khi tham gia một quỹ đầu tư vào toàn bộ lưu vực sông Mê kông. Tôi nhìn thấy sự tiềm ẩn của các nguy cơ của toàn cầu hoá, nhưng không có diễn đàn để nói. Hôm nay, phải nói rằng rất cám ơn các anh đã hỏi để tôi có cơ hội nói những vấn đề như thế với các anh. Đặt ra vấn đề đoàn kết và đồng thuận trong xã hội, nhất là đối với giới doanh nhân và đặt ở tinh thần như thế này thì phải nói rằng, như vậy là chúng ta quá trong sáng. Đây là một lực lượng có tính chất gây nổ đối với mọi xã hội, không phải là lực lượng cần động viên, nhất là doanh nhân. Họ không sống bằng sự động viên của các nhà lý luận, của đảng và nhà nước. Âm thầm trong họ có ẩn chứa nhiều nhân tố. Những nhân tố ấy xét về mặt tích cực là động lực của sự phát triển của mọi nền kinh tế, nhưng nó cũng đồng thời tiềm ẩn những yếu tố gây sụp đổ của mọi nền kinh tế.

Trong thế kỷ của chúng ta, kinh tế đã trở thành hoạt động xã hội chủ yếu, trở thành ngôn ngữ đối thoại không chỉ của doanh nhân, mà còn của mọi nhà chính trị. Các anh thấy rằng, khoảng 20 năm nay, có đến 70-80% giải Nobel về kinh tế được trao cho các nghiên cứu ngoài kinh tế, những nghiên cứu về sự bất đối xứng của thông tin, những nghiên cứu về tâm lý. Chỉ có giải Nobel kinh tế năm ngoái là được trao cho các nhà kinh tế. Có nghĩa là kinh tế đã trở thành một đối tượng của khoa học chính trị, hay nói cách khác, từ thời Marx đến bây giờ, nó quay lại một chu kỳ là người ta phải nghiên cứu các hiện tượng kinh tế với tư cách là kinh tế chính trị học chứ không phải kinh tế học thuần tuý nữa. Mọi lý thuyết kinh tế đều có giá trị sử dụng trong những giai đoạn nhất định. Ví dụ, giai đoạn vừa rồi là giai đoạn của lý thuyết “Tân tự do”mà đại diện là các nhà kinh tế Áo. Từ khoảng đầu những năm 80 cho đến năm 1995, theo đánh giá của tôi, nó đóng vai trò cực kỳ tích cực. M. Thatcher và R. Reagan là hai nhà chính trị biết khích lệ, biết sử dụng trường phái “Tân Tự do”ấy để tạo ra sự phát triển vượt bậc của kinh tế thế giới và lôi kéo tất cả các quốc gia, kể cả Việt Nam. Ở Việt Nam chúng ta nói rằng nền kinh tế của chúng ta có định hướng này, định hướng kia nhưng trên thực tế, tiềm ẩn trong xã hội là nền kinh tế phát triển với bản chất của một nền kinh tế “Tân Tự do”. Các nhà chính trị chưa biến nó thành một khuynh hướng “Tân Tự do”, nhà nước hay Đảng chưa biến nó thành một khuynh hướng “Tân Tự do”, nhưng toàn cầu hoá đã làm cho khuynh hướng “Tân Tự do”trở thành động lực, trở thành phong cách của nền kinh tế Việt Nam trong 20 năm vừa rồi, và đỉnh cao của nó là thị trường chứng khoán. Tôi có nghe nói nhóm tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ đã tổng kết về ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới đối với Việt Nam là đến chậm, ở lâu, phá lớn và tạo ra cơ hội. Tôi không cho là như vậy. Sự khủng hoảng của nền kinh tế thế giới đến Châu Á rất sớm, nhất là đối với Việt Nam và Trung Quốc, nhưng hệ thống truyền thông của chúng ta không đủ kinh nghiệm để phản ánh nó. Chúng tôi theo dõi tất cả các mạng quốc tế về tất cả các hiện tượng nên chúng tôi biết rằng nó đến rất sớm. Tôi đã từng nói với anh em đại diện hãng Down Jones ở Hà Nội về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN Index là gần 1200. Tôi nhìn thấy chuyện ấy, tôi viết bài cảnh báo, nhưng không thấy ai có phản ứng gì cả. Khủng hoảng kinh tế thế giới đến Việt Nam rất sớm và nó cũng không ở lâu, bởi vì năng lực chịu đựng của Việt Nam là rất mỏng. Chúng ta chỉ đủ năng lượng để chịu đựng một pha chứ không đủ năng lượng để chịu đựng lâu dài. Phá lớn thì tôi cũng không cho là đúng vì chúng ta không có đủ năng lực, không có đủ chiều dày tích luỹ lớn để tạo ra một vụ nổ lớn. Tôi có viết một bài trên báo Lao động về Con ngựa và Cỗ xe kinh tế Việt Nam, trong đó tôi nói rằng, Việt Nam không có hiện tượng sụp đổ hoặc hiện tượng khủng hoảng dữ dội về kinh tế, nhưng Việt Nam rơi vào cái bẫy của sự phát triển vị thành niên mãn tính. Tám tháng sau đó, trường Princeton, Hoa Kỳ mở một cuộc Hội thảo về Việt Nam, có anh Lê Đăng Doanh và một số người đi. Tôi có nghe nói rằng, kết luận của Hội thảo đó là: nền kinh tế Việt Nam vẫn có những mặt hấp dẫn, đặc biệt là hấp dẫn đầu tư nước ngoài nhưng nó rơi vào cái bẫy của sự phát triển yếu, ở mức trung bình thấp. Như vậy khủng hoảng kinh tế thế giới sẽ không thể phá lớn ở Việt Nam , còn tạo ra cơ hội thì cũng không hơn gì khi nó không khủng hoảng.

Khi phân tích khủng hoảng kinh tế thế giới, tôi thấy rằng bản chất của sự phát triển kinh tế ở thế kỷ XXI là phát triển kinh tế tri thức. Nhưng kinh tế tri thức không phải là những sản phẩm đẹp đẽ, lành mạnh được diễn đạt dưới dạng ngôn ngữ hàn lâm đơn giản mà kinh tế tri thức là những cách thức để thoát khỏi sự kiểm soát, sự điều khiển của mọi nhà cầm quyền. Đấy là yếu tố tiêu cực số một của kinh tế tri thức. Vì đóng thuế luôn là vấn đề đối với mọi nhà kinh doanh, cho nên, chỗ nào tự do về thuế là người ta đến đấy lập công ty. Tôi đã đến hai hòn đảo ở giữa Đại Tây Dương, biển Manche, có tên là Guernsey và Jersey. Đấy là hai hòn đảo mà trong hiệp ước Postdam người ta quên mất không chia cho ai cả, cho nên nó giống như Liechtenstein hoặc Luxembourg, trở thành một định chế không được phân chia, nó rất kỳ lạ là có đồng tiền riêng, hộ chiếu là của Anh, nhưng vào đó thì phải có visa. Ở đấy có hàng chục nghìn công ty được thành lập, mỗi công ty chiếm diện tích rất nhỏ, giống như nghĩa trang ở Đài Loan, tức là người ta đính tên công ty lên trên tường và một cô thư ký ở đấy trực điện thoại cho 50-70 công ty. Như vây, yếu tố tiêu cực thứ nhất của nền kinh tế tri thức trong thế kỷ này chính là sự phát triển tri thức trong việc né tránh sự kiểm soát của tất cả các nhà cầm quyền. Thứ hai là các sản phẩm tài chính của nó quyến rũ con người bất chấp khả năng hiểu biết của họ. Và người Mỹ là những người đầu tiên bị lừa trong chuyện này. Sự sụp đổ hay khủng hoảng của nền kinh tế Hoa Kỳ là do sự mất cân đối của việc “Vay”và “Tiêu”. Trong bài phân tích về hiện tượng Obama, tôi có nói là nền kinh tế tri thức thể hiện ở các sản phẩm thông minh, nhưng với các dân tộc đông dân, không có cách gì để tất cả mọi người đều tham gia vào việc sản xuất ra các sản phẩm thông minh như vậy. Cho nên, nhiệm vụ của các nhà cầm quyền là hoạch định nền kinh tế như thế nào đó để không ngăn cản mặt tích cực của kinh tế tri thức, nhưng cũng không làm mất đi cái gốc căn bản của nền kinh tế truyền thống mà những con người thông thường, những bộ phận thông thường của nhà nước, của chính phủ có thể kiểm soát được.

Khi tôi đến Mỹ lần đầu tiên, năm đó Tổng thống Clinton vừa mới nhận chức, sáng vừa mở mắt ra tôi bật ti vi và nghe thấy ông ấy nói rằng: “Hôm nay nước Mỹ có một tin vui và có một tin buồn, tin vui là đêm qua tôi vừa ký xong Hiệp ước NAFTA, còn một tin buồn là sáng nay chúng ta đã phải xử trắng án cho cầu thủ bóng bầu dục Simpson, tôi xem đấy là sự thất bại thảm hại của nền tư pháp Hoa Kỳ”. Qua những chuyện như vậy tôi muốn nói với các anh rằng, chính loài người đã nghĩ ra những mẹo, những công nghệ để xã hội hoá cả những thành tựu có chất lượng khoa học và cả những thành tựu có chất lượng tội phạm. Mà chúng ta thì chỉ để ý đến khía cạnh tích cực của nó và quên mất là chúng ta không đủ khả năng để đối phó với những khía cạnh tiêu cực của nó. Ví dụ, tôi đã cảnh báo từ lâu lắm rồi về sự xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ. Sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một trong những biện pháp để tàn sát cảm hứng sáng tạo. Chúng ta không thể nói khích lệ cảm hứng sáng tạo là khích lệ chính trị đơn thuần được. Chúng ta cần phải xây dựng cảm hứng sáng tạo cho người lao động, cho người dân trong cả nước, mà xây dựng cảm hứng sáng tạo về bản chất chính là xây dựng tính chuyên nghiệp của các thể chế để nó phù hợp với sự dâng lên của đời sống trí tuệ loài người chứ không chỉ có nhân dân mình, bởi vì chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu hoá. Trong quá trình va chạm, từ lâu tôi đã nhận thấy rất nhiều dấu hiệu tiêu cực của nền kinh tế tri thức. Từ 10 năm trước, ở công ty của tôi, chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư đề nghị là nếu mở một tài khoản ở Nigeria, ở chỗ này, ở chỗ kia thì ông sẽ nhận được bao nhiêu phần trăm. Không ai trên thế giới này nói chuyện mấy trăm triệu đơn giản cả, ở chúng ta nói chuyện mấy chục tỷ cứ như chuyện chơi. Tôi đã từng viết bài cảnh báo rằng, bất động sản không phải là một loại dự án đầu tư nước ngoài, vì 80-90% vốn là huy động từ thị trường nội địa và nói cho cùng, bất động sản là những quả mìn gài sẵn để tạo ra sự bùng nổ nếu không may cho nền kinh tế Việt Nam. Khi tỷ lệ đầu tư nước ngoài lên đến 57%, có nhiều người đến hỏi tôi về hiện tượng này, tôi nói rằng: tôi không thích đưa ra những dự báo tiêu cực, nhưng tôi run sợ trước thông tin này. Đấy là những dấu hiệu của cái gọi là nền kinh tế tri thức, nó có cả hai mặt, nếu chúng ta để ý đến những mặt tiêu cực của nó quá thì kìm hãm sự xâm nhập của những yếu tố tích cực, nhưng nếu không cảnh giác thì chúng ta sẽ chỉ đón nhận toàn cái tiêu cực.

Vậy thì việc quan niệm sai có những tác hại gì? Thứ nhất là chúng ta không chuẩn bị một chính phủ đầy đủ trí tuệ để điều hành một nền kinh tế phức tạp như vậy. Cho nên, khi quan sát các Bộ trưởng trả lời chất vấn của Quốc hội, tôi nghĩ tại sao người ta lại không tắt truyền hình trực tiếp đi. Các anh không nghĩ rằng như vậy là thông báo sự non kém của nội các với toàn thế giới để rủ tất cả những tên lừa đảo đến. Những biểu hiện như vậy là rất nguy hiểm, và có thể nói đấy là sự mất cảnh giác. Vì vậy, việc thứ nhất có lẽ là chúng ta phải chuẩn bị một chính phủ đầy đủ sự thông thái. Ví dụ, có những đồng chí lãnh đạo nói rằng, sao mọi người cứ chỉ trích tôi là không chịu đối thoại với trí thức, hàng ngày tôi tiếp xúc với rất nhiều tiến sĩ, các thạc sĩ. Nhưng họ quên mất rằng, tiến sĩ hay thạc sĩ không phải là trí thức, cái cuối cùng người trí thức mang lại cho xã hội là thông tin, là sự phát hiện những khía cạnh mà xã hội không nhận ra bộ mặt thật của nó chứ không phải danh vị của họ.

Nói tóm lại, xây dựng một hệ thống chính trị, một chính phủ thông thái là việc số một phải làm. Nhưng mà nền kinh tế thì không phát triển bằng chính phủ. Động lực cơ bản của nền kinh tế chính là sự sáng tạo của người dân, nhưng không phải trong khu vực nhà nước. Khu vực nhà nước chỉ là một công cụ có chất lượng kinh tế để thể hiện một khuynh hướng chính trị. Ở Việt Nam, để tạo ra một đơn vị phát triển của một công ty tư nhân mất một đồng thì với công ty nhà nước sẽ mất 8 đồng, tức là gấp 8 lần chi phí. Nếu mà làm kinh tế bằng các công ty nhà nước thì không thể phát triển kinh tế được, nhưng nếu không có nó thì các nhà lãnh đạo, các nhà cầm quyền không đủ tự tin để đối thoại với xã hội, cho nên, nó cần như một khoản thế chấp chính trị chứ không phải là một công cụ kinh tế. Đấy là quan điểm của tôi. Khu vực dân doanh theo thuật ngữ của ta hay khu vực tư nhân theo thuật ngữ phổ biến là động lực cơ bản của nền kinh tế, nó tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sức mua của xã hội. Quy luật về cầu là quy luật số một của tất cả mọi trường phái kinh tế học, vì thế người ta mới phải kích cầu. Khu vực tư nhân là khu vực tạo ra năng lực tiêu dùng, cho nên muốn có năng lực tiêu dùng, muốn kích cầu thì phải thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân. Trong một lần thảo luận trên Đài truyền hình, tôi có nói rằng, kinh doanh đòi hỏi một phẩm chất, đó là lòng dũng cảm dân sự. Bởi vì, con người ở đâu cũng vậy, về cơ bản là lười biếng và nhát, sợ mất mạng, sợ mất tiền, sợ mất sự yên ổn. Cho nên, kinh doanh đòi hỏi phải có lòng dũng cảm dân sự. Nhiều người không dám phá vỡ sự yên tĩnh bình thường để làm nhà kinh doanh, cho nên gen kinh doanh là gen hiếm, đòi hỏi phải dũng cảm, đòi hỏi chất lượng chiến sỹ ở trong đấy. Vậy những người như vậy cần gì? Trong quyển sách Cội nguồn cảm hứng tôi đã phân tích rất rõ, đó là tự do. Và tới những nước càng chậm phát triển thì nhân dân càng cần bổ sung lượng tự do lớn hơn, thậm chí lớn hơn cả phương Tây. Nếu chúng ta có lượng tự do lớn hơn phương Tây thì nhân dân chúng ta mới có khả năng bứt phá khoảng cách mà trong những thế kỷ trước chúng ta đã bỏ lỡ, chúng ta chưa làm được. Theo quan điểm của tôi, trong lịch sử nước Việt Nam chưa có một thời đại nào có đủ điều kiện để làm tốt việc ấy bằng giai đoạn hiện nay, giai đoạn có một đảng chính trị đã có thành tích cầm quyền. Bởi vì, để tạo ra tự do xã hội là việc rất khó. Ở những nước không nhất nguyên, không đơn nguyên như thế này, để thương lượng được khế ước nội dung của tự do là việc rất khó. Nhưng khi anh chỉ có một tổ chức cầm quyền thôi thì anh có rất nhiều điều kiện thuận lợi trong việc định ra những giới hạn khác nhau của tự do trong toàn bộ tiến trình phát triển của khái niệm này.

Như vậy, trước hết chúng ta phải có một chính phủ, một hệ thống chính trị, có một xã hội dân sự tương đối ổn định và có một độ tự do phù hợp với năng lực quản lý của nhà cầm quyền. Tôi không phải là người xem tự do là một đại lượng lãng mạn. Trong quyển sách Cội nguồn cảm hứng, tôi nói rằng tự do là một thứ ăn được, bản chất của tự do là tạo ra những giới hạn để con người phát triển phù hợp với năng lực của nó và năng lực của nhà quản lý. Và khế ước tự do của mỗi một giai đoạn phát triển luôn luôn là khế ước thể hiện sự thoả thuận. Cho nên, khi phân tích khái niệm đồng thuận, tôi nói rằng đồng thuận là kết quả tự nhiên của thoả thuận. Đồng thuận không phải là tôi đồng ý với anh, tất cả mọi người đồng ý với anh mà chúng ta đồng ý với nhau. Đấy mới là đồng thuận. Nếu chúng ta xây dựng một phong trào chính trị để tìm kiếm sự đồng ý với Đảng thì sẽ rất khó và là ảo tưởng. Nhưng nếu chúng ta tạo ra một cơ cấu xã hội để mọi người đồng thuận với nhau và mọi người có thể đồng thuận với sự hướng dẫn chính trị trong từng việc, trong từng nhiệm vụ, trong từng giai đoạn thì đấy mới chính là một cách thức tiếp cận hợp lý đến khái niệm này. Khi các anh đặt ra vấn đề kết hợp doanh nhân và trí thức với nhau thì tôi cho rằng cần phải nói về nền kinh tế tri thức, và đấy là một vấn đề cần cảnh báo. Nếu chúng ta nghiên cứu và viết ra được những điều ấy một cách công khai thì Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia tiên tiến trong trào lưu nghiên cứu về nguy cơ này của thế giới. Tôi có thể khẳng định rằng, thế giới chưa vạch ra mâu thuẫn giữa năng lực quản lý của các chính phủ với sự phát triển có tính chất vô chính phủ của nền kinh tế tri thức. Đây sẽ là một phát hiện của người Việt mà tôi thì không có đủ thời gian, không có đủ lực lượng, nên tôi muốn gợi ý các anh một vài khái niệm, với một bộ máy khổng lồ của Đảng thì các anh nên nghiên cứu. Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đóng góp cho thế giới chứ không phải chỉ đóng góp cho Đảng. Đấy là một mâu thuẫn cơ bản của thế kỷ này. Thế kỷ XXI không phải là thế kỷ của đấu tranh giai cấp, không phải là thế kỷ của chiến tranh lạnh Đông – Tây, không phải là thế kỷ của sự va chạm của các nền văn minh như Huntington nói. Thế kỷ XXI này là thế kỷ của sự đấu tranh giữa các chính phủ với những mặt không chính đáng của các nền kinh tế hay là những yếu tố lộng hành của nền kinh tế tri thức. Vấn đề các anh đặt ra, tôi tạm mở đầu như vậy để các anh chất vấn tôi. Tiếp tục đọc

Tháng Năm 15, 2011 Posted by | Tổng hợp, Tản văn | , , , | 28 bình luận

Hai sắc hoa ty gôn

Bài thơ Hai sắc hoa ty gôn đã làm xôn xao thi đàn Việt Nam năm 1937-1938. Bài thơ mở đường cho một lối lãng mạn mới mẻ: khóc cho tình yêu, đặc biệt tình yêu ngoài hôn nhân với sự xuất hiện đầu tiên hai chữ người ấy trong thi ca; đồng thời nó được bao phủ bởi huyền thọai mờ ảo quanh tác giả bí hiểm và gây tranh cãi. Rất có thể những vần thơ mà thiếu phụ trẻ (TTKh – Trần Thị Khánh) khóc thương mối tình nay đã xa chỉ là tác phẩm sáng tạo của thi sỹ Thâm Tâm tài năng, đỏan mệnh, người yêu của nàng.

Ngay cả trong những năm chiến tranh, 60s, 70s, hầu như thanh niên nào cũng có cuốn sổ, và Hai sắc hoa ty gôn là bài thơ không thể thiếu, được truyền nhau chép tay trong những cuốn sổ đó. Thậm chí bài thơ này vẫn còn làm xao xuyến thế hệ yêu thơ thời @.

Hai sắc hoa ty gôn nên được đi kèm 3 bài thơ khác của TTKH cũng như 3 bài đáp trả của Thâm Tâm vì chùm thơ này tạo nên câu chuyện huyền ảo với dấu hỏi “là ai?…là ai?…” mãi mãi buông lơi…

Chùm thơ đó là:

Mở màn: truyện Hoa ty gôn (Thanh Châu), Tiểu Thuyết Thứ Bẩy số 174 (27/9/1937)
Hai sắc hoa ty gôn, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy số 179 (30/10/1937)
Bài thơ thứ nhất, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy số 182 (20/11/1937),
Đan áo cho chồng, đăng trên Phụ Nữ Thời Đàm,
Bài thơ cuối cùng, Tiểu Thuyết Thứ Bẩy, số 217 (23/7/1938).
Gửi TTKh của Thâm Tâm, Tiểu thuyết thứ bảy, số 307, 04/05/1940 (cùng 2 bài Màu máu ti gônDang dở)

Hai sắc hoa ty gôn

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu đương.

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương, cát,
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng.

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
Bảo rằng:”Hoa, dáng như tim vỡ (Hoa giống như tim vỡ),
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!” (Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”)

Thuở ấy, nào tôi đã hiểu gì (Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì)
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp:”Màu hoa trắng
Là chút long trong chẳng biến suy”

Đâu biết lần đi một lỡ làng,
Dưới trời đau khổ chết yêu đương. ( Dưới trời gian khổ chết yêu đương)
Người xa xăm quá ! – Tôi buồn lắm, ( Người xa xăm quá tôi buồn lắm)
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường… (Trong một này vui pháo nhuộm đường)

Từ đấy, thu rồi, thu lại thu, ( Từ ấy thu rồi thu lại thu)
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ…( Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ)
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ. (Người ấy cho nên vẫn hững hờ)

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết, ( Mà từng thu chết từng thu chết)
Vẫn giấu trong tim bóng “một người”. ( Vẫn giấu trong tim bóng một người)

Buồn quá! hôm nay xem tiểu thuyết (Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết)
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa (Thấy ai cũng ví cánh hoa rơi)
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ.
Và đỏ như màu máu thắm pha ! (Và đỏ như màu máu thắm phai)

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi…( Một mùa thu cũ rất xa xôi)
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã,
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi ! (Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi)

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ, ( Tôi sợ chiều thu nắng phớt mờ)
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu (Chiều thu hoa đỏ rụng chiều thu)
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò. (Người ấy bên sông đứng ngóng đò)

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không? ( Trời ơi ! người ấy có buồn không)
Có thầm nghĩ tới loài hoa… vỡ (Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ)
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng ? (Tựa trái tim phai tựa máu hồng?)

Bài thơ thứ nhất – TTKh

Thuở trước hồn tôi phơi phới quá
Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương
Nhưng nhà nghệ sĩ từ đâu lại
Êm ái trao tôi một vết thương.

Tai ác ngờ đâu gió lại qua
Làm kinh giấc mộng những ngày hoa
Thổi tan tâm điệu du dương trước
Và tiễn người đi bến cát xa.

Ở lại vườn Thanh có một mình
Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh
Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo
Yêu bóng chim xa nắng lướt mành.

Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác
Gió hỡi làm sao lạnh rất nhiều.

Từ đấy không mong không dám hẹn
Một lần gặp nữa dưới trăng nghiêm
Nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ
Người ấy ghi lòng vẫn nhớ em.

Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên
Bỗng ai mang lại cánh hoa tim
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên.

Đẹp gì một mảnh lòng tan vỡ
Đã bọc hoa tàn dấu xác xơ
Tóc úa giết dần đời thiếu phụ
Thì ai trông ngóng chả nên chờ.

Viết đoạn thơ đầu lo ngại quá
Vì tôi còn nhớ hẹn nhau xưa:
“Cố quên đi nhé câm mà nín
Đừng thở than bằng những giọng thơ”.

Tôi run sợ viết lặng im nghe
Tiếng lá thu khô xiết mặt hè
Như tiếng chân người len lén đến
Song đời nào dám gặp ai về.

Tuy thế tôi tin vẫn có người
Thiết tha theo đuổi nữa than ôi
Biết đâu tôi một tâm hồn héo
Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi.

Đan áo cho chồng – TTKh

Chị ơi, nếu chị đã yêu
Đã từng lỡ hái ít nhiều đau thương
Đã xa hẳn quãng đời hương
Đã đem lòng gửi gió sương mịt mùng
Hay chăng chị mỗi chiều đông
Đáng thương những kẻ có chồng như em
Vẫn còn giá lạnh trong tim
Đan đi đan lại áo len cho chồng
Con chim ai nhốt trong lồng
Hạt mưa nó rụng bên sông bơ thờ
Lưng trời nổi tiếng tiêu sơ
Hay đâu gió đã sang bờ ly tan
Tháng ngày miễn cưỡng em đan
Kéo dài một chiếc áo lam cho chồng
Như con chim nhốt trong lồng
Tháng ngày than tiếc ánh hồng nơi nao
Ngoài trời hoa nắng xôn xao
Ai đem khóa chết chim vào lồng nghiêm
Ai đem lễ giáo giam em
Sống hờ hết kiếp trong duyên trái đời
Lòng em khổ lắm chị ơi
Trong bao ngờ vực với lời mỉa mai
Quang cảnh lạ, tháng năm dài
Đêm đêm nằm tưởng ngày mai giật mình.

Bài thơ cuối cùng – TTKh

Anh hỡi, tháng ngày xa quá nhỉ ?
Một mùa thu cũ một lòng đau…
Ba năm ví biết anh còn nhớ,
Em đã câm lời có nói đâu!

Đã lỡ thôi rồi chuyện biệt ly,
Càng khơi càng thấy lụy từng khi
Trách ai mang cánh “ti gôn” ấy
Mà viết tình em được ích gì?

Chỉ có ba người đã đọc riêng
Bài thơ “đan áo” của chồng em
Bài thơ “đan áo” nay rao bán
Cho khắp người đời thóc mách xem…

Là giết đời nhau đấy biết không ?
…Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rung
Giận anh, em viết dòng dư lệ,
Là chút dư hương điệu cuối cùng!

Từ nay anh hãy bán thơ anh
Còn để yên tôi với một mình
Những cánh hoa lòng, hừ! đã ghét
Thì đem mà đổi lấy hư vinh.

Ngang trái đời hoa đã úa rồi,
Từng mùa gió lạnh sắc hương rơi…
Buồng nghiêm thờ thẩn hồn eo hẹp
Đi nhớ người không muốn nhớ lời!

Tôi oán hờn anh mỗi phút giây,
Tôi run sợ viết, bởi rồi đây,
Nếu không yên được thì tôi … chết
Đêm hỡi, làm sao tối thế này ?

Năm lại năm qua cứ muốn yên
Mà phương ngoài gió chẳng làm quên;
Và người vỡ lỡ duyên thầm kín
Lại chính là anh? anh của em!

Tôi biết làm sao được hỡi trời?
Giận anh không nỡ nhớ không thôi!
Mưa buồn mưa hắt trong lòng ướt…
Sợ quá đi, anh… “có một người”!…

 

Gửi T.T. Kh. – Thâm Tâm

Các anh hãy uống thật say,
Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im
Giờ hình như quá nửa đêm ?
Lòng đau đem lại cái tin cuối mùa
Hơi đàn buồn như trời mưa
Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi
Giờ hình như ở ngoài trời
Tiếng xe đã nghiến đã rời rã đi.

Hồn tôi lờ mờ sương khuya
Bởi chưng tôi viết bài thơ trả lời
Vâng, tôi biết có một người
Một đêm cố tưởng rằng tôi là chồng
Ðể hôm sau khóc trong lòng
Vâng tôi có biết cánh đồng thời gian
Hôm nay rụng hết lá vàng
Và tôi lỡ chuyến chiều tàn về không.
Tiếng xe trong vết bụi hồng
Nàng đi thuở ấy nhưng trong khói mờ.
Tiếng xe trong xác pháo xưa,
Nàng đi có bốn bài thơ trở về.
Tiếng xe mở lối vu qui
Nay là tiếng khóc nàng chia cuộc đời !
Miệng chồng Khánh gắn trên môi
Hình anh mắt Khánh sáng ngời còn mơ.
Từ ngày đàn chia đường tơ
Sao tôi không biết hững hờ nàng đan.
Kéo dài một chiếc áo len
Tơ càng đứt mối, nàng càng nối giây.
Nàng còn gỡ mãi trên tay
Thì tơ duyên mới đã thay hẳn màu.
Góp hai thứ tóc đôi đầu,
Sao còn đan nối những câu tâm tình ?
Từng năm từng đứa con non
Mỉm cười vá kín vết thương lại lành.
Khánh ơi còn hỏi gì anh?
Xưa tình đã vỡ, nay tình lại nguyên
Em về đan mối tơ duyên
Vào tà áo mới, đừng tìm duyên xưa.
Bao nhiêu giọt lệ còn thừa,
Hãy dành mà khóc những giờ vị vong.
Bao nhiêu giọt lệ còn thừa,
Hãy dâng cho trọn nghĩa chồng, hồn cha.
Nhắc làm chi chuyện đôi ta
Cuộc đời anh đã phong ba dập vùi…

Hãy vui lên các anh ơi
Nàng đi, tôi gọi hồn tôi trở về
Tâm hồn lạnh nhạt đêm nghe
Tiếng mùa lá chết đã xê dịch chiều
Giờ hình như gió thổi nhiều
Những loài “hoa máu” đã gieo nốt đời.
Bao nhiêu nghệ sĩ nổi trôi
Sá chi cái đẹp dưới trời mong manh ?
Sá chi những chuyện tâm tình
Lòng đau đem chứa trong bình rượu cay.

PS. Bạn nào làm ơn tìm bản chính xác các bài thơ này để đăng lại cho “chuyên nghiệp” hơn.

Tháng Năm 14, 2011 Posted by | Tổng hợp, Tản văn | | 3 bình luận

Bầu cử ở Singapore và bộ mặt mới của dân chủ.

 

Singapore, cũng như Malaysia, đều có các cuộc bầu cử khá dân chủ. Tuy nhiên, kết quả bầu cử của hai nước này cùng dẫn đến chính phủ độc đảng khiến Singapore, cùng với Hongkong, dù thường xuyên được bầu là hai vùng tự do nhất thế giới cho họat động kinh doanh đều bị thế giới xếp hạng là không dân chủ. Đơn giản là ở Singapore, việc chỉ trích gay gắt chính phủ công khai trên báo chí rất bị hạn chế, thậm chí chính phủ Singapore còn đưa một số nhà báo nước ngòai ra kiện vì nói láo về mình.

Hongkong nay đã thuộc về Trung Quốc nên không tránh khỏi bị coi là thuộc đất nước độc đảng. Còn Malaysia và Singapore thực sự bị oan với tiếng “đất nước độc đảng”. Ở hai nước này, các đảng phái chính trị ngòai đảng cầm quyền mọc như nấm, chỉ có điều rất èo ọt, không thắng nổi hai đảng rất mạnh là UMNO ở Malaysia và PAP ở Singapore.

Đảng PAP rất tự hào về thế thượng phong của mình và tự tin mình sẽ vẫn đứng vững lâu dài. Những gì chính phủ do đảng này đứng đằng sau đạt được là hậu thuẫn vững chắc cho niềm tin này. PAP cũng không ngừng mời gọi được hầu hết những người tài của đất nước ra nhập đảng.

Mọi chuyện đã bắt đầu lung lay với kết quả bầu cử ngày 8/5/2011 vừa qua.

Mặc dù đảng PAP vẫn áp đảo với hơn 60% số phiếu cho đại biểu nghị viện, sự thất cử mang tính lịch sử của một đơn vị cử tri (GRC: Group Representation Constituency) đã đánh dấu bước lùi khá lớn của đảng này. Đảng PAP đã mất GRC của vùng Aljunied về tay đảng Công nhân (Workers’ Party). Đau hơn nữa, đơn vị cử tri này lại bao gồm 5 người, trong đó có 3 bộ trưởng, và đau nhất là bộ trưởng ngọai giao khá tài năng, George Yeo.

Lee Kuan Yew và đảng PAP sẵn sàng chơi “fair and square” hay đảng Công nhân có chiến lược tranh cử tốt sẽ là đề tài bàn cãi lâu dài. Tuy nhiên, một điều rất rõ là, Singapore đã có bộ mặt dân chủ mới, chắc chắn sẽ được hoan nghênh và nó sẽ làm đẹp thêm bộ mặt đã rất ấn tượng của đảo quốc giàu mạnh này.

 

Tháng Năm 9, 2011 Posted by | Tổng hợp | 11 bình luận

Chuyện vui Harvard

John Harvard

Đương nhiên trường Harvard được lấy theo tên của John Harvard, người được coi là sáng lập nên trường Đại học đầu tiên này của Hoa kỳ. Tuy nhiên, Harvard là cha đạo và chỉ là người đầu tiên hiến tài sản cho ngôi trường mới thành lập (năm 1636) khi ông qua đời rất sớm ở tuổi 30 (năm 1638). Tài sản ông cống hiến rất khiêm tốn so với sự đóng góp của những người sau này nhưng Trường vẫn ghi nhận sự hào hiệp đầu tiên của ông và đặt tên trường theo tên ông.

Tượng Harvard

Khi trường muốn tạc tượng của Harvard để dặt trước khuôn viên chính của học xá cổ có tên gọi Harvard Yard, người ta mới phát hiện ra rằng chẳng có bức hình hay bức vẽ chân dung nào của ông. Tranh cãi một hồi trường bèn đồng ý cho kiến trúc sư lấy một sinh viên của trường ra làm mẫu. Thế là các khách thập phương hâm mộ trường Harvard và John Harvard thi nhau chụp ảnh với một cựu học sinh chứ không phải chính ông Harvard. Người tạc tượng còn khắc cả thông tin sai lầm lên bức tượng đó, nói rằng ông là người sáng lập trường vào năm 1638.

Có một truyền thống gắn với bức tượng. Đó là nếu bạn sờ vào giày trái của ông thì bạn sẽ thông thái, học giỏi và may mắn. Vậy là bức tượng đồng đen trũi lại có mũi giày vàng óng bóng lóang, đủ thấy bao nhiêu người đã sờ vào nó. Các du khách chắc sẽ khiếp hãi khi biết bọn nhóc sinh viên ở đấy có truyền thống tè vào bức tượng vào ban đêm, có lẽ để khẳng định mình chăng?

Thư viện của John Harvard

Trong tài sản cống hiến cho trường của John Harvard có thư viện riêng của ông gồm khỏang 400 bộ sưu tập. Thư viện này đã bị cháy rụi cùng với tòan bộ khu học xá vào một đêm gió mạnh năm 1764. Người ta truyền miệng nhau câu chuyện cười là trong khi mọi người rền rỹ khóc than tiếc cái tài sản vô giá cả về mặt lịch sử thì có một cậu sinh viên thỏ thẻ rằng cậu còn giữ 1 cuốn. Lý do là cậu đã chôm của thư viện để dùng riêng. Luật của trường rất ngặt, nếu ai lấy sách của thư viện sẽ bị đuổi học. Vậy là sau khi cậu sinh viên đưa lại cuốn sách để trường giữ làm lưu niệm thì nhận được thông báo rằng, cám ơn đã cứu trường dành lại di sản của John Harvard, nhưng luật là luật, mời em ra khỏi trường.

Kể ra bị đuổi như vậy cũng vẻ vang chán!

Truyền thống óai oăm

Có lẽ để xả căng thẳng sau những giờ học mệt mỏi, sinh viên nhìều trường đại học ở Mỹ có truyền thống tụ tập nhau chạy vòng quanh khu học xá với “bộ quần áo của hòang đế” (nude running). Harvard không ngọai lệ, và truyền thống đó có tên gọi the Primal Scream. Bọn sinh viên, thường là những năm đầu, tụ tập nhau vào đêm trước kỳ thi cuối cùng của học kỳ (Sau thời gian lên lớp SV có thời gian ôn thi gọi là reading period rồi mới bước vào kỳ thi cuối môn học. Một học kỳ tức một môn học thường có kỳ thi giữa gọi là mid-term và kỳ thi cuối gọi là final exam).

Bọn chúng chạy nude 2 vòng quanh khu học xá cổ, trước khi chạy có khi ban nhạc SV còn chơi nhạc cổ vũ. Thử tượng tượng xem kỳ thi thường vào tháng Giêng, tháng lạnh nhất của mùa đông Bắc Mỹ (tương tự như Tây Âu hay Bắc Âu và…Moscow!).

Harvard vs. Princeton

Mặc dù địch thủ truyền thống của Harvard là Yale (có lẽ bắt nguồn từ các cuộc thi đấu thể thao), Princeton đã vượt mặt Harvard để dẫn đầu bảng xếp hạng ĐH của Mỹ trong rất nhiều năm.

Một giáo sư có hạng, giữ một vị trí trong lãnh đạo của trường, kể sau khi thành danh ông có viết thư cho Princeton. Bức thư tiết lộ rằng trước kia ông đã nộp đơn vào trường này nhưng đã bị từ chối, ám chỉ rằng Princeton đã để lọt “một con cá to”. Princeton trả lời ngay, đại ý trường rất hoan nghênh và cám ơn ngài đã dành sự chú ý tới trường. Tuy nhiên Princeton có chính sách hàng năm phải từ chối vài em giỏi để Harvard còn có cơ hội nhận được các em giỏi này.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn!

Cambridge, Massachusetts

Cambridge là thành phố nhỏ xíu nằm cạnh Boston, thủ phủ bang Massachusetts (gọi là thành phố vệ tinh của Boston). Nhưng nó là đại bản doanh của 2 trường ĐH nổi tiếng thế giới: Harvard và MIT (học viện công nghệ Massachusetts). Mặc dù trường Kinh doanh Harvard và trường Y khoa Harvard với khu học xá rộng lớn mênh mông nằm bên Boston, Harvard cùng với MIT chiếm lĩnh cả vùng đất rộng lớn của thành phố nhỏ bé này.

Dân cư của Cambridge có tự hào là chủ đất của hai trường này không? Thưa không!

Vì sao?

Ngân sách để phát triển một đơn vị hành chính phụ thuộc rất nhiều vào thu thuế địa phương: thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh thu của các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn. Và Cambridge được coi là thành phố nghèo.

Ở Mỹ người có thu nhập cao thường sống ở vùng ngọai ô với những căn nhà to và khỏang đất rộng bao quanh. Vậy nên các giáo sư và cán bộ “to to”của 2 trường này hàng ngày lái xe từ các vùng lân cận đến trường. Còn lại một lượng khổng lồ các sinh viên và những người đến các trường này để nghiên cứu và học ngắn ngày thì thuê gần hết các ngôi nhà quanh khu học xá và trải khắp thành phố. Ai chả biết SV là hạng ngèo mạt nhất ở bất cứ đâu trên thế giới. Trông vào thuế thu nhập cá nhân của họ thì thật nực cười. Vật là Cambridge mất một khỏan thu rất lớn.

Mọi người đều biết các trường ĐH phươngTây đa số là phi lợi nhuận (lợi nhuận không chia cho ai vì không có chủ cụ thể, nó được tái sử dụng vào phát triển). Vậy là nguồn doanh thu khổng lồ của 2 trường này như miếng bit tết đặt trước miệng tên ăn mày chỉ để ngắm, chẳng được thu thuế gì ráo! Đã vậy họ còn chiếm dụng bao nhiêu đất, không còn chỗ cho doanh nghiệp khác làm việc để còn gỡ gạt thu thêm thuế. Các cửa tiệm, các hàng ăn dọc các phố chẳng bõ bèn gì.

Do vậy mà người dân Cambridge chẳng sung sướng gì mỗi khi Harvard và MIT thông báo mở rộng. Ở Trường cấp III của thành phố, nằm sát khu học xá cổ của Harvard, có lẽ Harvard là từ ít được nhắc đến vào lọai nhất. Người dân có lẽ tự hào hơn về việc là quê hương của 2 tài tử Hollywood nổi tiếng: Ben Aflack và Matt Damon.


Tháng Năm 7, 2011 Posted by | Tản văn | | 6 bình luận

“Bí kíp” viết “còm”

Lời dẫn: Tôi vốn quen vào các blog “đọc chùa”, nên khi ra chỉ cảm thấy hơi hơi áy náy thôi. May quá, “vớt” được bài này trên blog của bác Nguyễn Quang Vinh. Hóa ra cũng có khối người như mình, tôi thấy yên tâm quá!  Nhưng nhỡ vẫn còn vài bạn chưa khỏi bệnh “áy náy” thì sao?  Thế thì mời bạn ấy đăng ký dịch vụ của bác Vinh! Bài viết dưới đây đã được hiệu đính ở vài chỗ cho phù hợp với Blog A0 hơn. Em xin bác Vinh thứ lỗi. 

Lilac.

RAO BÁN COMMENT

Căn cứ vào thực tế bà con mình quá bận rộn mà lại phải dành một quỹ thời gian không ít nhảy lóc cóc vội vã sang nhà bạn hữu, không kịp đọc, nhưng phải để lại comment để trả ơn, trả nghĩa, để khẳng định với bạn rằng, mình đã sang đọc, đã để lại dấu chân, cám ơn bạn cũng đã làm như thế với nhà mình

Căn cứ vào chất lượng comment ngày càng sa sút, ngày càng hời hợt, ngày càng quan liêu, ngày càng có nguy cơ xa rời thực tế…bài viết…

Căn cứ khả năng và yêu cầu thực tế, nay chúng tôi thành lập Công ty TNHH một thành viên Comment nhằm cung cấp cho các cô, các chú, các anh, các bác và các cháu bất cứ comment nào, bảo đảm phục vụ 24/24, bảo đảm comment viết ra chỉ từ đúng trở lên, thêm chút sâu sắc, thêm chút cảm động, thêm chút bâng khuâng, đủ sức làm đối tác rưng rưng nước mắt…

Để kịp phục vụ nhu cầu cần comment ngày càng cao, chúng tôi tạm thời cung cấp miễn phí một số nhóm comment sau đây, sau đó, ai có nhu cầu cần bổ sung, xin hãy liên hệ với chúng tôi theo tổng đài BIẾT TUỐT.

1.Nhóm Comment cho những bài viết  có…thơ, hoặc thơ hỏi thở:

 -Em chào chị ( anh, em)…Em là..X nè…Chị khỏe không. Vào nhà thấy thơ chị, đọc, xúc động chị ạ.

 -Ui chị…Thơ hay quá…Chúc chị ngày mới an lành nhé

-Chị iu ơi, đọc thơ của chị thú vị quá, chị vui nhé

 -Một bài thơ rất ấn tượng, chúc khỏe

2.Nhóm Comment dành cho văn xuôi hoặc viết theo kiểu xuôi…văn:

-Bài viết ấn tượng, chúc vui nhé

-Đọc ấn tượng quá…Chúc ngày làm việc thành công nhé

 -Mình đọc thấy thú vị quá, sang nhà mình chơi nhé

 -Hay. Chúc mừng nhé

3.Nhóm Comment dành cho những  bài viết, phản hồi  có tiêu đề  bắt đầu chữ BUỒN…

  -Ui..Chị ui…Đừng buồn nhé

  -Cố lên, đừng buồn nữa…

  -Vui lên em nhé…

  -Bài viết buồn quá, cố lên em…

4.Nhóm Comment dành cho các bài viết  mang tính tự sự

   -Đọc bài em thấy thương quá…

   -Xin chia sẻ với bạn nhé

   -Chúc một ngày vui. He he

—–

Ôi các bác ơi, em viết cho vui ngày thôi, không có ý chi mô nhé, không dám so bì ai là  văn, ai là  thơ, không hề, ai ở vnweblogs cu Vinh cũng quý như nhau, bài viết như là cái nheo mắt, đánh mày tinh nghịch thôi, các bác comment nghiêm túc quá, em sợ…Hi hi

Đôi lúc em vì bận mà không trả lời comment các bác được, xin tha tội, chúc cả nhà Zui zẻ

 Nguyễn Quang Vinh

Tháng Năm 6, 2011 Posted by | Tản văn | Bình luận về bài viết này

Lên thớt tòan tập: Hội Tao Đàn

Lời nói đầu: Truyện vui giả tưởng dưới đây lấy các bạn lớp mình làm nhân vật. Chuyện muốn vui thì phải có ít nhất một nhân vật làm “bia đỡ” để trêu chọc. Mình đưa Văn Thành làm nhân vật đó vì VT là người bạn mình có thể nói bất cứ điều gì mà không sợ (không giống Việt Dũng!). Thôi, VT hy sinh vì sự hài hước vậy.

 ***

Việt Dũng là anh chàng cao lớn. Hắn có hình thức trung bình nhưng là người có cá tính mạnh mẽ nên cũng được vài cô mê. Hắn có kiểu nói chuyện rất cà tửng với bộ mặt luôn kèm nụ cười như châm biếm. Mỗi lời hắn nói có vẻ như hàm một ý gì đó khiến người nghe phải thận trọng khi trả lời hắn. Hắn cũng tỏ ra triết lý, cái kiểu điển hình của “trí thức đỉnh cao”. Nhưng nếu gắn hắn với văn chương tỉ thí thì như là sự pha trộn hơi gượng ép.

Trong số các bạn học cùng mình có khỏang bốn năm tên, ngòai đa tài ra cũng rất hay thơ. Lê Quang làm thơ có chất lãng mạn. Cậu Kính thiên về triết lý. Cậu Văn hay ngụ ý sâu xa. Còn Văn Thành làm thơ khá phong phú và nhiều ý tưởng hay. Nghe đâu Hòang Hà cũng hay thơ nhưng từ thời rất trẻ hắn đã bận làm”đầy tớ của dân trí thức” nên chẳng mấy lúc được nghe thơ của hắn. Cả bọn làm thơ nghe cũng hay phết! Và tên nào cũng có tính hài hước nên thỉnh thỏang cũng điểm vài câu thơ ”bút tre” rất vui vẻ. Cầm đầu nhóm này là Văn Thành, rất lắm tài và dễ tính.

Một lần, Dũng dắt đến cuộc gặp mặt một cậu bạn, bạn học cũ và đồng nghiệp hiện tại. Tiếng là bạn hắn nhưng chỉ có mình là chưa quen biết cậu này. Thì ra cậu ta học với nhiều người trong hội lớp mình. Cậu này khác hẳn Việt Dũng, nói năng lém lỉnh và rất hay tho. Mỗi lời nói đều được cậu ta biến thành câu thơ nghe rất xuôi tai.

Bạn thơ gặp nhau, lại cùng dân chuyên tóan nên đàm đạo rất rôm rả. Có mỗi bức ảnh con cò đứng đơn độc cạnh bờ ao mà bọn chúng cũng biến thành một chùm thơ đủ các thể lọai, lãng mạn có, triết lý có, hài hước có. Mình vốn mù tịt về thơ nhưng nghe bọn chúng đối đáp qua lại thấy khá hấp dẫn. Việt Dũng cũng ngồi nghe gật gù, thỉnh thỏang chêm vào một câu châm chọc.

Thấy không khí náo nhiệt, Văn Thành cao hứng đề nghị, “Bọn mình lập hội Tao Đàn đi”. Ừ thì Tao Đàn, cho thiên hạ thấy dân tóan cũng biết văn chương chứ kém gì. Ngô Bảo Châu viết được khối người hâm mộ cơ mà! Mà thật ra cũng tự thấy nhóm mình viết lách cũng khá thật.

Ngày xuân đến, tranh thủ việc chưa nhiều, cả bọn hẹn tụ tập. Văn, một bạn hay thơ trong nhóm hoan hỷ thông báo thêm, “Có thêm Thu Hồng, bạn cùng bọn mình ở Moscow tham gia nữa”. Văn đã hết sức ngạc nhiên khi thấy mình biết Thu Hồng dù chưa được làm quen. Thu Hồng thời đi học là cô gái xinh đẹp đặc sắc, rất nổi bật trong đám du học sinh Nga thời đó. Cô là người phụ nữ khá thành đạt, có văn phòng tư vấn riêng. Cô cũng kết hôn sớm và đã là phụ nữ đơn thân từ rất lâu. Mẹ con cô sống trong một căn biệt thự nhỏ xinh xắn, rất ngăn nắp và tinh tế. Cô cũng hay tranh thủ thời gian rảnh hiếm hoi đi làm từ thiện với bè bạn. Cô rất thích viết và là tay viết rất nhiệt tình trong diễn đàn của hội bạn. Mặc dù Thu Hồng đã viết được vài cuốn sách chuyên môn, trong diễn đàn cô thường chỉ viết kể về các sự kiện mà cô tham gia cùng bạn bè.

Mình không tiết lộ làm cách nào mình biết Thu Hồng rõ như vậy, để thêm phần ly kỳ. Vậy là mọi người háo hức chờ ngày hội tụ.

Bữa đó, tới nơi thì đã thấy hòm hòm 6, 7 đứa có mặt. Khăc Hùng cáo ốm, Lan Hương cáo bận việc nhà. Các tên khác cũng có lý do vắng mặt. Nhưng đi gặp bạn bè thì gặp tay đôi cũng vui chứ nói gì đến gần chục đứa láo nháo thế này. Mình nhường Thu Hồng ngồi gần Văn và Văn Thành vì các bạn ấy quen nhau từ trước. Mình vừa chào hỏi Hồng được vài câu thì nghe Văn Thành nói, “Có bạn Mộng Mơ thấy nhóm mình vui cũng muốn tham gia”. Mới dứt lời thì quả nhiên Mộng Mơ xuất hiện và ngồi xuống giữa đám “nhà thơ vườn”.

Mộng Mơ có vẻ vui lắm. Ở dây tòan những chàng tinh tế và lịch lãm, lại giỏi giang nữa chứ. Vậy nên Mộng Mơ nói hết công suất, nói cho thỏa lúc không được nói thỏai mái như thế này. Bọn mình nói một thì Mộng Mơ nói 5, 6.

Mình bắt đầu nghiên cứu menu của quán. Hình như bên kia bàn Thu Hồng cũng đang nghiên cứu cuốn menu để trước mặt. Bất giác hai đứa đưa mắt nhìn nhau đầy ý nghĩa.

Đọc hết menu, mình tiếp tục ngó quanh quan sát design của quán.

Đây là cái quán khá điển hình theo phong cách mới. Ta có thể gặp rất nhiều quán như vậy ở khắp nơi, thậm chí ở nước ngòai. Thực ra các nhà thiết kế ở Việt Nam đã copy rất nhiều từ nước ngòai và phong cách thanh lịch nhập khẩu rất được dân mình ưa chuộng. Những bức tranh sơn dầu của họa sỹ Việt Nam treo trên bức tường phun sơn màu hơi sậm, những chỗ lồi lõm tạo góc cạnh, hay những chụp đèn bằng giấy kiểu cách chỉ làm cái quán mang hồn rất “Tây”. Không khí tĩnh lặng không lẫn chút âm thanh của các bàn nhậu cùng với tiếng nhạc khe khẽ tóat ra từ những cái lỗ nhỏ trên trần nhà khiến cho người ngồi trong quán thấy mình sang trọng hơn.

Cuộc gặp mặt rốt cuộc cũng kết thúc vui vẻ. Bạn cũ gặp nhau nghe gì chẳng được. Văn Thành ấn định cuộc gặp tiếp và mọi người quả quyết sẽ tham dự.

Trước cuộc gặp lần hai mình hỏi Văn Thành, “Thu Hồng có đi không?”. Hắn trả lời chắc nịch, “Có chứ!”.

Vẫn chỗ cũ, khi mình đến đã thấy hầu hết những bộ mặt lần trước. Nhưng Hòang Oanh cáo đi gặp hội bạn khác. Mình cũng quen hội đó và dặn Oanh đừng nói mình thích dự hội này hơn để các bạn ấy khỏi áy náy. Mộng Mơ đến, cũng lại ngồi giữa nhóm thơ và bắt đầu mở máy. Mình ngồi xa xa với Việt Dũng và tán dóc dăm ba câu với hắn. Thu Hồng ngồi cười miễn cưỡng cạnh hội thơ, rồi lại cúi xuống cuốn menu.

Được một lúc Oanh gọi, “Mày vui không? Hé hé hé. Tao ở đây vui lắm. Thái “mắm” nó kể chuyện bọn tao cười lăn lộn”. Mình quyết định về sớm rồi phi thẳng đến chỗ Oanh. Mình chẳng thấy chuyện của Thái “mắm” buồn cười như Oanh kể nhưng có vài cậu đọc thơ hài cứ tỉnh tình tinh với giọng nhà quê thứ thiệt khiến mình rất vui. Bọn mình ăn uống cười đùa đến tận 12 giờ mới tan. Nghe đâu hội Tao Đàn ngồi với nhau đến 2,3 giờ sáng, kết hợp xem bóng đá luôn. May quá!

Được vài bữa mình lại nhận thông báo tụ họp. Đến nơi, không thấy Thu Hồng đâu, hỏi thì được Văn Thành khoe rằng cô bạn rủ “hôm nào rảnh ông với tôi đi càfe chứ hôm nay tôi mắc bận”. Mình ngao ngán nhìn về phía nhóm bình thơ và tính bài chuồn. Mình nháy Nam Mai, rủ sang quán khác để còn tranh thủ tri kỷ vụn. Nàng Maì mà nháy nhó thì cấm giấu được ai. Quả nhiên, Quang ngóai qua và khi biết ý định của bọn mình bèn đồng ý tham gia luôn. Mai đã rủ thì thơ chả là gì nữa!

Lúc bọn mình dợm đứng lên, Văn Thành ngoắc qua hỏi, “Đi đâu đấy?”. Mai nhanh nhảu, “Bọn Mai phải về sớm, Quang đưa về”. Chí Thành bỗng nghếch mặt nhìn lên. Quang buột miệng, “Đi không?”. Chí Thành chả biết mô tê gì nhưng chắc thấy đông người kéo nhau đi thì cũng đi theo.

Ra đến đường, thở phào nhẹ nhõm, mình và Mai lại chúi vào nhau cười. Hai ông bạn hiền, chẳng hiểu sao hai bà bạn đã già mà còn cười ngặt nghẽo như trẻ con thế, chỉ biết đứng cười khoan dung. Rồi cả bọn cũng kiếm được một quán càfe và ngồi nói chuyện vui vẻ. Cũng hơi áy náy với bọn Văn Thành, đã về sớm còn kéo theo 3, 4 đứa nữa. Hội Tao Đàn hôm đó cũng về muộn lắm, có lẽ thành lệ rồi. Hú vía!

Mình đã quên cái hội văn thơ này rồi thì bất chợt lại nhận được thông báo họp mặt. Mình định học bài của Thu Hồng, bảo Văn Thành là “hôm nào tớ với cậu rảnh ra quán càfe ngồi triết lý vụn cho vui”. Nhưng nghĩ lại không ổn. Hắn đã tính mình vào biên chế rồi chứ có phải khách mời như Thu Hồng đâu. Thôi đằng nào rồi cũng phải nói thật. Mình bèn nói hụych tọet rằng mình chán ngấy đến tận cổ cái hội Tao Đàn của hắn rồi.

Hắn có vẻ không vui nhưng không nói gì. Lát sau hắn mới lầm bầm, “đã ai làm gì đâu mà chán!”. Văn cũng phụ họa theo, “bạn xem thế nào đi chứ!”.

Ôi, cái bạn Văn Thành này. Mình mến tài hắn lắm chứ. Hắn học giỏi đã dành, viết cũng hay mà làm thơ còn hay hơn. Đông tây kim cổ hắn thuộc làu làu. Lại lắm tài lẻ tẻ đếm không hết. Chả lẽ hắn không hiểu cơm độn mì, mà mì lại nhiều hơn cơm (dù cơm gạo tám) thì khó nhai lắm. Bọn hắn khỏe, ăn thế nào cũng xong chứ bọn mình đã ăn ít lại quen ăn ngon mà ăn cái món độn mì ấy thì chỉ có mắc tại cổ thôi. Cái Tao Đàn này quyết chẳng phải dành cho những người như mình.

Đã quyết rồi mình cũng thấy thanh thản. Mình đang nghĩ xem có gì làm hắn vui lên không.

10/04/11

PS. Ngày 10/04/11 Ngô Bảo Châu đóng cửa blog. Thế giới mạng nguy hiểm hơn ta tưởng rất nhiều, nhất là khi ta muốn làm chính mình trong thế giới ảo.

Tháng Năm 3, 2011 Posted by | Tản văn | | 10 bình luận

Tống biệt hành

  

Quán nhỏ chênh vênh nép sườn đồi

Cửa nay phải khóa, nước lại sôi!

Bình cũ, rượu xưa men còn gắt

Ghế gỗ cập kênh, khách khó ngồi.

Vách nứa thơ treo dăm câu lạt

Chõng tre chữ rụng mấy dòng lơi

***

Nhà trống, gió vào duyên khôn đặng

Song thưa, trăng ngó phận chẳng thành 

Tiễn khách qua cầu, trời đang rạng

Tô-lịch “gầm lên khúc độc hành”…

Tháng Năm 1, 2011 Posted by | Tản văn | 4 bình luận