Lớp A0 – Khóa 9

They came, they saw and they ….

Tạm biệt mùa hè

Blog A0K9 hiu quạnh lâu quá rồi. Hâm nóng lên một chút vậy.

Снова птицы в стаи собираются,
Ждёт их за моря дорога дальняя.
Яркое, весёлое, зелёное,
До свиданья, лето, до свидания!

Tháng Chín 1, 2013 Posted by | Tổng hợp | 1 bình luận

Câu chuyện cuộc sống V.2 – Dữ dội

Mọi quyết định của nàng không làm ai ngạc nhiên. Nhưng số phận của nàng khiến nhiều người sửng sốt.
Bài hát này rất thịnh hành cùng với tuổi trẻ của nàng.

It’s A Sin (Pet Shop Boys from England)

When I look back upon my life
It’s always with a sense of shame
I’ve always been the one to blame
For everything I long to do
No matter when or where or who
Has one thing in common, too- It’s a sin

Everything I’ve ever done
Everything I ever do
Every place I’ve ever been
Everywhere I’m going to- It’s a sin

At school they taught me how to be
So pure in thought and word and deed
They didn’t quite succeed
For everything I long to do
No matter when or where or who
Has one thing in common, too-It’s a sin

Father, forgive me, I tried not to do it
Turned over a new leaf, then tore right through it
Whatever you taught me, I didn’t believe it
Father, you fought me, ’cause I didn’t care
And I still don’t understand

So I look back upon my life
Forever with a sense of shame
I’ve always been the one to blame
For everything I long to do
No matter when or where or who
Has one thing in common, too- It’s a sin

Dịch: Đó là tội lỗi

Khi tôi ngóai nhìn quá khứ đời tôi
Luôn luôn là cảm giác về tội lỗi
Tôi luôn là người đáng bị chê trách
Mọi chuyện tôi muốn làm, dù lúc nào, dù ở đâu, hay là với ai
Đều có một điểm chung: đó là tội lỗi.

Mỗi việc tôi đã từng làm hay sẽ làm
Mỗi nơi tôi đã từng đến hay sẽ đến
Đều là tội lỗi

Ở trường người ta dạy tôi phải sống thế nào
Sao mà trong sạch từ ý nghĩ đến lời nói
Và những lời dạy ấy chẳng thành công với tôi
Mỗi việc tôi đã từng làm hay sẽ làm
Mỗi nơi tôi đã từng đến hay sẽ đến
Đều là tội lỗi

“Thưa cha, hãy tha thứ cho con, con đã cố không làm những điều đó
Vặn ngược chiếc lá non, rồi xé tọac nó
Bất cứ điều gì cha dạy con, con đã không tin
Thưa cha, cha đã đấu tranh với con vì con đã không để tâm
Và cho đến bây giờ con vẫn chẳng ngộ ra được điều gì”

Do vậy tôi đã nhìn lại cuộc đời mình
Mãi mãi với cảm giác về tội lỗi
Tôi luôn là người đáng bị chê trách
Mọi chuyện tôi muốn làm, dù lúc nào, dù ở đâu, hay là với ai
Đều có một điểm chung: đó là tội lỗi.

******
Nàng là người tình cũ của Kha, một chàng thư sinh trắng trẻo, đẹp trai và rất đỗi hiền lành.

Người ta thường dùng mối liên quan giữa các sự vật đời thường để định nghĩa ví von cho tình yêu và do vậy có vô số định nghĩa theo cách hình tượng này. Dân yêu thích khoa học hay định nghĩa tình yêu là lực hút của hai cực âm và dương của nam châm hay lực hút của hai điện tích trái dấu, chiều âm và dương. Đại lọai vậy.

Không biết tình yêu của họ có mạnh như lực hút trái dấu không nhưng họ thực sự là hai cực của tính cách. Chàng nhu mì, nói năng nhẹ nhàng, đôi khi gương mặt trắng trẻo lại đỏ ửng lên khi bị trêu chọc. Từ phong cách của chàng tóat ra vẻ nghiêm túc dù chàng cũng biết nói đùa hay kể chuyện dí dỏm. Nàng nói năng bạo dạn, đi đứng rất tự tin. Nàng giao du với cả giới văn nghệ sỹ và ăn mặc khá mốt. Nhìn nàng đã thấy con người của sự phóng khóang, hiện đại.

Cũng không có gì khó hiểu cho khởi điểm tình yêu của họ. Ở chốn xa xôi lạnh lẽo xứ người, nơi hai người đi du học thì có được anh bạn trai đã đẹp trai lại tốt bụng, nhiệt tình, học cùng lớp, ở cùng ký túc xá thật là quí. Cuộc sống trẻ trung vô tư lự cũng làm tình yêu đến dễ dàng hơn.

Dù sao mặc lòng, trông họ khá đẹp đôi. Cả hai đều trắng trẻo, cao dong dỏng và có nụ cười rất tươi. Họ cùng chung nhau rất nhiều việc, ký chung nhau bất cứ chỗ nào có đủ chỗ cho hai chữ ký. Cặp chữ ký nắm tay nhau ngất ngưởng, vô tư như tình yêu thủa học trò.

Họ thường đi sóng đôi trên con đường dẫn vô trường, rồi đứng bên nhau trước thềm của dãy phòng thí nghiệm, nơi họ cùng làm việc. Anh luôn mang túi xách cho nàng. Còn nàng đi lơn tơn, nhìn xung quanh cười vô tư sung sướng, như muốn khoe sự si tình của người bạn trai tận tụy. Lúc nàng bước qua chỗ gập ghềnh, hơi xiêu viêu như sắp ngã, chàng vội bước tới đỡ tay nàng.

Anh và nàng có một nhóm bạn đồng nghiệp cùng trang lứa hay đứng tụ tập chuyện trò, bàn luận sôi nổi. Chàng chỉ đứng mỉm cười, gật đầu khi tán đồng, và nhẹ nhàng nói câu “thế à” khi có sự nghi ngờ, ngạc nhiên. Nàng luôn tham gia rất nhiệt tình, rồi cười cũng rất nhiệt tình. Nụ cười tươi được coi như thương hiệu của nàng.

Mọi người đều cho rằng nàng có vẻ lấn lướt chàng và không khỏi băn khoăn, “có cái gì chung giữa hai người?”

Nhóm bạn này mới trở về từ nước ngòai, mang theo không chỉ kiến thức khác biệt mà còn phong cách khác biệt, từ phục sức tới cách nói chuyện. Đất nước còn đóng cửa, mọi người nhìn họ đầy thán phục và ước mơ. Nàng đầy kiêu hãnh đi trong nhóm người đó. Những bước đi mạnh mẽ, những nụ cười tự tin và bạo dạn.

*
Kha cảm thấy khỏang cách với nàng dần rộng ra cùng với thời gian sống ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học. Nàng có thêm nhiều mối quan hệ, trong đó nhiều người khác hòan tòan với anh. Nhưng anh vẫn không hề biết rằng, trong đầu các bạn bè, người quen, dự đóan về sự tan vỡ mối tình sinh viên của anh mang tính chắc chắn tuyệt đối.

Rồi một chàng trai trí thức khác xuất hiện. Chàng trông chắc chắn tự tin hơn Kha; và đáng sợ hơn là chàng tỏ ra tháo vát, điều Kha thấy mình có cố mấy cũng không vượt lên được. Kha cứ lùi dần về điểm zero, cái điểm mà họ phải chia tay, điều ai cũng đóan sẽ xảy ra ngọai trừ anh.

Nàng lấy chồng. Anh có buồn không? Mọi người đều nghĩ như vậy.

Kha bắt đầu chơi với bọn Chi đúng dịp đó, cũng chỉ do tình cờ có việc phải trao đổi với nhau thôi. Đó là những cô bé lý lắc, cười vô tư, chỉ đủ khôn ngoan để hiểu rằng anh không nói gì thì cũng không nên hỏi.

Anh dường như không bị thay đổi gì, vẫn cười rất tươi khi nói chuyện, trông bình thản như bất cứ người đàn ông bản lĩnh nào. Chi thì thầm với các bạn, “trong cái rủi có cái may”. Rõ là thế, việc gì trước sau cũng xảy ra thì xảy ra sớm là may. Anh không còn đi sóng đôi với nàng nữa nhưng không ít lần người ta vẫn thấy nàng nhờ anh cầm hộ túi xách mang lên phòng làm việc. Anh không cười tươi, cũng không từ chối.

Dường như cái may có vẻ đến chậm vì Kha vẫn luôn ở tư thế sẵn sàng phục vụ nàng bất cứ lúc nào khiến các cô bạn mới thấy hơi bất mãn với nàng. Còn mọi người thì có vẻ ái ngại cho anh. Hết duyên mà vẫn chưa hết nợ! Khi đã chín chắn hơn, Chi hiểu ra rằng, đó không phải sự lưu luyến, cũng không phải là thói quen khó bỏ mà chỉ đơn giản là sự chân thành dành cho bất cứ người bạn nào. Đó là sự tốt bụng đáng nể của anh, không phải sự yếu đuối.

*
Nhà Kha là một cái vila nhỏ yên tĩnh nằm ở của ngõ phía bắc thành phố, gần sát vùng ven đô. Ngày ấy, chỗ đó vắng vẻ vì từ khu nhà ở đến mặt đường xa lộ là khỏang đất rất rộng khiến tiếng xe tải ồn ào không lọt vào được phía trong. Thậm chí có vào đến nơi cũng bị các hàng rào cây cối chặn lại không vào được phía trong nhà. Hồi đó cũng chẳng có nhiều xe containơ như bây giờ nên các hàng cây làm hàng rào cũng ít bị bụi hơn, trông xanh mướt.

Cái vườn nhỏ nhà anh có một cây khế ngọt và một cây mận (người Bắc gọi là cây roi) cũng rất ngọt. Thỉnh thỏang anh mang một túi đầy các quả ngọt đó đến trường cho bọn Chi. Cả lũ gồm bốn đứa thi nhau thọc những bàn tay nhỏ nhắn vào túi và khoắng lia lịa tìm quả to và có vẻ ngọt nhất. Rồi vừa cắn vừa súyt soa “ngọt quá, ngọt quá”. Anh chỉ đứng nhìn cười hiền lành.

Trong nhóm có Mai là lớn nhất. Nó không trắng trẻo, cũng chẳng thích hát những bản nhạc trữ tình nước ngòai như mấy đứa kia. Nó cứng rắn mạnh mẽ, hay tỏ ra đàn chị răn bảo bọn Chi. Té ra nó mê Kha. Nó đích thị là một cực khác của Kha và lần này chắc đúng là lực hút của hai điện tích trái chiều! Lại thêm lý do bọn Chi thấy xa cách với nàng.

Mai biết cách lôi Kha lại gần nhóm mình hơn, khiến Kha chú ý đến Mai hơn và có lẽ đây chính là lúc vận may đến với anh.

Bọn Chi rất hay đi picnic ra ngọai thành. Đi bằng xe đạp vì thời đó xe máy chưa phổ cập nhiều. Ai khá giả hay có hòan cảnh đặc biệt mới sở hữu một xe máy, bất luận hiệu gì.

Bọn nó thường đến nghĩa trang Thủ Đức. Nghĩ trang này thật ra rất đẹp, nằm trên một quả đồi thấp và rộng. Hồi đó nó còn được bao bọc bởi những rừng cây cao su rất thanh bình và bạt ngàn xung quanh, rất hợp với ngữ cảnh cho các cuộc picnic. Và quan trọng là nơi đó có ba của một nhỏ bạn trong nhóm.

Lần đó, Kha lần đầu tiên tham gia với nhóm như một thành viên chính thức. Bọn Chi được gọi là “hội mini”, không biết do cùng nhỏ nhắn mini hay đều đi xe đạp mini. Xa lộ Biên Hòa bóng lộn khiến những chiếc xe mini chạy bon bon, nhất là những khi xuống dốc, những cái dốc dài cả cây số. Anh không thể đi mini được nhưng cái xe đạp nam của anh luôn luôn phải bám càng bốn chiếc mini bất trị. Anh cười rất sảng khóai và không chút e thẹn như vẫn thường gặp ở trường. Ngồi trên bãi cỏ, vừa tranh ăn anh vừa kể nhiều chuyện tiếu lâm. Cả bọn cười đùa trêu chọc nhau như năm người bạn bình đẳng, tinh nghịch. Để lại đằng sau mối tình cũ, để sang một bên mối tình mới chớm nở.

Sau buổi picnic, theo một đề nghị mà Kha chỉ có thể vui vẻ chấp nhận, cả hội đổ bộ vào nhà anh. Rồi các cô gái rồng rắn kéo nhau rầm rập leo cầu thang lên “hang ổ” của anh. Đó là căn phòng rộng có cửa sổ nhìn ra cây mận ngọt. Có lẽ vào thời điểm này mỗi sáng nhìn ra cửa sổ, bắt gặp những cành mận trĩu quả mọng nước, anh sẽ nghĩ ngay đến “hội mini” vui nhộn này.

Bốn cặp mắt lia khắp bốn phía khám phá giang sơn của Kha. Kha đứng khoanh tay cạnh cửa sổ. Bọn con gái, đứa ngồi trên ghế, đứa ngồi trên giường, đứa ngồi bệt xuống sàn đá hoa mát lịm. Kha lại lặng lẽ mỉm cười nghe các cô tranh nhau nói, cùng nhau phá lên cười. Mai có vẻ điềm đạm nhất, chắc không phải vì cô chín chắn nhất mà vì cô đang băn khoăn định hình mình ra sao trước mắt Kha.

Mấy đứa bắt đầu nhao nhao đòi xem ảnh, xem sách, xem các thứ Kha cất công mang từ trời tây về và còn lại sau cuộc chia tay với nàng. Kha hơi khựng lại, nói ngập ngừng:
– Cũng chẳng còn gì nhiều.
– Có gì xem nấy.
Mấy cô quả quyết trong khi Mai hơi ngần ngại.

Kha lục lọi rồi gom hết sách vào một chỗ, lấy chồng ảnh trong tủ ra cùng mấy thứ khác nữa.

Té ra cặp chữ ký ngất ngưởng kia trở thành vô duyên kệch cỡm nơi cõi riêng của Kha. Những cuốn sách thì anh đã mang hết lên trường để sung vào cái thư viện nho nhỏ ở phòng thí nghiệm của anh. Chỉ còn lại những cuốn không biết trốn vào đâu.

Kha giải thích những cảnh anh chụp trong những bức ảnh từ thời sinh viên. Chắc những ảnh riêng tư đã được di chuyển đi chỗ khác nhưng nàng vẫn hiện diện trong rất nhiều bức ảnh chụp cảnh sinh họat chung của anh. Sau này bọn Chi cũng hơi ân hận vì sự vô duyên và vô tình của mình. Tuổi trẻ tinh quái và tự tin vẫn thường cho phép mình trải qua những pha “nóng, lạnh”.

Lúc Chi bắt đầu tỉ mẩn chọn lựa mấy cái đĩa hát để mượn anh mang về thì anh nói luôn:
– Cứ mang hết về mà nghe, lúc nào trả cũng được.
Chi mừng hết biết vì hiểu rằng nó đã được chính thức sở hữu đống đĩa hát vô giá này, rõ ràng là nhờ cặp chữ ký vô duyên kia. Nó đang cố mắm môi nhét cho bằng hết đống đĩa hát vào cái túi vải khóac vai thì nhỏ Kim có cái lưỡi “nhọn” như tên nó chêm vào:
– Còn đống ảnh này nữa, nhét vào luôn đi.
Kha vừa cười vừa dứ nắm đấm về phía cô bạn tinh quái.

*
Kha không đả động một từ nào với các cô bạn mới về mối tình cũ, mặc định là bọn Chi đã biết rồi. Chỉ một lần Kha và Mai đang đứng với nhau thì nàng đi qua. Anh chỉ vào nàng và cười cười hỏi người yêu giọng vẫn nhẹ nhàng nhưng hơi khiêu khích:
– Có biết kia là ai không?
Mai kể lại với các bạn mình, muốn cho họ biết anh cũng không “hiền” đâu.

Nhưng rồi cả bọn vẫn líu díu theo anh đến thăm con nàng ốm.

Nàng sống trong một căn hộ tập thể. Mọi thứ đều đầy đủ cho một cuộc sống của cặp vợ chồng trí thức trẻ. Nàng có phong cách dung dị dễ gần. Nàng đón các cô sinh viên lạ này với nụ cười tủm tỉm đầy ý nghĩa, cặp mắt đen sáng long lanh. Rồi nàng nói chuyện rất vui vẻ và thân thiện với các cô. Nàng vẫn dùng giọng nói của những người bạn rất thân khi nói chuyện với Kha. Chi cảm nhận rất rõ cái khỏang cách hàng kí lô mét giữa các cô và nàng.

Ngày Tết đến, mọi người được nghỉ 1 tuần. Thường mùng một sẽ dành cho gia đình, mùng hai cho họ hàng và từ mùng ba dành cho bạn bè, người quen. Năm nào bọn Chi cũng lượn một vòng quanh bốn nhà, không phải để chơi mà để nấu nướng, ăn uống, tán dóc, trêu chọc, tâm sự…. Mỗi nhà một chuyên đề ẩm thực khác nhau.

Năm nay cái vòng đó bao gồm cả cái vila nhỏ nằm ở ven đô. Và không biết do nguồn cơn gì mà cái vòng ấy vươn một đường nhánh để rẽ vô nhà nàng, lúc này được coi là một người bạn thân của Kha. Có vẻ như Mai muốn đóng vai người cao thượng, hay chỉ đơn giản cô tò mò muốn biết thực chất quan hệ xưa kia của Kha.

Buổi ghé nhà nàng vào dịp Tết đó nàng đã hết tủm tỉm và vẫn nói chuyện rất hồn nhiên. Đương nhiên nàng nhìn mà không “thấy” bọn Chi. Nàng chủ yếu nói chuyện với Kha, những chuyện linh tinh như thường thấy trong các cuộc tán dóc không chủ đích giữa những bạn học cũ. Nàng vừa nói chuyện vừa đút hạt đậu phộng vào miệng đứa con trai còn chưa biết nói. Chồng nàng nhắc khẽ:
– Đừng cho nó ăn, không tiêu được đâu.
Nàng cười rất tươi, nói nựng con:
– Ăn đi, ăn đi cho biết mùi đời.
Hai người đàn ông cũ và mới của nàng đành chỉ biết cười trừ.

*
Rời trường đại học, mỗi đứa công tác một nơi nhưng tình thân của bọn Chi không bao giờ mất đi dù Chi đi xa khỏi thành phố đã lâu, còn Mai và Kha cũng lang thang tới chục năm ở nước ngòai. Kha cũng có nhóm bạn học mà rời xa rồi vẫn còn là bạn, trong đó có nàng. Và vô tình nàng vẫn tồn tại trong câu chuyện của cả bọn Chi dù chẳng bao giờ là bạn.

Vợ chồng Kha quay trở lại nước Nga tiếp tục theo đuổi việc học của anh. Nước Nga không còn là bản trường ca lãng mạn của gần mười năm trước. Nào đứng bán áo thun dưới ga tàu điện ngầm lạnh giá. Nào chạy đôn chạy đáo kiếm hóa chất làm thí nghiệm. Nào đổi trường, rồi trì hõan kế họach vì thiếu tiền. Anh vẫn cười tươi. Mai vẫn tưng tửng kể chuyện hài. Kha cảm thấy bình yên hơn bao giờ hết.

Một mùa hè Chi về thăm Sài Gòn và tìm gặp Mai. Cô bắt Chi ở chơi cả ngày để nói chuyện cho thỏa. Chi không ngạc nhiên khi thấy nàng vẫn hiện diện đâu đây trong cuộc sống của Kha, và tất nhiên là của Mai.

Nàng vẫn là nàng, con ngựa bất kham. Nàng cũng đi khỏi thành phố đã lâu. Nàng đi theo cái mà nàng cho là tiếng gọi của tình yêu. Người chồng đã lẳng lặng làm thủ tục cho nàng xuất ngọai với người chồng mới. Anh giữ lời hứa không tiết lộ cuộc chia tay không mấy đẹp đẽ của vợ chồng nàng để tránh đàm tiếu của người đời với nàng. Chẳng bao lâu sau anh cũng ra đi, nhưng vào cõi vĩnh hằng vì bệnh tim.

Nàng trở về để tiễn đưa chồng cũ lần cuối, để ngỡ ngàng nhận ra, nàng đang chôn đi cái chỗ dựa vững chắc nhất của đời mình. Nàng cũng ngỡ ngàng hiểu được nỗi đau khổ và sự chịu đựng anh đã hứng chịu từ nàng, người vợ phản bội. Nàng đau đớn vì từ nay hết rồi sự cao thượng của người chồng cũ. Đứa con chưa đầy mười tuổi không tha thứ cho nàng. Hạt đậu phộng “để biết mùi đời” nàng bón vào miệng nó thủa chưa đầy tuổi tôi đã không tiêu được trong bụng nó, đúng như sự tiên đóan của chồng nàng. Nó thề sẽ tách khỏi nàng sớm nhất có thể.

Cuộc đời đã ưu đãi nàng khá nhiều, từ gia đình đến bạn bè. Mỗi lúc nàng gặp chuyện buồn, lập tức có sẵn một bàn tay dang ra đỡ của một chàng hiệp sỹ, đại lọai như Kha. Chắc hẳn nàng phải có một giá trị ẩn giấu nào đó để có nhiều đàn ông vừa tài vừa tốt yêu thương nàng như vậy. Nhưng nàng đã lần lượt rời bỏ họ để đến với người mới mẻ hơn, đầy hy vọng hơn, và quan trọng là thỏa mãn nàng hơn. Nụ cười vô tư tươi tắn vẫn luôn là thương hiệu của nàng mà.

Người chồng mới là sự lựa chọn nhầm lẫn tai hại. Hình như sự chín chắn cũng không tỷ lệ thuận với thời gian trải nghiệm. Với một số người, nó tỷ lệ nghịch.

Nàng vẫn còn trẻ, đầy sức sống. Cơ hội cũng không từ chối ai nếu ta quyết đứng trên số phận. Nhưng dường như nàng bị đuối sức trong cuộc vẫy vùng đấu tranh sinh tồn. Cũng có thể nàng chưa bao giờ phải làm thế. Và nàng không biết phải làm gì. Nàng chìm dần trong vực thẳm của cuộc đời. Sự vô tư đã ròi bỏ nàng theo người chồng cũ. Nàng quay ra níu kéo vào bạn bè.

Kha dù làm thầy người lớn, dù tuổi đã qua dốc cuộc đời, vẫn luôn ngơ ngác giữa rừng người. Anh giải bài tóan cho mình còn khó khăn, làm sao giải nổi bài toán hóc búa của nàng. Những cuộc tâm sự điện thọai đường dài với nàng thường xuyên hơn và càng lúc càng dài hơn. Mỗi lần làm cái bồ để nàng trút bầu tâm sự như thế, thể nào Kha cũng bị lỡ một cái gì đó. Lần thì muộn đón con, lần thì quên mang thuốc cho má anh theo chỉ thị của Mai.

Mai thấy mình khó đóng vai cao thượng trong những lần như vậy. Cô phàn nàn và nhận lại từ anh nụ cười hiền và lời chống chế:
– Ấy, cái cậu bồ cũ còn chịu trận hơn mình ấy chứ. Mình bị gọi thế là ít đấy.
Mai chỉ biết cười xòa:
– Vụng chèo khéo chống thế!

Những dịp tâm sự nhỏ to những năm sau, Chi lại thi thỏang được nghe câu chuyện “xuống dốc” của nàng. Kha và Mai cũng chỉ dừng lại ở việc thông báo sự kiện, không chêm vào bất cứ nhận định nào xa hơn. Chi nghe xong thấy dửng dưng. Gieo gió thì gặt bão thôi. Có chi đâu. Người ta phải biết cái giá phải trả để kiềm chế mình. Ai cũng sẽ nghĩ như vậy, kể cả người hiền lành vô tư lự như Kha. Bài tóan của mình có lẽ chỉ có chính mình giải được thôi. Cho nên dù có bạn tốt như Kha và vợ bạn nhân hậu như Mai thì cuộc đời nàng cũng chẳng khá lên được. Nàng dần rơi vào sự trầm cảm nặng nề.

Cô đơn, việc làm bấp bênh, chồng vô tình, vô tích sự, nàng giam mình trằn trọc trong căn hộ tuyềnh tòang, là điểm trừ nặng cho tính sỹ diện của bất cứ ai ở hòan cảnh nàng. Đâu rồi nụ cười thương hiệu của nàng?

Giọng hát hút hồn của nam ca sỹ người Anh Neil Tennant xóay vào tâm trí nàng.
When I look back upon my life
It’s always with a sense of shame
I’ve always been the one to blame
For everything I long to do… It’s a sin
…Father, forgive me, I tried not to do it…
(Khi tôi ngóai nhìn quá khứ đời tôi
Luôn luôn là cảm giác về tội lỗi
Tôi luôn là người đáng bị chê trách
Mọi chuyện tôi muốn làm,…đó là tội lỗi.
…Thưa cha, hãy tha thứ cho con, con đã cố không làm những điều đó)
(Đó là tội lỗi-Bài hát từ ban nhạc Anh, Pet Shop Boys)
Nó dường như viết ra để nói đến tâm trạng của nàng. Nàng vốn từng bạo dạn, tự tin nhưng có lẽ sâu trong đáy lòng cũng không dám tự tin về hành động xé tan cái gia đình hạnh phúc của mình. Sỹ diện hay còn chút xấu hổ?

*
Nàng trở về nhà, không bao giờ biết chắc được đã thực sự “ở nhà” chưa, luôn nhức nhối với câu hỏi,”đâu là nhà mình và đâu sẽ phải là nhà của mình?”. Cha mẹ cũng đã rời nàng và còn lâu mới có thể “chuyển về sống” với cha mẹ được. Đứa con cũng cần có thời gian để tiêu hết hạt đậu phộng làm bụng nó còn nê. Mà chồng nàng đã nói rồi, đậu phộng không tiêu được đâu. Anh là nhà khoa học mà. Luôn chính xác.

Bạn bè đều biết cái vực thẳm mà nàng đã bị rơi xuống. Họ cố gắng giao lưu với nàng. Mọi người xung quanh cũng đi được chặng dường dài theo thời gian. Người ta bỏ xa nhau hết mặt này đến mặt nọ. Vợ chồng Kha thì vẫn chật vật với sự mưu sinh.

Ông Trời thích sự phong phú, muôn màu sắc. Nhiều người được ban cho khả năng làm cho mình có cuộc sống thỏai mái sung túc. Cái khó nhất với nhiều người nhưng lại dễ nhất với vợ chồng Kha là có khả năng làm cho mình có cuộc sống bình yên. Ông trời không cho nàng cả hai khả năng đó.

Thời gian vẫn nối đuôi nhau. Hình như vẫn không ai tha thứ cho nàng.

*
Cái thời điểm nàng đứng trên tầng 9 của một chung cư cao tầng để hòan tất cái kịch bản mà nàng đạo diễn rất chu đáo và hòan hảo, một người bạn thân chợt nghĩ tới nàng.

Mọi người bàng hoàng.Thời gian không phải cái đồng hồ mà ta có thể vặn ngược được chiếc kim cho thời gian quay lại để sửa chữa những phép tính nhầm, để khỏi phải nói câu “Giá như…”.

Kha trằn trọc mất mấy đêm. Chị nàng nhìn anh đầy luyến tiếc. Má anh chậm rãi nhắc lại ngày nàng đến thăm nhà. Mai thì ngậm ngùi, “thế là xong một kiếp người”. Chi cũng xót xa nhớ tới cơ thể trẻ trung, hừng hực ham muốn tận hưởng cuộc sống của nàng.
Chi ngỡ ngàng khám phá ra lòng tự trọng của cái người dường như sinh ra chỉ để hưởng thụ. Chi băn khoăn, chúng ta có bàng quang không khi không thể nhìn xuyên qua lớp vỏ bọc cứng của nàng, để nhìn được cái thế giới yếu mềm phức tạp trong lòng nàng, để bao dung hơn với nàng khi chưa quá muộn. Hay những qui luật cuộc sống là bất biến mà ta buộc phải chấp nhận, buộc phải dùng như kim chỉ nam cho hành động của mình.

Có lẽ nàng đã đóan già đóan non tâm lý của con người và đánh cược với ước đóan ấy. Nàng đã đi tìm sự tha thứ của đời bằng cách thức nghiệt ngã và dữ dội như con người nàng.

Có đắt quá không? Chỉ biết rằng ước nguyện cuối cùng của nàng đã được thực hiện. Trên nấm mộ người chồng cũ, một bức ảnh còn mới của nàng đã được gắn vào.

Tháng Năm 14, 2013 Posted by | Tản văn | Bình luận về bài viết này

Xuyên miền nhớ (2)-tiếp

Trở về (tiếp)

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, biên giới phân chia hai miền trước kia nằm e dè khiêm nhường trên lộ trình Bắc Nam. Nó không gây cho tôi cảm giác gì đặc biệt đến nỗi tôi súyt nữa thì bỏ qua sự hiện diện của nó. Cái ranh giới nổi tiếng kia chỉ cần 1 tích tắc để chạy qua nhưng lại cần hơn hai mươi năm để người ta có thể đi qua nó dễ dàng và nhanh chóng đến vậy. Và khi nó trở thành một điểm như bao điểm khác trên lộ trình thì người ta rất dễ bỏ qua nó, thậm chí không còn nhớ nó đã từng tồn tại trên đời.

Hàng chục năm sau tôi có đọc được một bài nói về sự lãng quên của chúng ta với miền đất đầu sóng ngọn gió đã lừng danh một thời: Vĩnh Linh, Bến Hải và cầu Hiền Lương. Mảnh đất nầy đã hy sinh mất mát nhiều và sau này họ lặng lẽ bươn trải trong nghèo khó trước sự lãng quên của người đời. Tôi ngờ rằng mảnh đất đó đã bị lãng quên ngay từ những ngày đầu, khi người ta gỡ bỏ hai trạm gác hai đầu cầu với hai sắc cờ bay phần phật trên đầu, cái biểu tượng khiến nó trở thành tâm điểm của sự chú ý không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Quả thực khi xe chúng tôi chạy qua cầu Hiền Lương, nó bình dị và lặng lẽ như bao cây cầu nhỏ khác bắc qua hàng chục con sông cắt ngang dải đất hẹp của miền Trung.

Tuy nhiên tôi vẫn nhận ra một điểm khác khá cơ bản. Bắt đầu tiến vào vùng đất của “bên kia” cũ, đường xá tốt hẳn lên. Những con đường này bằng phẳng, sạch sẽ và khá đẹp như chưa từng trải qua chiến tranh. Người ta nói rằng quân đội Hàn Quốc đã giúp chính quyền Sài Gòn xây những con đường này. Và có lẽ cả hai bên chẳng có lý do gì để phá chúng nên chúng được để yên cho đến ngày kết thúc chiến tranh.

Và đây rồi, sông Thạch Hãn và thị xã Quảng Trị. Bắt đầu từ đây tôi mới được chứng kiến dấu hiệu cuộc sống của miền Nam. Đó là lúc lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy từng tốp các thiếu nữ mặc những bộ áo quần trắng hoặc hồng (sau này tôi được biết đó là đồ bộ của phụ nữ miền Nam) đi phất phới dọc đường quốc lộ. Bọn con nít thò hẳn đầu ra cửa sổ ngó các cô cười và các cô đó cũng tươi cười lại với chúng tôi. Thật là vui vẻ và êm đềm làm sao! Lòng chúng tôi phơi phới niềm vui. Thật bõ vượt chặng đường gập ghềnh và xa xôi để được nhìn những cảnh tượng này.

Một hai chiếc xe bắt đầu chuyển hướng tách khỏi đòan đi về hướng khác. Đó là những người đầu tiên đã về đến quê hương: những người quê Quảng Trị. Chúng tôi hò reo tạm biệt họ. Với đa số chúng tôi, chặng đường phía trước còn xa lắm và còn dài ngày lắm nhưng niềm vui đã về đến quê hương như bắt đầu thấm vào tâm hồn cả đòan. Bắt đầu từ đây, mỗi khi đòan xe đến biên giới của một tỉnh thì lại có một vài chiếc tách đòan đi về hướng khác và mỗi lần như vậy chúng tôi đều bịn rịn chia tay. Mọi người ngóai nhìn nhau cho đến khi những chiếc xe chìm trong đám bụi mù tít đằng xa. Quen nhau chẳng bao lâu đã chia tay và không thể hẹn gặp lại. Mọi người dường như thấy thân thiết với nhau vì cùng chia sẻ hòan cảnh, tâm tư. Những chiếc xe rời xa nhau như kéo dài nỗi bâng khuâng của cuộc chia tay giữa những người bạn.

Cuộc hành trình băng qua dải đất miền Trung dài dằng dặc thực sự là cảm nhận đặc biệt mà ai cũng nên có dù lúc đó nó mới ra khỏi chiến tranh tàn khốc. Có khi xe chạy nửa ngày trời qua những nơi gần như không có dấu vết cuộc sống. Nhưng thiên nhiên không dấu nổi vẻ đẹp tự nhiên không gì có thể xóa được. Đó là những dải núi trùng điệp, những con sông trong vắt với hai bên bờ sạch sẽ, xa xa là những dải cát trắng phau, sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời. Có lẽ các con sông miền Trung đều rất nên thơ và các bãi biển ở đó rất rực rỡ.

Rời sông Hương trữ tình chúng tôi hướng tới đèo Hải Vân. Từ xa đã thấy những chiếc xe nhỏ xíu bò trên con đường lượn vòng quanh quả núi khổng lồ. Con đường màu đất đỏ như sợi dây quấn quanh ngọn núi màu xanh là màu của cây cỏ mọc trên đó. Nói là xe bò trên đường chắc không sai vì khi đã thực sự đi trên con đường đó rồi mới biết không thể chạy nhanh được khi di chuyển trên đường đèo Hải Vân. Nó nhỏ và lượn vòng đến nỗi chỉ cần sơ sảy tý là có thể rơi ngay xuống vực gần như kề sát con đường. Nó cũng chẳng đủ rộng để hai xe có thể chạy ngược chiều thỏai mái. Từng đọan một có những chỗ được đào lõm vào để những xe ngược chiều có thể tránh nhau.

Con đường uốn vòng quanh ngọn núi đã có thể coi là kiệt tác của bàn tay con người khắc họa vào thiên nhiên. Nhưng cái ý nghĩa “hải vân” đối với cảnh quan nơi đây mới thực sự là điều kỳ diệu mà thiên nhiên ban cho con người ở chốn này. Đó là nơi mây trời và nước biển (vân và hải) gặp nhau. Đứng trên đỉnh Hải Vân, tức là trên cao tít nhìn xuống ta có thể thấy những đám mây màu sắc sặc sỡ tiếp giáp với vệt màu xanh biếc của biển. Đẹp không lời nào tả nổi. Đám trẻ chúng tôi cứ quay bên nọ quay bên kia mà trầm trồ, “ồ, a, ơ kìa…”. Mọi người không ai điều khiển mà đồng lọat bị hút về phía xuất hiện cảnh đẹp. Bác tài buộc phải nhắc mọi người không được cựa quậy hay dồn sang một bên để ngắm bất cứ cái gì vì như vậy sẽ làm mất cân bằng xe và tai nạn sẽ xảy ra như chơi! Phải nói là đẹp đến nín thở, chắc máy ảnh cũng không lột tả hết được. Cũng có lẽ tôi đã may mắn qua đó vào ngày đẹp trời, có mây ngũ sắc và nước biển xanh biếc. Ngày nay qua Hải Vân, tàu chui qua đường hầm làm mất cơ hội thưởng thức cảnh trời nước gặp nhau. Nhưng mà cũng đỡ nguy hiểm hơn.

Xe đưa tôi qua những địa danh đã nằm lòng tôi từ lâu qua sách vở: Đà Nẵng, Qui Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết,…Và đây, Mũi Né, nơi hàng chục năm sau trở thành điểm du lịch nổi tiếng thế giới. Lúc đó tôi không thể hiểu nổi sao lại có nơi nào nước xanh biếc đến vậy, nằm rất gần đường với những mỏm đá lô nhô rất hữu tình. Thiên nhiên rực rỡ tưởng chừng như bức tranh mà họa sỹ có thể tô bất cứ màu gì họ muốn. Cho đến bây giờ tôi vẫn cho rằng miền Trung sở hữu nhiều cảnh đẹp nhất nước mình. Tôi đi Hạ Long nhiều lần, cũng thấy nó đẹp nhưng chưa bao giờ phải nín thở trước cảnh đẹp như ở đây.

Con đường thiên lý thuộc miền Nam có vẻ khang trang, thuận tiện hơn nhưng do chúng tôi phải chuyển xe rất nhiều chặng và nghỉ đêm tại nhiều chỗ tạm bợ nên sự vất vả cũng vẫn còn. Miền Trung cuối cùng cũng lùi xa và trước mắt là miền Đông Nam bộ. Dấu vết chiến tranh cũng nhạt đi nhiều. Lúc này cảm giác của tôi về miền Bắc đã rất xa vời. Miền Nam đất rộng người thưa nên đường quốc lộ băng qua vùng hoang vắng khá phổ biến, không như ở miền Bắc xóm làng chi chít dọc quốc lộ. Tất cả đều rất khác.

Đòan chúng tôi tiến vào xa lộ Biên Hòa, cửa ngõ phía Bắc của Sài Gòn vào buổi sáng nắng đẹp. Xa lộ Biên Hòa chưa bao giờ đẹp như lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó. Con đường này to rộng hơn hẳn tất cả các đường khác, chạy tít tắp như đến tận chân trời. Và nó phẳng, phẳng đến mức hai làn xe chạy vun vút hai chiều mà vẫn nghe êm ru. Người ta nói đùa rằng nó phẳng quá nên lái không khéo sẽ bay thẳng xuống ruộng. Nhìn lên phía trước tôi thấy đường có những vùng sáng lấp lánh như những con đường trong chuyện cổ tích. Tôi tưởng như mình đang mơ. Lúc sau trấn tĩnh lại thì nghĩ rằng đó là mặt đường có những vũng nước phản chiếu ánh sáng mặt trời. Nhưng đi mãi chẳng gặp vũng nước nào cả. Thì ra đường nhẵn bóng nên phản chiếu ánh nắng như những chiếc gương vậy. Gió lùa những mái tóc tung bay khiến lòng người thấy phơi phới. Sau này tôi đã đi lại con đường này thường xuyên, không thấy nó sáng lóng lánh như lần đầu nữa nhưng nó vẫn là một trong những con đường đẹp nhất và tốt nhất của Việt Nam. Nó tồn tại hàng chục năm không hề xuống cấp dù oằn lưng chịu đủ các lọai xe thượng nặng. Cũng lại của Hàn Quốc xây cho chính quyền Sài Gòn.

Chiếc cổng chào đã thấy trước mặt, cả xe ồn ào nhấp nhổm. Sài Gòn đây rồi!

Xe vượt qua cổng chào tiến vào đường Phan Thanh Giản, sau này đổi thành Điện Biên Phủ. Vừa qua khỏi cổng, bỗng nghe “rầm rầm rầm”, một thứ âm thanh ầm ỹ đập vào tai tôi khiến tôi không còn nghe được gì nữa. Tôi như bị sốc trong phút chốc không hiểu chuyện gì xảy ra cho đến khi nhận ra, đó là âm thanh của một thành phố sôi động. Nó là hỗn hợp của tiếng động cơ xe hơi, xe máy, tiếng nói chuyện của đám đông di chuyển trên đường. Đúng là Sài Gòn, không giống những thành phố khác. Hàng chục năm sau tôi đã gặp lại cảm giác này khi bước ra khỏi bến xe ở Time Square, New York. Cũng là thứ âm thanh hỗn độn của người và xe khiến tôi không thể nói chuyện điện thọai được trong khi những người xung quanh cứ tỉnh bơ.

Lần đầu tiên đến Sài Gòn tôi đã được đi qua những con phố sầm uất và đẹp nhất: Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), Độc lập (Thống Nhất), Tự Do (Đồng Khởi), Lê Thánh Tôn. Trụ sở Bộ Giáo Dục nằm trên đường Lê Thánh Tôn là điểm kết thúc chuyến đi “bão táp” của tôi. Sau khi được tuyên bố giải tán, mẹ con tôi nhanh chóng tìm chiếc xích lô để về nhà dì tôi. Có lẽ sự háo hức gặp người thân khiến tất cả mọi người quên hẳn việc chia tay nhau, không như những phút giây lưu luyến chúng tôi dành cho những người đồng hành rẽ ngang qua tỉnh khác. Tôi không còn nhớ bất kỳ một ai đi cùng chuyến xe với mình và cũng không bao giờ gặp lại họ.

Chiếc xích lô đưa chúng tôi qua nhiều phố phường người xe đi lại như mắc cửi. Tất cả mọi thứ đều lạ lẫm nhưng ngay từ giờ phút đó tôi hiểu mình sẽ yêu mến thành phố này mặc dù phải rất lâu sau đó tôi mới thôi nhớ Hà Nội và bạn bè của mình ở ngòai Bắc.

Chúng tôi thuộc những người về Nam sớm nhất nhưng về đến nơi thì thành phố đã kịp đổi tiền lần thứ nhất và chính quyền mới đã kịp đưa hết các sỹ quan của quân đội cũ vào trại cải tạo. Tất cả những đàn ông từ tuổi trung niên của gia đình tôi đều đang nằm trong các trại đó, kể cả những người là sỹ quan biệt phái hiện đang là giáo viên hay bác sỹ (một hình thức trốn lính rất hiệu quả của chế độ cũ). Vì vậy ngày đòan tụ cũng chứa chất nhiều ưu tư của sự chia ly và bất ổn. Tuy nhiên các dì làm rất nhiều món ngon cho mẹ con tôi ăn và đến chiều tối thì tôi đã gặp được hầu hết người thân còn lại ở Sài Gòn của mình.

Một trang mới của cuộc đời bắt đầu, không đơn giản và suôn sẻ như tôi và mọi người tưởng tượng. Nhưng tôi vẫn tự thấy mình may mắn được sống tại một thành phố và tại những thời điểm là tâm điểm của những cơn lốc làm thay đổi đất nước. Và cho đến bây giờ tôi vẫn luôn tự hào khi nói rằng, “Saigon is my hometown”.

Tháng Năm 3, 2013 Posted by | Tản văn | Bình luận về bài viết này

Xuyên miền nhớ (2)

Trở về

Năm 2005 cậu con trai làm cả nhà đứng tim khi cậu quyết định đổi vé máy bay đi từ Hà Nội về Sài gòn bằng chuyến tàu liên vận Thống Nhất xuyên Việt. Mọi người có lý do để lo ngại: ngòai việc cậu vẫn còn là đứa trẻ lớ ngớ ngòai đời, cậu đã sống ở nướcc ngòai từ lâu mà lại đi một mình. Cả nhà chỉ thở phào nhẹ nhõm khi nhìn cậu toe tóet cười ở ga Hòa Hưng, đang gò lưng đẩy mấy cái cần xé to đùng cùng mấy bà tiểu thương. Chuyến thám hiểm ly kỳ này rốt cuộc chỉ là những câu chuyện xoay quanh những người đồng hành cùng toa tàu với cậu: hai bà thương nhân người Trung và bác bộ đội người Bắc về phép. Nhìn cậu con vô tư kể chuyện, tôi chợt nghĩ, ba mươi năm trước cũng có một thiếu niên làm chuyến xuyên Việt đầu tiên trong đời, chuyến xuyên Việt hy hữu và đặc biệt đến nỗi những chuyến xuyên lục địa, xuyên Thái Bình Dương hay xuyên nửa vòng trái đất sau này so với nó chỉ còn là “ba thứ lẻ tẻ”!

*

Mùa Xuân năm 1975…

Lúc đó tôi đang ở ký túc xá cùng các bạn. Tin chiến thắng dồn dập từ miền Nam khiến cả khu nhà đầy ắp sinh viên và học sinh náo nhiệt ầm ĩ suốt đêm dù bài vở ngập đầu căng thẳng. Và cuối cùng niềm vui như nghẹt thở rồi nổ bung ra khi trận chiến thắng cuối cùng đã kết thúc chiến tranh và thống nhất đất nước. Với tôi niềm vui như gấp bội vì trong niềm vui chung, tôi có niềm vui riêng. Ấy là tôi và gia đình đã thỏa được lòng mong mỏi có ngày hôm nay để trở về Nam gặp lại đại gia đình đã bị chia cắt mấy chục năm. Tôi sẽ được tới một vùng đất mới, gặp những người thân chỉ được nghe qua lời kể.

Tôi bèn trốn trường về chơi với gia đình vào ngày 1/5, ngày lễ kế tiếp ngày vui chiến thắng. Còn gì hân hoan hơn những ngày say trong hòa bình còn mới nguyên.

Rồi tin tức giữa hai miền nhanh chóng thông thương, những bức thư gián đọan hơn hai mươi năm được nối lại. Chúng tôi được biết đầy đủ tin tức của người thân. Ông bà tôi đã ra đi cả rồi nhưng còn đủ các cô, chú, dì, cậu. Cô tôi viết thư hối thúc ba và các bác nhanh chóng về Nam. Các dì tôi cũng vậy. Với gia đình tôi, đó là điều khỏi bàn.

Khác với nhiều người, sau ngày thống nhất đã vào Nam ngay để chơi và xem xét tình hình, ba mẹ tôi chỉ báo cáo tổ chức và chờ nhận giấy điều động công tác rồi mới đi. Vào đầu năm học mẹ tôi đã nằm trong đòan giáo viên của Bộ Giáo dục gửi về Nam đợt đầu tiên. Vậy là tôi cũng khăn gói chuẩn bị lên đường cùng mẹ.

Tôi nhấc lên nhấc xuống từng quyển sách trong tủ sách yêu quý của mình. Biết mang gì và bỏ lại gì đây? Tôi đã phải bỏ lại cả con búp bê có khuôn mặt xinh đẹp với mái tóc vàng óng, biết nhắm mắt mở mắt và biết khóc oe oe. Con búp bê này dì tôi mang từ nước ngòai về cho. Tôi gói ghém theo những bức bưu ảnh có những hàng chữ tròn tim tím của những đứa bạn gái học cùng, cái Hương, cái Oanh, cái Vân, cái Hoa…. Mấy đứa bạn chỉ học mấy tháng với nhau ở nơi sơ tán cũng lũ lượt đến chia vui và tạm biệt cùng những dòng lưu niệm rất lâm ly. Bọn nó xúyt xoa ghen tỵ khiến tôi cũng thấy phấn chấn và tự thấy mình may mắn hơn bạn bè.
Dù biết cuộc hành trình trước mắt là dài và gập ghềnh, mẹ con tôi vẫn không thể giảm thiểu mớ hành lý hồi hương dưới hai chiếc vali. Và ngày xuất phát cuối cùng cũng đã đến.

Mẹ tôi là giáo viên, cũng là hiệu trưởng trường cấp 1. Ngẫu nhiên mà cuộc hành trình bắt đầu tại cổng trường của bà. Tất cả các thầy cô giáo trẻ đều ra tiễn đưa mẹ tôi. Họ đều mừng cho bà đạt được nguyện vọng ấp ủ bao năm. Tiếng cười nói huyên náo suốt dọc vỉa hè, nơi có mấy chiếc xe ca đậu hiên ngang háo hức chờ lệnh xuất kích. Chỉ khi có tiếng nhắc nhở mọi người lên xe để chuẩn bị rời khỏi thành phố, phút bịn rịn mới bắt đầu. Tôi vẫn nhớ hình ảnh cô giáo Quỳ, mẹ của cái Hà học dưới tôi một lớp, mắt đỏ hoe, mũi sụt sịt, giúi vào tay mẹ tôi một gói nho nhỏ. Cô Quỳ đã chuyển lên dạy cấp 2 từ lâu nhưng vẫn là người em thân thiết với mẹ tôi như từ thời hai người mới bỡ ngỡ về thành phố cảng xa lạ. Trong cái gói nho nhỏ ấy là cái hoa cài áo mạ vàng, gắn những hạt pha lê màu đỏ sáng lóng lánh. Nó không còn mới nữa nhưng là một vật quý hiếm thời đó và chỉ có thể được gửi về từ nước ngòai. Xe chuyển bánh và tôi cứ ngóai nhìn các thầy cô đứng vẫy tay cho đến khi xe ngoặt sang phố khác. Cái háo hức với một trang đời mới không làm tôi buồn trong thời điểm chia tay ấy. Và thực tế vài chục năm sau tôi vẫn còn được gặp lại nhiều người đã đưa tiễn mẹ con tôi ngày đó.

Điểm dừng chân đầu tiên của cuộc hành trình là thị trấn Bần, Hưng Yên. Đấy là nơi tập kết của tòan bộ đòan người đi Nam của Bộ Giáo Dục. Ở đây có thể gặp những thầy cô giáo đã đứng tuổi, đèo bòng theo một lũ trẻ con mà họ âu yếm gọi là lũ mất gốc vì “chúng nói rặt giọng Bắc”. Cũng có kha khá một đám người trẻ tuổi còn giữ nguyên giọng Nam. Đó là những người đã từng học ở các trường học sinh miền Nam những ngày đầu tập kết. Họ mới rời trường sư phạm không bao lâu và hân hoan trở về quê hương, nơi chỉ còn là những ký ức tuổi thơ xa xưa. Và trong đòan, không ít một lực lượng người tuổi còn trẻ, đa phần là nam bị điều động vào những vùng xa xôi, nơi không có đủ giáo viên hồi hương. Những người này có vẻ ra đi trong miễn cưỡng, thường lặng lẽ tót lên xe trước chiếm chỗ tốt do hành lý chỉ là một cái ba lô nhẹ tênh. Có lẽ họ không ngờ rằng chuyến đi đầy sóng gió này chính là bước ngoặt lớn cho cuộc đời họ, bước ngoặt mang lại một tương lai tốt đẹp mà những đồng sự ở lại quê nhà không bao giờ có được. Sau này ai cũng biết đất phương Nam là miền đất ẩn chứa biết bao cơ hội.

Đối ngược với hành lý gọn nhẹ của đám thanh niên chi viện, những người hồi hương ai cũng lỉnh kỉnh vali hòm xiểng. Thật là trớ trêu, những người nhanh chóng rời khỏi nơi mà họ luôn tâm niệm chỉ ở tạm dường như gói ghém theo mình mọi kỷ niệm của mấy chục năm ở nhờ. Bởi vì ai cũng biết, thời điểm đó miền Nam vẫn còn khá nhiều hàng hóa. Hành lý nặng nhưng lòng nhẹ tênh, chúng tôi ríu rít bước chân lên những chiếc xe ca nối đuôi nhau hướng về Hà Nội. Ga Hàng Cỏ là bến xe lửa duy nhất trong hành trình về Nam này sẽ đón tiếp chúng tôi cho chuyến tàu Hà Nội – Vinh vào tối hôm đó. Những người dân Hưng Yên đứnh hai bên đường vẫy chào tạm biệt đòan. Chỉ có hai tuần ở đây nhưng cũng đủ để đầy lên những cảm giác bịn rịn. Tạm biệt nhé những người nông dân với những chiếc áo nâu bạc màu đầy tình người và sự cam chịu. Đó là hình ảnh cuối cùng của tôi về những người dân điển hình của vùng đồng bằng Bắc bộ. Phải rất lâu sau tôi mới gặp lại hình ảnh này.

Ở Hà Nội tôi cũng thu xếp được thời gian chạy vào khu Thượng Đình để thăm các bạn đã ở cùng ký túc xá với tôi. Lúc đó là vào buổi trưa, mọi người đi ăn cơm gần hết nên tôi cũng không gặp được nhiều người. Cái Vân, một cô bé chín chắn, đậm người cứ bần thần rằng tôi thông báo quá đột ngột thế này làm nó trở tay không kịp. Nó vốn là đứa sâu sắc và chu đáo nên vô cùng áy náy với việc đi xa như thế này mà lại chẳng có kỷ vật gì. Tôi cũng không nói cho nó biết rằng trong hành lý của tôi có cả tấm bưu thiếp tự tay nó vẽ những cành hoa tím tặng tôi vào dịp sinh nhật vài tháng trước. Cuộc chia tay thật là vui vẻ. Mọi người có lẽ cho rằng tôi đi đến một tương lai tốt đẹp hơn. Hơn nữa, tôi cũng nghiệm ra rằng, cái cảm giác lưu luyến bùng phát chỉ bị chi phối khi có một lọai tàu xe nào đó chuyển bánh. Không có yếu tố “chuyển bánh”, người ta sẽ bình tĩnh hơn với sự chia ly. Thực sự những năm sau đó sống ở Sài Gòn tôi vẫn dành nhiều tình cảm cho những người bạn đã sống với tôi ở Thượng Đình.

Chiều tối ngày hôm đó chúng tôi khoan khóai bước lên đòan tàu để đi Vinh mà không biểt rằng đó là chặng đường êm ả nhất trong hành trình dài ngày của chúng tôi. Vì đòan có rất nhiều người nên chiếm hẳn mấy toa tàu và mọi người không phải chen chúc với hành khách thường. Mới đây thôi, lần nào đi tàu khách Hà Nội – Hải Phòng chúng tôi cũng bị chen lấn thiếu điều bị đè bẹp.

Tàu băng qua những phố phường đông đúc của Hà Nội. Tôi cảm thấy bồi hồi lưu luyến với cái thành phố lạ mà quen. Tại một ngã tư, tôi chợt nhìn thấy một người quen. Đó là anh Long, biệt hiệu Long “cò”, học trên tôi một lớp. Ngày xưa chuyện yêu đương trong trường phổ thông hiếm lắm nhưng trò gán ghép thì lại rất phổ biến. Cái lớp trên tôi ấy hiếm con gái nên các anh không ngần ngại “nhặt” các em gái lớp dưới gán cho nhau. Tôi bị gán với anh Long và các anh ấy đùa dai đến nỗi mỗi lẫn gặp anh Long tôi cúi đầu chạy chối chết. Nhưng thời điểm chia tay Hà Nội, anh này dường như là sứ giả của những gì gắn bó giữa tôi và Hà Nội nên tôi như muốn giữ lại hình ảnh thân quen này. Anh chàng không biết đến sự hiện diện của tôi, chống hai tay lên chiếc ghi đông, mắt chăm chú nhìn đòan tàu lao vun vút trước mắt. Tôi ngóai cổ nhìn anh cho đến khi góc phố đông đúc lùi xa tít. Đêm tối ập xuống rất nhanh và con tàu hùng hổ lao vào màn đêm đặc kịt.

Cùng với sự câm lặng của màn đêm, toa tàu cũng lặng xuống. Người lớn nhắc nhau nghỉ ngơi để lấy sức cho chặng đường dài. Tôi bắt đầu nghĩ đến miền đất mà tôi bỏ lại phía sau. Tôi mang cảm giác của cuộc chia tay không hẹn ngày trở lại. Xa xôi như vậy, biết bao giờ mới quay lại, gặp lại? Tôi bắt đầu thấy nhớ nó. Ngòai cửa sổ là đêm đen ôm trong lòng nó làng mạc của nông thôn miền Bắc. Chỉ sáng mai thôi, tất cả những thứ đó đã lùi xa vào quá khứ.

*

Ngày hôm sau, những chiếc xe ca rùng rình đưa chúng tôi qua vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Tuy nhiên sông La, sông Lam, sông Nhật lệ và những vùng núi hùng vĩ của Quảng Bình cũng để lại hình ảnh tuyệt đẹp trong tôi. Tôi chợt nhớ tới bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan khi tới vùng đèo vắng lặng uy nghi mà hữu tình này. Cái hùng vĩ đầy ăm ắp khiến ta thấy mình nhỏ bé trước thiên nhiên kỳ diệu.

Và đây, chúng tôi đang đi qua vùng chiến sự cũ. Nói là cũ nhưng dấu vết của chiến tranh vẫn còn tươi nguyên. Xung quanh là một khỏang không câm lặng không một dấu vết của cuộc sống. Chỉ có những đòan xe ngược chiều nhau phủ đầy bụi bặm của thời chiến. Cái được gọi là đường chỉ là những rẻo đất lồi lõm hằn những vết bánh xe. Xe chồm lên chồm xuống rồi nghiêng bên nọ ngả bên kia. Tôi không nhớ có ai bị nôn ọe không nhưng hình như mọi người đều cắn răng chịu đựng. Tài xế dặn mọi người ngồi im để xe giữ cân bằng. Mọi người đều cảm kích nỗi gian truân của những người lính phải trải qua những ngày chiến tranh. Mấy ông bố bà mẹ quay qua nói với tụi nhỏ, “tụi bay bây giờ là sướng lắm đó”. Cảm giác bình yên chỉ đến với chúng tôi khi có đòan xe chở các anh lính từ Nam ra. Rất dễ nhận ra họ, những người may mắn sống sót trở về. Đồng phục của họ bây giờ ngòai bộ quần áo xanh lá cây ra là khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc, là con búp bê sặc sỡ giống nhau như lột gắn bên sườn chiếc ba lô. Có lẽ họ cũng dễ dàng nhận ra chúng tôi, những chiếc xe chở cả con nít băng qua vùng chiến sự chỉ là những người hồi hương. Hai đòan hồi hương ngược chiều nhau, các anh lính miền Bắc trở về quê sau chiến tranh và chúng tôi, những người Nam trở về quê sau khi đất nước thống nhất. Có lẽ thời điểm đó chúng tôi là những người hạnh phúc nhất. Hai đòan xe tươi cười với nhau, vẫy chào nhau. Và tôi đã gặp rất nhiều đòan xe như vậy, chúng cho tôi cảm giác chiến tranh đã lùi xa.

Tuy nhiên càng đi sâu vào vùng chiến sự dòng xe hai chiều ngày càng dày đặc. Đi cùng chiều với chúng tôi còn có nhiều đòan xe chở lính. Họ đội mũ lẫn lộn sao vàng với sao nửa xanh nửa đỏ, cờ của Mặt Trận Giải Phóng. Còn có cả những đòan xe vận tải dài dằng dặc chẳng biết chở gì mà có vẻ nặng lắm. Ở đây đã xảy ra cuộc chen ngang bằng xe mà cả đời tôi lẫn đời nhiều người chắc chẳng thấy đến lần thứ hai. Có một đọan đường bị sự cố mà đợi đến khi thông được thì đòan xe hai bên phải nằm chờ đến mấy ngày. Khi đường đã thông, để giải thóat hàng cây số xe nối đuôi nhau khiến cuộc di chuyển chậm như rùa bò. Những xe chỉ chở lính nhẹ tênh bèn nhanh nhẩu vượt lên trước khiến một chiếc xe vận tải vội chắn ngang đường không cho xe sau tiến lên để họ thông hết đòan xe của họp. Kẹt nỗi trời đã về chiều và đòan xe của chúng tôi phải đến trạm đón tiếp Bắc Nam vào đêm đó. Trên xe đầy con nít và người lớn tuổi không thể để nhịn đói giữa đồng không mông quạnh được. Một cô giáo già được cử ra thương lượng với các anh bộ đội vận tải. Các anh không thể từ chối nên đành lùi xe lại nhường đường cho xe chúng tôi. Và chính lúc đó cuộc chen lấn xô đẩy bắt đầu xảy ra y như ở quầy bán vé rạp xem phim những lúc có phim hay mà lại khan hiếm vé hay ở quầy bán vé ở bến xe vào dịp nghỉ Tết. Nhưng các nhân vật chen lấn không phải người mà là những chiếc xe! Một chiếc xe lao tới, một chiếc khác cũng nhào lên ép nó sang một bên rồi vọt lên trước. Các xe khác ào ào xông lên ép nhau lượn qua phải rồi sang trái. Các xe này đều cho mọi người xuống hết để mình các anh xế “chiến” với nhau. Chỉ lạ là chẳng có xe nào ngã chổng vó cả. Các anh bộ đội vận tải sau một hồi la hét, dùng các lọai vật cản cũng đưa được đòan xe của chúng tôi qua ải. Chúng tôi thóat hiểm dông một mạch, để lại các anh vận tải chiến lại với đám bộ binh vô tổ chức kia. Đúng là cười ra nước mắt!

Xe chúng tôi về đến trạm Bắc Nam thì đã quá nửa đêm. Các cán bộ trạm thở phào nhẹ nhõm. Khổ thân họ, lo lắng mấy tiếng đồng hồ liền không biết việc gì đã xảy ra với chúng tôi. Đây là vùng có thể nói gần như là “chết”. Xung quanh không cây cối, không nhà dân, chỉ có gió hun hút phần phật trong đêm nhờ nhờ ánh trăng yếu ớt. Và lạnh.

Đói và rét khiến chúng tôi lặng lẽ ăn rồi ngả lưng, chẳng còn nghĩ gì dến ngày mai, ngày chúng tôi sẽ vượt giới tuyến nổi tiếng một thời để tiến vào vùng đất phía Nam của Tổ quốc.
(Còn tiếp…)

Tháng Năm 1, 2013 Posted by | Tản văn | 4 bình luận

Vô đề

Thuyen va Thung

Thơ

Do nghỉ có bị lệch pha

Nên không đông đủ “chín K”  ngày nào

Mặc dù chỉ có Tâm, Thao

Nhưng tình vẫn đậm như lần nào vô

Chào tạm biệt A0K9

Thầy Việt

Tháng Tư 20, 2013 Posted by | Tổng hợp | Bình luận về bài viết này

Thư ngỏ

Chào tất cả các em AoK9

Thầy đã vô tp HCM ngày 9/4, do  su troj duyen của các em A0K19, chương trình đi nhiều nơi, hôm nay đang ở Mũi Né, chiều tối thứ sáu 19/4 sẽ về đễn tp HCM, nếu không bận rộn kế hoạc đi chơi ngày lễ của các em, hy vọng thầy sẽ được gặp lại các em, ngồi chơi nghe thầy trò kể chuyện xưa nay, nhưng nếu bận thì đành để dịp khác vậy, chiều 24/4 thầy lại bay về Hà Nội. Đã lâu không gặp, chúc các em mạnh khỏe và hạnh phúc.

Tại Tp địa chỉ của thầy  8A/A3 Thái Văn Lung, mời các em rảnh đến chơi.

Thầy Lê Văn Việt

Tháng Tư 18, 2013 Posted by | Tổng hợp | Bình luận về bài viết này

Hiệp sỹ – Nàng là ai?

Nhân ngày 8/3 xin gửi đến các bạn bài viết tuy cũ nhưng luôn mới với tất cả chúng ta. Khi nào có thời gian xin tặng một bài khác dài hơn về các bạn gái của tôi.

Hiệp sỹ – Nàng là ai?

Buổi nhập trường là buổi khám sức khỏe tổng thể.

Khen ai khéo sắp xếp thật khoa học. Các sinh viên được gọi tên theo vần nên cứ theo vần mà xếp hàng. Tuần tự từ phòng này qua phòng khác. Bởi thế mà khỏang sáu bảy trăm em tuổi mười tám đôi mươi tụ tập ở sân trường không nháo nhào như cái chợ vỡ.

Đứng trước tôi mấy hàng là một cậu khổng lồ. Khi cậu ta bước lên cân, đám con trai đứng quanh vỗ tay ầm ỹ, “Cố lên! Cố lên!”. Vừa đẹp, 100 kg!

Đến lượt tôi bước lên cân, quả cân chúc hẳn xuống! Có 36 kg. Sau này bọn bạn bảo, “Mi nhẹ nhất trường!”

Hôm đó thấy bọn con trai trong trường kéo theo cậu khổng lồ cười đùa rất vui vẻ. Bọn lớp tôi cũng bàn tán về nhân vật bất thường đó và được biết cậu có tên mới là Ông Địa, ngòai chuyện trông cậu giống ông Địa, giống đến cả kiểu cười ra cậu còn học khoa Địa chất.

Khoa Địa chất nằm trên Thủ Đức, còn chúng tôi học ở Sài gòn nên tôi chỉ gặp lại Ông Địa vào dịp học quân sự tòan trường.

*

Năm thứ 2, ngẫu nhiên mà Ông Địa được phân công áp tải tôi trong buổi thi bắn đạn thật (chứng tỏ cậu đã đạt thành tích giỏi trong đợt học quân sự đó, được chọn đi thi bắn trước và được kèm các học sinh khác thi bắn chính thức ). Đấy là bài thi bắn bia di động, vừa chạy vừa bắn 6 phát vào cái bia di chuyển trong cái hào ở đằng xa phía trước mặt. Tôi sợ lắm, lần bắn đạn thật năm trước tôi vẫn còn nhớ cảm giác ghê người khi báng súng trường thúc vào vai, mãi mới cắn răng bắn tiếp cho hết 3 viên (thế nhưng vẫn đạt 3 điểm 9!).

Lần này tôi vừa chạy vừa run, chân cứ khụyu xuống. Khẩu AK trên tay run bần bật, cứ chúc xuống đất, không nhắc lên nổi. Ông Địa chạy vòng quanh tôi đầy bối rối. Sau đó cậu cố nặn ra những câu động viên, “ráng đi, chút xíu là xong thôi hà”. Cậu ta lặp đi lặp lại, “ráng chút xíu nữa nha,…”. Dù sợ, tôi cũng ngạc nhiên vì giọng nói ngọt ngào khác thường, trái ngược hẳn với vóc dáng đồ sộ của Ông Địa. Rốt cuộc, tôi cũng nhắm mắt bắn hết 6 viên và trúng 5, đạt điểm giỏi.

Rời trường bắn, tôi quên ngay cảm giác sợ hãi. Bọn tôi nháo nhác tìm bạn và chúi vào nhau tán dóc. Bất cứ chuyện gì cũng được kể đến chi tiết nhỏ và tìm được lý do để cười. Trên chuyến xe bus đưa bọn tôi từ trường bắn về lại ký túc xá, đám sinh viên nói chuyện như chợ vỡ. Bỗng một cậu lớp tôi oang oang, “Ê, tụi bây biết hôm nay Ông Địa kèm nhỏ nào lớp mình ở trường bắn không?”. Cả bọn quay nhìn tôi cười hắc hắc. Bức tranh người khổng lồ và cô tí hon cũng đủ gợi hài hước cho đám sinh viên vui nhộn này. Tôi vui vẻ kể cho đám con gái ngồi cạnh Ông Địa đã an ủi tôi như thể nào. Một cô lên giọng triết lý, “đàn ông thường có máu hiệp sỹ, khi cần là thể hiện”.

*

Về đến ký túc xá, việc đầu tiên là tắm rửa để đi ăn cơm. Tôi bận chút việc nên đi sau các bạn. Bọn nó đã tắm xong và đi nhận phần cơm trước.

Thật là tai hại khi ta cô đơn giữa đám xếp hàng dài bất tận. Các cô văn khoa đang chiếm lĩnh mặt trận, đẩy tôi lùi dần đến cuối hàng. Mà các cô xinh xắn điệu đà này tắm rất kỹ. Tình hình này chắc đến mùa quýt mới đến lượt tôi.

Bỗng một cô xăm xăm đi tới trước mặt, nắm tay tôi kéo đi tuồn tuột. Tôi líu díu đi theo cô và nghe cô oang oang, “Bồ theo tôi. Bồ cứ đi theo tôi. Bồ còn đứng đây đến bao giờ!” (các cô gái Sài gòn gọi bạn gái là bồ). Đến trước cửa buồng tắm, cô gái dúi tôi vào trong và bảo, “Để cho nhỏ này tắm trước. Nó đứng đây cả tiếng rồi”. Các cô gái xinh đẹp lúc trước đành hanh thế mà lúc này im như thóc, có lẽ vì sững sờ chưa hiểu chuyện gì mới xảy ra. Lúc hòan hồn thì tôi đã ở bên trong và nghe láo nháo bên ngòai. Không hiểu có cãi nhau gì vì tôi không.

Khi bước ra, tôi không thấy cô gái kia nữa. Và tôi không còn biết cô là ai trong hàng trăm nữ sinh ở khu ký túc xá đó. Tuổi vô tư, tôi cũng không băn khoăn tìm kiếm cô nhưng vẫn ghi lòng câu chuyện nhỏ này.

Tối hôm đó, sau bữa ăn, chúng tôi có cuộc họp các nữ sinh của dãy nhà. Tôi đến muộn nên không còn nghế và đứng tựa tường. Một cô gái cắt tóc “con trai” đứng ngay dậy, kéo nghế mời tôi, dáng rất ga lăng và nói ân cần, “Bồ ngồi xuống đây đi. Tui đứng được”. Tôi ngạc nhiên vì cái giọng êm ái rất nữ tính của cô. Nếu không ta có thể đóan già đóan non cô là “ngược tính”.
Hai cô gái xa lạ tôi không gặp lại lần nào nữa. Không ai bình phẩm “máu hiệp sỹ” của các cô. Nhưng rõ ràng trong ngày hôm đó, tôi đã gặp tới ba hiệp sỹ.

*

Người ta thường gọi “chàng hiệp sỹ”. Cái cụm từ “nàng hiệp sỹ” không có trong tự điển. Nhưng trong đời, tôi nhiều lần phải phân vân: Hiệp sỹ, nàng là ai?

Các chàng hiệp sỹ tôi cũng gặp rất nhiều. Nhưng gặp nhiều hơn trong đời lại là các nàng hiệp sỹ. Tôi được các nàng bao bọc quyết liệt, chăm sóc ân cần và đối xử ưu ái. Tôi sung sướng nép bóng các nàng. Tôi tin cậy các nàng hơn vì có ai hiểu mình hơn bạn gái. Thương cho những ai không có được sự bảo vệ của họ.

Chân dung các Nữ hiệp sỹ của tôi? Phong phú lắm: từ xấu đến xinh đẹp, từ đanh đá đến hiền dịu, từ trình độ cao đến thấp học, từ khéo đến vụng. Chỉ cần họ có tấm lòng là có thể thành hiệp sỹ. Thời nay đến nam hiệp sỹ cũng không cưỡi ngựa tuốt gươm nữa rồi.

Một cô gái đanh đá ư? Cô có thể là một hiệp sỹ tiềm năng. Đanh đá chỉ xấu khi đi kèm ích kỷ, nhỏ nhen, thủ đọan thôi. Nên nhiều cô vẫn được yêu và có hạnh phúc. Tôi đây cũng yêu họ lắm khi họ đanh đá để giúp người.

Hiệp sỹ – nàng là ai? Là sứ giả của lẽ phải dưới bộ mặt mà ta có thể gặp bất cứ đâu trong đời.

Tháng Ba 8, 2013 Posted by | Tản văn | 1 bình luận

Sự tích ngày mùng 8 tháng 3.

TBT đã có bài và ảnh, thay mặt các đấng mày râu chúc mừng các bạn nữ của blog A0khoa9 chúng ta. Mình cũng định adua, chúc mừng hôi vào một cái còm nào đó. Chợt nhận ra là mình không biết lịch sử từ đâu mà lại có cái ngày 8/3 này.  Tại sao cứ vào ngày này thì anh em ta lại phải vò đầu bứt tai, suy nghĩ nát óc để tìm quà tặng người yêu, tặng vợ, tăng con gái, tặng đồng nghiệp nữ,…? Thế mà họ chẳng có ngày nào phải dằn vặt như chúng ta. Vậy là dở anh Gúc ra tìm hiểu. Té ra nguồn cơn “nỗi khổ” của cánh mày râu chúng ta là đây. Xin mời mọi người đóng góp thêm.

%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%%

Ngày xửa ngày xưa, có một anh chàng trai, gặp được một người con gái xinh đẹp, thùy mỵ dịu dàng… túm lại là công dung ngôn hạnh đủ cả. Chàng đem lòng yêu mến và muốn cưới nàng làm vợ. Sau thời gian dài theo đuổi, cuối cùng thì nàng cũng nhận lời… với một điều kiện là hàng năm, nàng xin phép được một ngày vắng nhà để đi xa, còn đi đâu, làm gì, chàng không được thắc mắc, tìm hiểu. Nghe thấy điều kiện quá dễ dàng, anh chàng gật đầu đồng ý không chút đắn đo.

Cuộc sống hai vợ chồng trôi qua rất hạnh phúc, chẳng bao giờ họ to tiếng với nhau và cô gái luôn tỏ ra là một người vợ đảm đang, hiền dịu. Đến một ngày nọ, khi cô nàng xin phép anh chồng ngày hôm sau được vắng nhà, anh chàng mới nhớ ra lời mình hứa ngày nào. Lỡ hứa rồi, chẳng lẽ không làm, vả lại một ngày vợ đi vắng chắc cũng chẳng sao, anh chàng liền đồng ý. Ngày hôm đó mới dài lê thê làm sao khi mà đến tối anh chàng không thấy vợ về. Chàng cứ đứng lên, ngồi xuống, đi ra đi vào. Vừa sốt ruột, vừa lo lắng, chẳng hiểu có chuyện gì xảy ra với vợ mình… rồi bao nhiêu những suy nghĩ khác lai bắt đầu dằn vặt anh chàng…

Trời vừa hửng sáng, nàng đã trở về nhà. Bao nhiêu lo lắng, giận dữ, nghi ngờ dồn nén cả đêm qua chưa kịp bùng lên thì nàng đã nhẹ nhàng nhắc tới điều kiện của ngày cưới. Đã hứa thì phải giữ lời, nam nhi đại trượng phu là vậy. Những nghi ngờ tuy còn vương vấn trong lòng, nhưng theo thời gian, cũng dần phai nhạt đi. Cuộc sống hai vợ chồng lại êm ả trôi qua.

Một năm nữa lại trôi qua, và cái ngày mà người vợ xin phép vắng nhà lại tới. Vì đã hứa nên anh chàng lại phải để cho vợ đi mặc dù trong lòng, sự lo lắng, nghi ngờ, tò mò ngày càng tăng. Một năm nữa, rồi một năm nữa… cứ đến đúng ngày là người vợ lại đi vắng nhà và lại trở về nhà ngày hôm sau vào đúng lúc mặt trời mọc. Trong cuộc sống, người chồng chẳng có điều gì có thể phàn nàn về người vợ của mình được cả, ngoại trừ nỗi tò mò, nghi ngờ ngày càng dày vò anh chàng.

Đến một lần, vào ngày mà người vợ lại đi vắng như mọi năm, không thể kìm được sự tò mò của mình nữa, anh chàng quyết định bám theo người vợ. Người vợ cứ cắm cúi đi, không hề biết là người chồng đang bám theo mình. Đi mãi, tới bìa rừng, người chồng thấy vợ mình chui vào trong một bụi cây. Chờ mãi không thấy người vợ đi ra, anh chàng rón rén lại gần.

Tới nơi, chàng thấy có một con rắn hổ mang đang cuốn mình lột xác. Hoảng hốt, sợ hãi, chàng vội cầm con dao chém con rắn. Trước sự ngạc nhiên khôn tả của người chồng, con rắn lại hiện nguyên hình là người vợ nằm trong vũng máu, quằn quại, hấp hối.

Thì ra hàng năm, cứ đến ngày này, người vợ lại biến thành con rắn hổ mang và khi lột xác thì bao nhiêu những bực bội, những giận dữ kìm nén trong một năm qua cùng với nọc độc được xả đi hết, để rồi khi trở về nàng lại trở nên xinh đẹp hơn, là một người vợ hiền dịu hơn, chiều chuộng, nhường nhịn chồng hơn. Chỉ vì sự tò mò, lòng nghi ngờ đã làm cho người chồng thất hứa và kết quả thì chàng đã làm một điều mà chẳng thể nào cứu vãn được nữa.

 Để chuộc lại lỗi lầm mà ông cha mình đã làm, hàng năm anh em tự nguyện dành một ngày cho chị em được tự do, thoải mái, muốn làm gì thì làm, hy vọng là sau ngày đó thì chị em sẽ lại trở nên hiền lành dịu dàng hơn và lại “cam chịu” hơn và lại chờ đến ngày này năm sau để “xả”.

Tháng Ba 8, 2013 Posted by | Tổng hợp | 2 bình luận

Hoa xuyên tuyết

snowdrop

Mùa đông ở nước Nga thường kéo dài đến hết tháng 3.  Khi đó, trong rừng,  chỉ  toàn cây trụi lá, tuyết vẫn phủ trắng khắp nơi, nhìn thoáng qua sẽ chẳng thấy dấu hiệu nào của mầm sống. Trên mặt đất,  một số nơi tuyết đang tan mỏng dần… Dưới lớp tuyết mỏng, chịu khó tìm kỹ sẽ thấy vài mầm xanh nhỏ xíu. Thế mà chỉ 1-2 tuần sau đã hiện ra cả một vùng cỏ lá xanh với hoa trắng trông hơi giống hoa thủy tiên nhưng lại có mùi  thơm. Người Nga gọi là “Hoa dưới tuyết” –  подснежник. Mãi sau này, mình mới biết người Việt ta gọi là Hoa xuyên tuyết.  

Theo Wikipedia, Hoa xuyên tuyết sinh thành trong mùa băng tuyết đang sắp sửa tan và là một trong các dấu hiệu báo xuân về. Người châu Âu coi  hoa xuyên tuyết là biểu tượng của niềm an ủi và hy vọng, còn đối với thổ dân da đỏ ở châu Mỹ,  Hoa xuyên tuyết lại liên tưởng tới  lòng dũng cảm, sự bền bỉ và chịu đựng, lòng trung kiên sắt đá.

Hồi mình đang còn là sinh viên, mùa đông ở Moscow  rất hiếm hoa. Trong các dịp lễ hội, người ta phải chuyên chở hoa  tới từ các vùng miền nam ấm áp.  Các cành hồng nhung, tulip … bọc giấy bóng kính, đóng hộp từ  Tbilisi, Erevan… đi bằng máy bay tới Moscow với giá “trên giời”! Đã là sinh viên thì không chơi vậy! Bọn mình bắt xe bus đi vào mấy cánh rừng ngoại ô. Chịu khó lội tuyết vài cây số sẽ đào được vài khóm Hoa xuyên tuyết thật đẹp, bỏ vào cái hộp bìa nho nhỏ. Vậy là đã có quà tặng “nàng” nhằm ngày 8/3!

Nhân ngày Phụ nữ Việt nam, mình chúc các bạn nữ của A0K9 nhừng lời tốt đẹp nhất nhân danh những bông hồng kiêu sa, những cành tulip rực rỡ  và  thêm vài khóm Hoa xuyên tuyết kiên cường!

HoaTulip

Tháng Ba 6, 2013 Posted by | Tổng hợp | 4 bình luận

Câu chuyện cuộc sống V.2 (version 2)

Tiếp theo những chuyện cực ngắn được Minh Phương sưu tầm dưới tên gọi Câu chuyện cuộc sống mình xin giới thiệu Câu chuyện cuộc sống V.2 (version 2) gồm những chuyện có đủ đầu đuôi, đủ cả mắm muối và đủ gợi cho ta nhiều suy nghĩ. Những chuyện này đương nhiên là hư cấu nhưng đều dựa trên những chuyện có thật (based on true stories). Vậy nên các bạn có thể bắt gặp ở đây những nhân vật có thật ngoài đời, thậm chí có thể gặp chính mình trong đó.
Ngày xuân có lẽ nên nói chuyện vui, cho nên xin bắt đầu bằng một câu chuyện tình đẹp, một câu chuyện kết thúc có hậu.

Cổ tích Phương Đông

Hà hất mái tóc dài ra phía sau, chủ yếu để nghiêng người khoe dáng. Cô mặc chiếc đầm mầu đỏ ôm sát người, dài đến mắt cá chân, hướng mắt nhìn người người tấp nập qua lại ngắm nghía hàng hóa tại sảnh của khu thương mại sang trọng ở trung tâm Singapore. Mấy hôm nay cái sảnh này được biến thành nơi bán đồ thủ công mỹ nghệ của nhiều nước nhằm góp quỹ từ thiện và tăng cường sinh họat cộng đồng.

Hà cười tươi mời chào khách xem hàng từ gian hàng Việt Nam của cô. Bạn bè thường nói cô có khuôn mặt của Angelina Jolie và nụ cười của Julia Robert, tòan minh tinh nặng ký của Hollywood. Hà nháy mắt cự lại, “Người ta bảo đàn bà miệng rộng tan hoang của nhà mà miệng Hà rộng thế lỡ tan vỡ gia đình thì sao. Mà Angie đi giựt chồng người ta không giống Hà”. Tụi bạn cười hắc hắc nói Hà chảnh vừa thôi.

Hà nói thực lòng. Cô có đủ thứ, kể cả phong cách ăn mặc và dáng người đẹp, khuôn mặt đẹp trời cho nên cô không cần giống ai nữa hết. Cô đi bán hàng mà vui như đi dự tiệc. Vậy nên cô chọn bộ đồ thiệt đẹp và trang điểm kỹ lưỡng, rồi cười nói rổn rảng suốt buổi.

Một đòan du khách Việt nam đi qua gian hàng của Hà, dẫn đầu là một anh hướng dẫn du lịch với cây cờ phất phất trên tay để làm dấu cho khỏi lạc. Kể ra ngôn ngữ cũng làm biến đổi sự tự tin của con người khi vất ta ra chốn xa lạ nói gì cũng không hiểu khiến ta cứ nhớn nhác bám lấy sợi dây duy nhất có thể giải cứu mình khỏi bất đồng giao tiếp.

Hà chào hỏi đám du khách như tìm cớ để được nói tiếng Việt rồi nói như thông cảm:
– Cô bác sang đây chơi chắc chẳng mua đồ Việt Nam làm gì. Xung quanh đây có nhiều đồ của các nước khác, cô bác ngó qua xem có mua được món nào không.

Đám khách ngó một hồi rồi kéo nhau sang hàng khác. Một anh vẫn tần ngần nấn ná như muốn chờ đứa con gái đang ngắm nghía các lọai hàng đủ màu sắc xung quanh. Hà đang lúi húi cúi xuống xắp xếp lại gian hàng, khi ngẩng lên nhận ra người quen vội reo lên:
– Ủa, anh Ba, anh đưa gia đình đi du lịch hả?
Ba lúng búng:
– Ờ…
Hà cười tươi rói hỏi thăm đủ thứ, xoa đầu đứa con gái nhỏ khen nó dễ thương. Cô dỗ nó:
– Con thích gì cô cho nhưng chỉ được một thứ thôi nha.
Con bé cũng chọn được một món và ôm chặt bằng một tay, tay kia nắm lấy tay bố.

Có tiếng í ới gọi bố con Ba để theo nhóm tiếp tục hành trình tham quan. Họ chỉ được nửa tiếng ở mỗi nơi. Ba dắt con chậm bước rời gian hàng. Hà nói với theo giòn tan:
– Anh Ba đi mạnh giỏi nha.

Thái độ thiếu tự nhiên của Ba khiến cặp mắt của mấy cô bạn xung quanh chứa đầy dấu hỏi. Hà quay qua nói ngay:
– Mối tình đầu của Hà đó. Hồi chia tay Hà đau khổ lắm nhưng giờ chỉ như gặp lại một người bạn cũ thôi.
Lũ bạn không khỏi phì cười liên tưởng cô gái đỏm dáng như ngôi sao Hollywood này với người đàn ông trẻ đi lẫn trong đám đàn bà con nít líu díu trong biển người đủ màu sắc trước mặt.

Cũng đã lâu rồi nhưng cũng chẳng xa xôi lắm…

*

Học xong lớp 12, con bé Hà cao kều khẳng khiu ước mong lên Sài Gòn học. Nó chỉ đỗ cao đẳng nhưng rắp tâm học lên được đại học. Cùng một cái túi đồ nhẹ hều, Hà đi xe đò lên Sài Gòn nhập học. Nó thích ngay môi trường mới này.

Một buổi chiều mấy tháng sau Hà cảm nhận rõ rằng, tiền ăn, tiền ở và tiền học vượt quá hòan cảnh eo hẹp của gia đình. Hà lang thang vẩn vơ quanh sân trường, mắt mở to nhìn khắp nơi, dường như làm vậy thì sẽ tìm được cách nào đó giải thóat mình khỏi khốn khó. Đầu Hà ong ong với câu hỏi, “Làm sao bây giờ, làm sao bây giờ?”. Cảm giác tủi chưa đến với nó, đơn giản là nó còn phải nghĩ xem tuần tới, tháng tới nó sẽ sống thế nào.

Hà dựa cột điện và nhìn vào bảng thông báo bên cạnh. Ở đấy chi chit quảng cáo dạy thêm. Nó ngao ngán nghĩ, “giá mình học giỏi để có thể đi dạy kèm thêm”. Mình làm được cái gì nhỉ, nó tự vấn. Nó chỉ có hai bàn tay khéo làm việc nhà và sức khỏe dẻo dai. Chả lẽ đi làm giúp việc nhà. Ừ nhỉ, tại sao không. Chỉ còn cách đó thôi nếu muốn ở lại Sài Gòn.

Có lẽ chỉ có Hà biết mình đi ở vì nó được ở nhà người chị họ xa và được đi học khi đã hòan tất công việc nội trợ. Chiếc xe đạp Hà vác trên vai lên xuống bốn tầng cầu thang sáng chiều có lẽ nhẹ hơn nhiều cái gánh nặng lo ăn ở. Hà lại cười tươi rói và nói chuyện lanh lảnh với bạn bè.

Mối tình học trò từ thị xã dưới miền Tây cũng theo Hà lên thành phố. Mối tình đẹp hay nền nếp gia giáo của gia đình đã khiến Hà miễn dịch với phong trào “đại gia, chân dài” khi Hà trổ mã và được bạn bè khuyến khích tham gia diễn thời trang kiếm cho đủ tiền học lên đại học? Hà chỉ lờ mờ biết rằng cái giá cho sự sa ngã là rất lớn. Cô chỉ dám tham gia diễn thời trang sinh viên thôi. Cô biết cám dỗ có thể thò tay ra từ bất cứ góc nào và sẽ túm chặt lấy mình nếu để nó chạm vào. Hà hớn hở khoan khóai đi diễn với háo hức về món tiền khiêm tốn sẽ nhận được để trang trải cuộc sống sinh viên ở cái thành phố sầm uất nầy. Diễn xong, cô vội vã thay đồ rồi hộc tốc đạp xe về nhà, vác chiếc xe đó lên căn hộ tầng bốn. Hà giải thích, phải thay đồ không mồ hôi ra hư hết đồ đi diễn.

Chàng Ba lúc nào cũng bên cạnh, si tình như chàng Romeo của Juliet. Có lẽ trên đời, gánh nặng tâm tư mới thực sự nặng.

*

Bố Hà bịnh rất nặng. Ông ra đi mà gia đình Hà chấp nhận như số phận đã sắp đặt như thế, chẳng hề hờn tủi, ”giá nhà mình có đủ tiền…”.

Má của Ba cũng đến dự đám tang. Bà đi lên đi xuống nhà trên nhà dưới nhìn trống huếch trống hóac vì chẳng có đồ gì đáng kể. Bà trầm ngâm ưu tư. Lúc ra về bà nắm tay Hà an ủi:
– Con ráng giữ sức khỏe. Đời còn khó khăn nhiều con ạ.
Hà quệt nước mắt nói ngẹn ngào:
– Dạ. Con cám ơn bác.
Bà ngoắc Ba ra về cùng. Số phận mối tình đầu đã được quyết định.
Ba nhận được chỉ thị của gia đình là nhà Hà nghèo quá, không môn đăng hậu đối với gia đình giàu có biết làm ăn của Ba. Hà biết chuyện bèn an ủi:
– Mình có hai bàn tay, có đầu óc. Ráng cùng nhau làm ăn rồi cũng sẽ khá thôi.
Ba thấy cũng có lý.

Gì chứ cái duyên số là chúa chơi khăm người ta. Ba bị thua nợ. Gia đình mừng húm vì có cớ để ép buộc Ba. Hà cố níu kéo:
– Em và anh sẽ cố làm để trả nợ này.
Ba thấy chông chênh quá. Một cô dâu khác đã sẵn sàng với món nợ được trả ngay sau cái gật đầu của Ba.

Hà như người đang từ từ tụt xuống vực mà chỉ nắm được một gốc cây trên miệng vực và nhìn thấy các rễ của gốc cây đó đang dần dần bị lôi lên trên mặt đất. Hà khóc nhiều, nhiều lắm. Cảm giác tủi cũng chưa đến vì Hà còn bận luyến tiếc bảy năm yêu và cái quyết tâm sống đời ở kiếp với nhau.
Mẹ nói với Hà:
– Con về thị xã sống với gia đình cho khuây khỏa đi con.
Hà nghe đâu đó câu nói xưa như trái đất, “người ta hay không phải không bao giờ vấp ngã mà hay khi biết đứng dậy sau
mỗi lần vấp ngã”. Thì đây, Hà chịu khổ mãi sao? Hà rắn rỏi:
– Ở Sài gòn mới có cơ hội kiếm tiền. Con về với mẹ thì nhà mình chẳng bao giờ hết khó khăn. Đã học xong rồi, chỉ còn việc làm nữa thôi mà.

Hà rất mê thời trang mặc dù cô học sư phạm. Hà lang thang không mỏi mệt qua các dãy phố có các hàng thời trang nối đuôi nhau. Cô thường tưởng tượng sẽ may mỗi kiểu thời trang với lọai vải nào mà cô nhìn thấy ngòai chợ. Cô say sưa ngắm các người đẹp đi qua với kiểu phục trang lạ. Cô không thể hình dung ra cuộc sống của mình thiếu vắng các tiệm thời trang.

Cái duyên với thời trang đã định vị Hà vào một trong những tiệm mà Hà đã lượn lờ qua hàng trăm lần để giờ đây hàng ngày Hà được ngắm và tìm hiểu về các kiểu quần áo, giày dép và túi xách. Thật là như cá gặp nước, như nắng hạn gặp mưa.

*

Rời văn phòng, Tuấn tắp đại vào một hàng thời trang trên đường Hai Bà Trưng để mua cái ví đầm cho bà chị mới đậu cao học. Các cô bạn ở công ty bảo anh cứ lên đó, mắc chút nhưng đảm bảo, lại được phục vụ tốt.

Tuấn thấy lòng mát rượi, thầm cám ơn các cô bạn đồng nghiệp khi nhìn thấy nụ cười tươi rói của Hà. Hà hỏi anh mua ví cho dịp nào và dự trù tiêu bao nhiêu, cô sẽ tư vẫn anh tối ưu. Cái giọng thánh thót hồn nhiên làm anh thấy tin cậy. Còn nụ cười của cô thì bắt chặt luôn ánh mắt của anh rồi.
Hà dí dỏm:
– Anh không khai đúng đối tượng em tư vấn sai anh ráng chịu nghe.
Tuấn chỉ cười. Anh tìm cớ nấn ná nói chuyện thêm để được nghe giọng nói trong veo của Hà. Cầm gói đồ được gói khéo léo anh hỏi:
– Chắc em là sinh viên đi làm thêm?
Hà cười dòn tan:
– Em nhìn trẻ dữ vậy sao? Em ra trường rồi. Đây là việc chính thức của em đó.
– Em cho anh số liên lạc để lúc cần hỏi ý kiến anh nhờ em được không?
– Được chứ, nghề của em mà. Anh giới thiệu bạn bè đến thêm nhá. Em không lấy mắc tụi anh đâu. Thiệt đó.
Tuấn vẫn có cảm giác Hà chỉ giống một cô sinh viên muốn tăng thu nhập và chỉ bán hàng tạm thời kiếm chút tiền xài thôi. Anh bỏ lại danh thiếp rồi ra về với cảm giác lâng lâng tràn ngập trong lòng.

Buổi đi uống cà phê được sắp xếp nhanh chóng sau bữa đó. Tuấn đón Hà vào một chiều thứ bảy và hỏi ngay khi nhìn thấy Hà:
– Em muốn đi đâu bây giờ?
– Em không biết đâu. Anh dân Sài Gòn phải biết hơn em chứ. Em dễ lắm.
Hà hồn nhiên quá, mỏng manh quá, mà cũng tự tin quá. Anh đưa Hà vào quán gần Nhà Văn hóa Thanh niên. Anh muốn khẳng định, trong mắt anh Hà vẫn là cô sinh viên đi làm thêm thôi. Anh linh cảm một chân trời lãng mạn bình yên đang vẫy tay phía trước.

Tuấn nhấp môi uống từ từ ly cà phê và lắng nghe Hà nói chuyện. Hà say sưa nói về tình yêu thời trang của cô và ước muốn có cửa hàng thời trang của riêng mình. Hà coi việc đi dạy cấp ba và việc đứng bán hàng thời trang chỉ khác nhau là cô thích bán hàng hơn. Có khập khiễng không nhỉ, anh thích thú tự hỏi và cũng thích thú nhận ra mình rất thích triết lý “kiểu Hà”.

Đã lâu rồi, mà có lẽ chưa bao giờ Tuấn gặp người con gái đẹp mà lại hồn nhiên, chân thật và dễ hiểu như Hà. Một luồng gió mát lịm thổi qua tâm can Tuấn. Các cô bạn khó hiểu khó chiều bỗng biến mất khỏi đầu anh và chỉ nhường chỗ cho Hà.

*

Cú ngã ở mối tình đầu không làm Hà mất niềm tin. Cô cũng không khát tiền để trả thù. Cô hiểu rõ tiền là con dao hai lưỡi nên luôn chọn cho mình hướng đứng tránh đầu dao để khỏi bị dao đâm. Cô cũng chứng kiến nhiều cảnh đại gia đưa bồ đi mua sắm đưa tiền không cần đếm. Dường như trong người cô có sẵn chất đề kháng cho bệnh ham tiền mu muội. Cô dửng dưng nhìn người ta mua sắm, chỉ biết tận tình tư vấn để bán được nhiều hàng nhằm lấy lòng tin của chủ. Và cô hoan hỷ khi nhận được tiền lương hay thưởng đủ để sắm cho mình bộ đồ vừa ý mà lại rẻ. Cứ thế đời trôi đi êm ả sau những ngày ôm gối khóc than cho mối tình bảy năm tan vỡ trong ngắn ngủi. Vả chăng cô thấy đời cũng trả giá khi được tin cô vợ môn đăng hậu đối của Ba cũng chê mà bỏ Ba.

Hà chưa dám nhận lời yêu Tuấn vì cô muốn chắc chắn. Cô sợ bị phản bội, sợ lắm. Cô cũng không nghĩ Ba phản mình mà chỉ vì má anh ép uổng quá đáng. Có lẽ nghĩ vậy mà cô vẫn còn lòng tin.

Hà đã thu xếp cho mình có được vài bộ đồ “củ”, mua được lúc hạ giá từ gía gốc. Cô hân hoan muốn trưng ra với bạn trai mới. Nhìn phong cách sành điệu của Hà, Tuấn tự nhủ phải đưa Hà vào mấy chỗ sang trọng trong mấy tòa nhà hiện đại ở trung tâm Sài Gòn. Để lấy le với đám thanh niên đồng lứa, cũng để Hà thấy mình được yêu chiều như thế nào. Họ còn trẻ mà, đâu thể sống khác các bạn trẻ khác được.
Khi Tuấn đưa Hà vô Sài Gòn Tower cho cô thưởng thức cà phê kiểu Ý, cô lần chần hỏi:
– Lương anh được bao nhiêu mà đưa em vô mấy chỗ mắc tiền vậy?
Anh nháy mắt đùa đùa:
– Ờ, thì cũng chỉ thỉnh thỏang mới vô thì cũng chịu được.

Hôm ấy, Hà kể chuyện mình cho Tuấn nghe. Cô cho biết nhà mình nghèo và cô trọng tình cảm hơn hết. Cô tự trọng và tự lập, không muốn lạm dụng ai. Tuấn chợt tưởng tượng ra một buổi sáng sớm chạy bộ ngòai công viên, anh vô tình nhặt được chuỗi kim cương một quí cô nào đó làm rơi khi mải hôn say đắm người yêu vào đêm hôm trước. Anh mỉm cười nhớ đến bài học đạo đức hồi còn nhỏ, “nhặt được của rơi, đem trả người đánh mất”. Nhưng anh lại tự lý luận, người chủ đâu biết mình mất của ở đâu mà tìm và mình thì lại càng chẳng biết ai đã đánh mất nó để trả. Chỉ biết ta cứ phải giữ chặt trong tay của báu này.

Tuấn vượt thử thách quá dễ dàng. Từ tình bạn qua tình yêu chỉ là bản van du dương êm ái.

Tuấn không phải công tử nhà giàu nhưng anh giàu kiến thức và nghị lực đủ để có công việc sang trọng, thu nhập cao. Anh có thể đưa Hà đi chơi khắp nơi trên thế giới.

Hà bước vào cuộc sống mới nhẹ nhàng, thuần thục như cô vốn sinh ra từ thế giới đó. Cô cũng mang vào đó những thói quen cũ như chúng vốn tồn tại ở thế giới đó từ lâu rồi. Cũng như khi người ta thêm một từ hiện đại vào bộ tự điển lâu đời ấy, chỉ cần nó hội tụ những điều kiện cần và đủ để được coi là một từ mới có ý nghĩa.

Cơn khát thời trang của Hà cũng được một trường thời trang ở Ý thỏa mãn. Một cửa hàng thời trang như ước muốn thủa nào được Hà tô vẽ, tính tóan với cái mỉm cười bao dung của Tuấn.
Tuấn luôn phì cười khi Hà so sánh một ly cà phê ở Paris bằng mấy chục tô phở ở thị xã nhà cô. Tuấn bảo:
– Em sẽ có cả cà phê lẫn phở, cứ thưởng thức cà phê đi.
Hà cười hồn nhiên:
– Em chỉ so sánh thôi mà.

Thực ra với Tuấn, một bàn tay khéo léo đảm đang việc nhà cùng hai đứa con tình cảm dễ thương đủ để anh đưa hết tiền lương cho vợ mà vẫn thấy chưa đủ. Anh lấy làm hãnh diện nhìn Hà chẳng khác gì các minh tinh màn bạc mà anh vẫn từng chiêm ngưỡng mỗi khi cô đi dự tiệc cùng anh.

Hà vẫn thường nói đùa, “chuyện của em như câu chuyện cổ tích ấy”.
Ai cũng biết truyện cổ tích phương Đông thường kết thúc có hậu.

Tháng Hai 17, 2013 Posted by | Tản văn | 1 bình luận

Xuyên miền nhớ

Đã lâu lắm rồi mình không đón Tết ở VN. Không như nhiều người, nhớ quay quắt cái Tết quê hương, mình không thấy bức bách gì nhiều mặc dù kỷ niệm về Tết của mình với gia đình (tức ba me và anh chị) rất nhiều. Đơn gỉan vì mình cũng không có cảm giác sống xa quê hương; ba me cũng đã xa rồi. Mình nhìn người nước ngoài một hồi cứ thấy họ giống người Việt mới lạ chứ! Chỉ đến khi có sự kiện toàn người Việt lẫn với vài người “Tây” mới nhận thấy sự khác biệt. Sống ở Sing lại chỉ như sống ở một thành phố “mở rộng” của VN, thậm chí từ Sài gòn hàng ngày có 10 chuyến bay đi Sing trong khi đi Hà nội và Hải Phòng chỉ có vài chuyến. Gần đây thậm chí còn có xu hướng “trốn Tết”, nhiều bạn bè, người quen của mình đi du lịch nước ngoài nhằm vào dịp Tết.

Năm nay Tết khá gần với ngày Tình yêu khiến mình muốn viết về tình yêu, nhưng không như trào lưu chung của VN chỉ nhăm nhăm nghĩ đến tình yêu đôi lứa, mình nghĩ đến tình yêu bao quát hơn, tình yêu với những người thân, với miền đất thân thương. Mình có dự định viết loạt bài khá nghiêm túc với chủ đề “Xuyên miền nhớ”. Những bài này thực ra rất riêng tư nhưng mình vẫn mạnh dạn chia xẻ với mọi người vì nó cũng có nhiều cái rất chung, rất “thời cuộc”.
Bài này là mở đầu cho loạt bài đó.

Miền Nam trong trái tim tôi
Hồi nhỏ mình rất thích 2 bài hát có liên quan đến miền Nam. Bài thứ nhất nói về tâm sự của em bé miền Nam đang sống trên đất Bắc- bài “Em nhớ miền Nam của em”. Bài thứ 2 là tấm lòng của em bé miền Bắc hướng về miền Nam, bài “Em đi thăm miền Nam”. Mẹ và chị mình, đều hát hay và hay hát, đã dạy mình những bài đó và mình nhớ mãi. Miền Nam sống trong tim mình từ những ngày còn rất nhỏ.

Có lần một bạn Nhật nói với mình rằng, nhìn bề ngoài người Nhật chúng tôi rất khác người Âu, Mỹ nhưng sâu trong tâm tư chúng tôi tư duy gần giống như họ. Càng tiếp xúc với họ càng thấy nhận xét đó đúng và mình chợt liên tưởng đến chính mình. Cái vỏ Bắc ruột Nam đã nhiều phen làm mình bị hố trước văn hóa ý nhị của người Bắc, nói B nhưng ám chỉ C mà mình cứ tin chắc đó là B. Đến giờ vẫn còn bị hố, may mà chưa bị thiệt hại gì nhiều.

Thực ra mình cũng đã bị nhận dạng từ hồi còn nhỏ. Ai cũng biết, Hải Phòng là căn cứ địa của hàng chục trường học sinh miền Nam sau những ngày tập kết. Đến thời mình đi học , các trường này đã bị xóa sổ, vài trường được chuyển đi xa nhưng trong lòng người dân HP vẫn ý thức về sự tồn tại của cộng đồng này nên thấy người “là lạ” là nghi ngay. Cho nên lúc còn học cấp một đã có lần 1 bạn gái chạy đến hỏi, “Bạn là người Nam à?”, mấy đứa đứng quanh còn chua thêm, “bạn có khuôn mặt khác lắm”!; rồi một anh phụ trách Đội thiếu nhi cũng hỏi, “Em là người Nam à?”. Còn các chú cán bộ thì khẳng định chắc như bắp là, “Nghe tên biết ngay cháu là người Nam”.

Mình lớn lên trong văn hóa Nam, món ăn Nam và vì thế sống trong tâm tưởng hướng về Nam, luôn nghĩ rằng đến một ngày nào đó mình sẽ từ biệt miền Bắc để về miền Nam. Niềm tin đó cuối cùng cũng được thành hiện thực.

Thực sự khi đã rời miền Bắc rồi, mình lại mang nặng tình cảm với Hà Nội, thành phố cuối cùng trên đất Bắc mà mình sống ở đó những năm cuối. Tình cảm đó kéo dài khá lâu trước khi nó hoàn toàn nhường chỗ cho tình cảm thực với thành phố
thực sự của mình – Sài gòn xưa và TP HCM bây giờ. Nói cho trung thực, với mình nó luôn luôn là Sài gòn.

Hồi đó mình cũng nghe mẹ tâm sự là lúc còn nhỏ đi học, bà nhìn lên tấm bản đồ thấy Hải phòng xa lắc lơ, chẳng có ý niệm gì về nó. Không ngờ sau này đã sống với nó hàng chục năm, đến nỗi sau này dân Hải phòng xa quê mỗi lần họp đồng
hương lại gọi ời ời bà đi họp cùng!

Nói tới nói lui nhưng rồi cuối cùng mình cũng có nhiều gắn bó với người Bắc. Những người bạn thân nhất, rồi một nửa gia đình riêng là người Bắc. Nhưng các bạn ạ, mình vẫn là người Nam, vẫn bị hố; vì miền Nam trong trái tim mình từ hồi còn nhỏ xíu. Ngày nay, mỗi lần đi xuống phía nam mình luôn có cảm giác rất lạ, càng đi sâu xuống cực nam cái cảm giác ấm áp thân thương đến lạ thường càng trào dâng.

Đây là lời những bài hát mình yêu thích. Dù lời ca của nó có nhiều cái không còn hợp thời nhưng chúng ta cứ nên tôn trọng lịch sử nó vẫn là thế.

Em nhớ miền Nam của em
Em đứng đây, bên bờ biển xanh bao la
Cánh buồm in nắng trắng xóa lướt nhanh về phương trời xa.
Nắng sớm reo vui, cuộc sống dạt dào
Hàng dừa in bóng như thiết tha vui mừng đón chào.

Năm tháng qua em rời miền Nam thân yêu
Nhưng lòng em vẫn nhớ mãi miếng đất miền Nam của em
Thương nhớ bao nhiêu, càng cố gắng học nhiều
Ngày mai thống nhất, đón Bác vào quê hương thân yêu.

Em đi thăm miền Nam
Kìa nắng sớm mai chiếu soi ngàn muôn tia sáng
Chúng em vây quanh cô giáo trong giờ chơi
Từng đôi mắt xanh nhìn lên bản đồ Việt Nam
Lắng tai em nghe lời nói sao dịu hiền
“Ấy miền Nam, rừng dừa mênh mông
Cây lúa thơm vàng gạo trắng nước trong
Cửu Long đắp bồi nên quê hương nhà
Lúa xanh Tháp Mười tươi tốt vì phù sa”

Miền Nam chúng em chứa bao tài nguyên phong phú
Trái cây xanh tươi trên đất Cần Thơ
Ruộng muối trắng tinh Bạc Liêu nặng tình quê hương
Chuối hai bên bờ dòng nước kênh lững lờ
Đước Cà Mau, rừng dừa Long Xuyên
Em bé ChâuThành làm ngọn đuốc thiêng
Miền Nam đất Việt thiếu niên anh hùng
Xứng danh tên vàng thành phố Hồ Chí Minh

Miền Nam chúng em đã bao lần không lui bước
Các anh thanh niên đã hiến dâng tuổi xuân
Để cho chúng em ngày đêm học hành ca vang
Sống vui êm đềm ở dưới những nếp nhà
Em chỉ mong, một ngày thống nhất
Khi ấy không còn nhịp cầu bắc ngang
Đàn em múa cười xung quanh Bác Hồ
Thiếu niên hai miền chung sống đời tự do.

Tháng Hai 16, 2013 Posted by | Tản văn | 3 bình luận

Khai bút

Khai butĐầu Xuân theo lệ cũ lượn qua Văn miếu coi các bậc trưởng lão ban phát chữ nghĩa cho dân gian.

Các cụ ông, cụ bà đắt khách nhất ở chữ “Thọ”, chữ “Phúc”…

Mấy phu nhân, mệnh phụ lo lắng cho chồng chỉ xin một chữ “Tâm”.

Chữ “Lộc” có lẽ được dành riêng  dân làm ăn, quanh năm vất vả mất nhiều được ít nhưng vẫn còn hy vọng mong manh?

Chỉ thắc mắc sao người bình dân lại hay xin chữ “Nhẫn”? Cứ tưởng nhẫn nại, chịu đựng như dân ta là tột cùng rồi, vậy mà chưa coi là đủ, vẫn cần xin thêm?

Thông thường, người ta đi xin chữ thì ai chỉ biết phận ấy. Lần này, mình thử đi xin hộ, chẳng biết có hiệu nghiệm không ta?

“Cụ đồ” trông qua thấy tuổi đã “ương ương”, chưa già lắm mà cũng không còn trẻ. Thấy cái dáng lớ ngớ của mình, cụ hỏi luôn: “Bác xin chữ cho ai, tuổi nhiêu, hoàn cảnh sao?…”. Mình vội vàng thì là mà… rằng “cháu nó” sang tuổi thứ 6 nhưng còi cọc lắm, 1-2 năm cuối chẳng thấy tăng cân gì cả…”Cụ đồ” phán luôn, rằng đấy là bệnh suy dinh dưỡng, cần cho ăn uống đủ chất hơn và quan trọng nhất là phải điều độ, đúng bữa hơn. Rồi “cụ” lấy bút, giấy phóng tay viết luôn 2 chữ ” Chấn hưng” như hình dưới đây: 

chan hung

Mình chẳng hiểu gì, nhưng chẳng dám hỏi, lỡ lại bị mắng thì “xúi” cả năm,  vội vàng cám ơn, cuộn giấy lại tính về ngay. “Cụ đồ”  vội ngăn lại và  hỏi : “Vậy cháu bé họ tên ra sao?” .

Mình cúi gằm mặt xuống, lúng búng: “Dạ cháu nó có họ “Bờ” tên là “Lốc” ạ!!!!”

 

Tháng Hai 14, 2013 Posted by | Tổng hợp, Tản văn | 7 bình luận

Nguyễn Thanh Sơn – Tản mạn về Bên Thắng Cuộc

Lời giới thiệu: Nguyễn Thanh Sơn là nhà phê bình văn học trẻ, lúc mới viết đã gây nhiều ồn ào. Sơn học ở Nga về và có doanh nghiệp khá thành công; ngoài ra có hưởng chút tiếng tăm của vợ là diễn viên tài năng Hồng Ánh. Sơn không phải nhân vật nặng ký trong làng văn chương, có lẽ vì Sơn không viết nhiều và cũng không hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đó. Mà thực ra đứng về phương diện phê bình văn học, bình tác phẩm cũng không có nhiều để viết, đáng viết. Sơn đôi lúc khiến người ta cảm nhận hơi phô trương kiến thức, chủ yếu thể hiện mình, cầu toàn và cực đoan. Tuy nhiên văn phong của Sơn tràn đầy sức sống của thời toàn cầu hóa và thời đại internet. Những phân tích của Sơn súc tích, sâu sắc, có cái nhìn tổng thể, độc đáo và sáng tạo. Những bài viết của Sơn chắc chắn chinh phục được nhiều độc giả nghiêm túc của thời đại @.
Dưới đây là bài viết có lẽ là mới nhất của Sơn.
*

Tản mạn về Bên Thắng Cuộc

-1-
Cách đây gần mười năm, khi bạn tôi, nhà văn nữ Hàn Quốc Nawon Kim bay sang Hà nội gặp tôi để giới thiệu về dự án sắp tới của mình, tôi không quá hào hứng. “Chị muốn viết một cuốn sách về Hà nội và về lịch sử hiện đại của nó. Cuốn sách của chị sẽ tái hiện lại lịch sử của Hà nội thông qua các câu chuyện của người dân Hà nội, nên chị sẽ cần phỏng vấn khoảng hai mươi người thuộc các thành phần khác nhau: chị muốn phỏng vấn các họa sĩ, nhà thơ, công chức, công nhân, chiến sĩ, tiểu thương…em có thể giới thiệu cho chị một số người được không?”. “Em quen rất nhiều nghệ sĩ nên có thể giúp chị được”- tôi nói-” về họa sĩ, chị có muốn em giới thiệu anh Thành Chương, anh Lê Thiết Cương hay anh Ðặng Xuân Hòa không?”. “Không, chị không muốn thế”- Nawon trả lời – “những họa sĩ đó quá thành công, nên đã có nhiều người khai thác câu chuyện của họ. Câu chuyện Hà nội của chị sẽ là câu chuyện của những người thất bại, những người thua cuộc”.
Tôi đã không thể giúp được gì nhiều cho Nawon, nhưng câu trả lời của chị làm tôi giật mình. Hơn một năm, Nawon đã đi tìm những người thua cuộc của Hà nội để phỏng vấn, và chị đã tìm ra. Trong cuốn sách của mình, Nawon phỏng vấn một họa sĩ đã tham gia vào lớp học đầu tiên của các họa sĩ ở Việt Bắc do cố họa sĩ Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy, và sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, giờ đây ông ngồi vẽ những bức tranh thờ bán với giá 50 ngàn đồng một bức. Rồi những công chức của Hà nội cũ, những nhà thơ, những tiểu thương hay công nhân của nhà máy cơ khí Trần Hưng Ðạo…Tiếc rằng tôi không biết tiếng Hàn để có thể đọc được tác phẩm của chị (khi ra đời, mang tên “Cây vĩ cầm của cha tôi”), nhưng tôi tin, đó sẽ là một cái nhìn độc đáo và khác lạ về lịch sử của Hà nội nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung.

Bìa sách Cây vĩ cầm của cha tôi của Nawon Kim
-2-
Nếu chỉ tìm hiểu trên sách vở, bạn khó mà cảm nhận được sự ác cảm của người dân Okinawa với các căn cứ quân sự của Mỹ. Đừng quên, Okinawa đã từng là một công quốc độc lập trước khi bị người Nhật dùng sức mạnh thôn tính, và trong chiến tranh thế giới thứ hai, Okinawa bị Nhật Bản bỏ rơi một cách có chủ ý- sư đoàn bộ binh duy nhất của Nhật bản đóng trên đảo được lệnh tử thủ bằng mọi cách, cho quân đội Mỹ hiểu cái giá mà họ phải trả nếu đem chiến tranh tới lãnh thổ Nhật bản. Trong suốt gần một năm trời trong chiến dịch “cơn bão thép”, quân đội Mỹ đã tàn sát các dân thường, dùng súng phun lửa phun sâu vào các hang đá, ném lựu đạn xuống các hầm trú ẩn, dùng lưỡi lê đâm chết các thương binh. Năm 2008, khi dẫn chúng tôi tới thăm công viên Hòa bình trên đảo, Arasaki Masako-san, người hướng dẫn cho chúng tôi, một trong những nữ sinh trung học đã sống qua những ngày tháng địa ngục đó, dẫn chúng tôi tới Mỏm đá Khóc, nơi hàng trăm người dân Okinawa đã nhảy xuống biển tự sát khi quân đội Mỹ chiếm đóng hoàn toàn đảo này. Những trang như vậy hoàn toàn vắng bóng trong sách lịch sử mà chúng tôi được học về chiến tranh thế giới thứ 2 ở các chương trình giảng dạy về lịch sử trong các nhà trường Mỹ. Trong khi tố cáo mạnh mẽ Lò Thiêu hay những tội ác của quân đội Nhật ở Nam-kinh hoặc các quốc gia Đông Nam Á khác, lịch sử hiện đại hoặc tảng lờ, hoặc lướt qua những tội ác mang tính diệt chủng mà các cuộc không kích của quân đội Đồng Minh đã gây ra trên lãnh thổ Đức, hay những phiên tòa vội vã của Tòa án Quân sự Viễn đông (Tòa án Tokyo) đã kết án treo cổ hàng loạt tướng lĩnh và quan chức dân sự Nhật bản. Đó chính là lý do tại sao người Mỹ theo dõi “một cách thận trọng” chiến thắng của Thủ tướng Nhật bản Shizo Abe vào năm 2006- ông ngoại của ông, Nobosuke Kishi, cựu Bộ trưởng Thương mại thuộc nội các chiến tranh Tojo, đã từng bị giam giữ ở nhà tù Sugamo như “tội phạm chiến tranh loại A”, dù may mắn không bị kết án như nhiều đồng nghiệp của mình- trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Abe từng nhiều lần bày tỏ thái độ “không đồng tình” với cách lịch sử hiện đại mô tả về nước Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai. Khi ông Abe trở thành thủ tướng, người Mỹ đã gửi đi một thông điệp rõ ràng và lạnh lẽo “bất cứ một mưu toan nào nhằm viết lại lịch sử đều sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ đồng minh chiến lược giữa Nhật bản và Hoa Kỳ”
-3-
Ngày 12 tháng 12 năm 2012 vừa qua, hàng ngàn người trên toàn thế giới đã tham gia quay những đoạn phim ngắn về cuộc sống xung quanh họ để góp sức cho dự án “Một ngày của Trái đất” (A Day On Earth); hàng ngàn câu chuyện trên toàn thế giới mô tả niềm vui, nỗi buồn, sự đau khổ, hòa bình, chiến tranh, xung đột sắc tộc, tình yêu, hận thù, những thiên đường trên trái đất, những khu ổ chuột, những em bé được sinh ra ở châu Á, những đám tang ở vùng Trung Đông…tất cả tạo thành một bức tranh khảm (mosiac) khổng lồ về một ngày trên Trái đất mà chúng ta đang sống…
Được khởi xướng từ năm 2008, dự án này bắt đầu với một sự kiện tương tự vào ngày 10 tháng 10 năm 2010, rồi 11 tháng 11 năm 2011 – đạo diễn Kyle Ruddick và những người cùng chí hướng tin rằng, hàng ngàn câu chuyện đó sẽ cho người xem một cảm nhận tương đối trung thực về thế giới mà chúng ta đang sống- với hàng ngàn câu chuyện được kể bằng hàng ngàn góc nhìn và nhân vật khác nhau, đây sẽ là một đoạn “biên niên sử” tương đối khách quan nhất…
-4-
Tuy vậy, cả Nawon Kim lẫn Kyle Ruddick đều chưa bao giờ coi mình là sử gia- họ hoặc là nhà văn, hoặc nhà biên kịch kiêm đạo diễn. Những nỗ lực của họ đều nhằm một mục đích- cung cấp những cái nhìn đa chiều hơn về một quá khứ (Nawon) hay hiện tại (Kyle Ruddick), những cái nhìn, trong phần lớn trường hợp, bị lịch sử “dòng chính” hoặc bỏ qua, hoặc lấp liếm, hoặc xuyên tạc. Bằng việc cung cấp những câu chuyện của hoặc những kẻ thua cuộc, hoặc những con người bình thường nhất, họ muốn thách thức cách mà lịch sử “dòng chính” được kể. Lịch sử “dòng chính” luôn luôn thuộc về hoặc những kẻ thắng trận, hoặc quyền lực thống trị. Họ muốn kể những câu chuyện thuộc về “dòng ngầm” (underground), và muốn những câu chuyện của mình làm đối trọng cho những gì mà lịch sử “dòng chính” mô tả.
Vậy nên, các cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai phe “phê phán” và “ủng hộ” Bên Thắng Cuộc đều “trật đích” ngay từ đầu khi coi cuốn sách này là một cuốn sách lịch sử hay thậm chí là một cuốn sách về lịch sử. Bên Thắng Cuộc, như nhà báo Trung Bảo đã đề cập, là những tư liệu và các câu chuyện được ghi chép và tổ chức của một nhà báo về một giai đoạn thời gian mà anh đã trải nghiệm và muốn chia sẻ. Nó có thiên kiến hay không? Tất nhiên là nó thiên kiến! Cho dù được xây dựng bằng hàng trăm câu chuyện khác nhau, với một giọng kể cố gắng khách quan, thì cái “thiên kiến” của nó đã rõ ràng ngay từ lời đề từ trích dẫn thơ của Nguyễn Duy “Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh/Bên nào thắng thì nhân dân đều bại”- nó lựa chọn góc nhìn của bên “nhân dân” bị bại trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước (hay cuộc nội chiến- tùy theo góc nhìn của người đọc)- nói một cách khác, nó muốn kể lại những câu chuyện của “dòng ngầm”- những gì người ta hoặc không nhìn thấy, hoặc coi nó không quan trọng, hoặc tảng lờ, hoặc tẩy xóa hay xuyên tạc. Hãy nhớ lại, để tái hiện một ngày diễn ra trên thế giới, đã có hàng ngàn câu chuyện được hàng ngàn con người kể lại, vậy thì sẽ có bao nhiêu câu chuyện đủ để tái hiện một giai đoạn lịch sử hơn ba mươi năm của một dân tộc? Lựa chọn câu chuyện nào, lựa chọn câu chuyện của ai, đó là thiên kiến. Cho nên, đòi hỏi nó tái hiện lại “một lịch sử chiến thắng hào hùng của dân tộc” như nhà báo Đức Hiển và một số người khác đòi hỏi là vô lý- đã có quá nhiều những cuốn sách khai thác những góc nhìn oanh liệt và hào hùng như vậy rồi. Bên Thắng Cuộc góp một góc nhìn khác của một nhà báo, dù rõ ràng là chưa đầy đủ và hoàn chỉnh, về một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam, giai đoạn lịch sử mà, do một số lý do nào đó, có quá ít người chịu tổ chức tư liệu, nghiên cứu và ghi chép một cách tương đối khách quan. Có thể hiểu được lý do tại sao lịch sử “dòng chính” tránh đối mặt với thời kỳ đó – về cơ bản, “độ lùi thời gian” chưa đủ lâu để nó dũng cảm thừa nhận những sai lầm, tìm hiểu những thất bại và nghiên cứu các bài học cho tương lai. Nhưng còn lịch sử “dòng ngầm”? Các sử gia chuyên hay không chuyên chẳng thể đỗ lỗi cho ai ngoài chính sự lười biếng của mình về sự vắng bóng của những tác phẩm nghiêm túc về thời kỳ lịch sử đó. Cho nên, như một độc giả đã nói, đóng góp quan trọng của Bên Thắng Cuộc không phải tính chất “chân thực” hay “chính xác” của nó, đóng góp quan trọng nhất của Bên Thắng Cuộc mang tính gợi mở- nó cho người đọc thấy còn rất nhiều những vấn đề quan trọng của lịch sử hiện đại Việt Nam cần phải nghiên cứu và khám phá một cách nghiêm túc. Thảo luận hay tranh luận về tính chính xác, chân thực và đa chiều của Bên Thắng Cuộc nên được coi là tiền đề cho những tác phẩm nghiên cứu lịch sử thực sự về sau, đặc biệt về những “vùng đen”, “vùng trắng” hay “vùng mờ” trong lịch sử hiện đại Việt Nam.
Bên Thắng Cuộc đã động chạm đến những vùng mờ đó – cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền, vấn đề thuyền nhân, hai cuộc chiến tranh biên giới…nhưng tham vọng “tái hiện lịch sử” thông qua các câu chuyện nhỏ của một số cá nhân là một tham vọng quá sức đối với cuốn sách. Cho nên, dễ hiểu tại sao Bên Thắng Cuộc lại bị kẹt giữa hai làn đạn của những đại diện của quyền lực thống trị và “quyền lực bị cai trị”. Đối với quyền lực thống trị, những câu chuyện của Bên Thắng Cuộc chỉ là những câu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”, hoặc “tình thế nó thế thì mình phải làm thế”, “chỉ khơi lại vết thương cũ để chia rẽ nhân dân”, còn đối với cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, những câu chuyện của nhà báo Huy Đức chỉ mới “chạm sơ” trên bề mặt những đau đớn, tủi nhục và mất mát mà họ phải gánh chịu trong những trại cải tạo, những ngày tháng lênh đênh trên biển và nỗi uất hận vì mất mát tình cảm, tài sản và quê hương trong suốt những năm tháng qua – với hơn hai triệu câu chuyện như vậy chỉ tính riêng trên đất Mỹ, vậy thì vài chục câu chuyện không hẳn mang tính đại diện trong Bên Thắng Cuộc làm sao có thể thỏa mãn được một lịch sử đẫm máu mà họ mang theo? (Không loại trừ cả yếu tố “tự ái”- lịch sử về cải tạo tư sản tư doanh, đặc biệt lịch sử về vấn đề thuyền nhân phải do cộng đồng viết ra, đó là “lịch sử về chúng ta”, “của chúng ta”, làm sao chấp nhận được việc nó được mô tả bởi một người thuộc phía bên kia! Chính tôi cũng đã gặp phải vấn đề tương tự như vậy khi theo nghiên cứu về văn học Việt Nam ở hải ngoại tại trung tâm William Joiner thuộc trường đại học Massachusett – các cuộc biểu tình phản đối chủ yếu về tính “chính danh” của nghiên cứu này – vấn đề văn học Việt Nam ở hải ngoại phải do các nhà văn hoặc nhà nghiên cứu ở Hải ngoại thực hiện). Nhưng muốn nói gì thì nói, Bên Thắng Cuộc đã thành công trong bước “đột phá” đầu tiên – khơi mào cho những cuộc tranh luận để chúng ta hi vọng đánh động được không khí nghiên cứu và làm việc nghiêm túc về rất nhiều vấn đề còn tồn đọng của lịch sử đương đại Việt Nam.

Tháng Một 17, 2013 Posted by | Tổng hợp | 2 bình luận

Chúc mừng năm mới 2013

Chỉ còn vài tiếng nữa là kết thúc năm 2012 theo giờ Việt nam. Tuy không thật là sôi nổi, nhưng năm qua, blog cũng đã đem lại cho chúng ta nhiều giây phút sảng khoái, nhiều chia sẻ, suy nghĩ trăn trở. Nhân dip năm mới sắp đến xin chúc tất cả các A0khoa9’s chúng, chúc tất cả các bạn bè trên blog của chúng ta một năm mới hanh phúc, thành công. Chúc sang năm mới chúng ta được đón nhiều tin vui từ tất cả các bạn và gia đình các bạn trên blog này.

Share với các bạn bài hát mừng năm mới

Tháng Mười Hai 31, 2012 Posted by | Tổng hợp | 4 bình luận

Chúc mừng sinh nhật Hồ Kiệt.

Image

Nhân ngày sinh nhật bạn Hồ Kiệt, tập thể A0khoa9 xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến bạn, người bạn khiêm nhường của lớp chúng ta. Tuy không lên tiếng, nhưng chắc chắn rằng HK vẫn thường xuyên theo dõi blog. Chúc bạn tuổi mới, tràn đầy niềm vui, thành công và hạnh phúc. Mong được gặp bạn trên blog này và cả offline nữa.

Tháng Mười Hai 24, 2012 Posted by | Tổng hợp | 1 bình luận